Chi họ Tô xã Vĩnh Hòa, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang


                                     Một góc xã Vĩnh Hòa ngày nay (Ảnh TL)

Chi Họ Tô xã Vĩnh Hoà, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trước kia là xã Tân An, huyện Tân Châu nằm dọc theo sông Tiền Giang, cách Thị xã Tân Châu 10km, cách biên giới Campuchia 6km, đối diện bên tả ngạn là tỉnh Đồng Tháp.

Về nguồn gốc Họ Tô Tân Châu, theo các cụ đời trước truyền lại thì cụ Tổ là Tô Hiệp Hưng, tự Tô Hêng là dòng dõi quan lại nhà Minh, Trung Quốc, tham gia phong trào “phản Thanh, phục Minh” bị thất bại, bị đàn áp, cụ Tổ Tô Hiệp Hưng phải chạy sang Đông Dương cách nay khoảng 250 năm (1757- 1775).

Thời kỳ đầu cụ tạm cư tại vùng Bãi Cải, thuộc huyện Sithokandal, tỉnh Preyveng - Campuchia. Sau đó cụ về vùng An Giang, Cần Thơ (Việt Nam). Cuối cùng cụ định cư tại vùng Kaskos, Peamchor, Preyveng, Campuchia.

Vì đi lập nghiệp nhiều nơi, cụ có đến 5 người vợ, sinh được 13 người con (7 trai, 6 gái).

Lúc đầu đến ở vùng Bãi Cải, ở đây đã có đông người Trung Quốc sinh sống. Tại đây cụ được một gia đình chồng là người Trung Quốc, vợ là người Campuchia thương yêu và gả con gái cho (không biết tên cụ bà là gì) sinh được 2 con gái là Tô Thị Sum, Tô Thị Tiêu.

Khi về xã Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay là xã Vĩnh Hòa, Thị xã Tân Châu, cụ kết hôn với người con gái Việt Nam là Mai Thị Diệp sinh được 4 người con trai là Tô Văn Xê (Quới), Tô Văn Diện, Tô Văn Giao, Tô Văn Quí (Huấn).

Khi về lại vùng Peamchor, Preyveng, Campuchia lập nghiệp, cụ kết hôn với bà Phạm Thị Mai sinh được 6 người con (3 trai, 3 gái) là Tô Thị Khuê, Tô Thành Phố, Tô Thị Chợ, Tô Thị Canh, Tô Thành Cửu, Tô Thành Quỳ.

Cụ còn kết hôn với bà Phan Thị Ớt, quê ở Vịnh Đồn, thuộc xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc nhưng không có con. Và cụ bà thứ năm (không biết tên) ở Cái Răng, Cần Thơ sinh được một con gái là Tô Thị Chính.

Bẩy người con trai thành 7 nhánh của chi Họ Tô Vĩnh Hòa. Nay đã phát triển đến đời thứ 8 với khoảng 90 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Cụ Tổ Tô Hiệp Hưng có công khai hoang, mở mang đất đai giúp cho dân trong tổng canh tác, lập làng ấp.  Khi cụ qua đời được nhân dân trong vùng lập một ngôi đình để thờ phụng như Thành hoàng làng. Đình bị chiến tranh tàn phá nay chỉ còn lại nền đất hoang vắng. Người con trai thứ ba của cụ là Tô Thành Phố làm Cai tổng. Cháu nội cụ là Tô Thành Thâu làm lương y cứu giúp dân trong vùng qua khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Nay con cháu phần lớn vẫn sống ở quê, nghề chính là làm ruộng. Một số cháu làm nghề dạy học và các ngành nghề khác. Một số đi làm ăn sinh sống ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, con cháu họ Tô Vĩnh Hòa nhiều người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong họ có 3 liệt sĩ là Tô Văn Hẹ, Tô Văn Lũy, Tô Văn Phải. Đặc biệt có 2 người con gái là Tô Cẩm Sàng có công nuôi dấu, giúp cán bộ cao cấp hoạt động như ông Hồ Huệ Bá, chị Ba Đôn, bà Tô Ánh Hồng tên Campuchia là Som Hong, giáo viên trường Trung học Hữu Nghị đã có công giúp đỡ bộ đội Việt Nam ở Campuchia và cung cấp lương thực thuốc men về trong nước. Cùng hoạt động với bà có chị Ba Lan, anh Hai Phụng, anh Ba Tàu (Chếp Tu)….., có người sau giải phóng giữ chức vụ quan trọng như Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh. Bà và cả gia đình bị quân Pôn Pốt bắt giam gần 4 năm. Đến năm 1979 mới được giải phóng và tiếp tục tham gia hoạt động. Bà về sống và công tác ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho đến nay.

                                                                                          Tô Đông Hải (Đời thứ 6)