CHI HỌ TÔ LÀNG ĐẠI TỪ, XÃ ĐẠI KIM, HUYỆN THANH TRÌ (NAY LÀ PHƯỜNG ĐẠI KIM, QUẬN HOÀNG MAI) HÀ NỘI


                           Cồng làng Đại Từ (Ảnh TL)

          Huyện Thanh Trì xưa kia là huyện Long Đàm. Sở dĩ có tên gọi này vì trong huyện có một đầm lớn gọi là Đầm Rồng (chữ Hán là Long Đàm). Đầm này có tên khác là Linh Đường và còn có tên là Liên Đàm (Đầm Sen) vì trong đầm có rất nhiều sen. Đầm Rồng là vết tích của sông Tô Lịch đổi dòng. Cạnh đầm (sông Tô Lịch xưa) và cũng cạnh sông Tô Lịch ngày nay có một làng gọi là làng Đại Từ. Còn địa danh Linh Đàm nhiều người nói là từ Linh Đường hoặc Liên Đàm đọc trại ra mà thành.

          Tên làng Đại Từ có quan hệ mật thiết đến Phật giáo, đề cao lòng thương yêu mọi người “từ bi hỷ xả” và Đức Phật có danh hiệu là  “Đại Từ bi”, tên làng đặt theo tên nhà Phật.

          Huyện Long Đàm sau đổi tên là Thanh Đàm rồi lại đổi thành Thanh Trì. Trong Văn khấn Tổ của Họ Tô có câu “Đại Từ thôn, Linh Đàm xã, Bằng Liệt tổng, Thanh Trì huyện”. Đại Từ có thời gian thuộc Đại lý Hoàn Long. Ở làng Đại Từ có một chi Họ Tô sống đã lâu đời. Họ Tô xưa kia đã viết được 3 cuốn tộc phả bằng chữ Hán. Nhưng năm 1946 “Toàn quốc kháng chiến”, nhà thờ Họ Tô thành Trạm cứu thương của bộ đội ta. Ba cuốn tộc phả in trên giấy bản mềm đã được xé ra để lau thấm vết thương của thương binh, nên hiện nay Họ Tô không còn gia phả, khó khăn cho con cháu khi tìm hiểu về gốc tích tổ tiên và sự phát triển của chi họ. Sự phát triển của chi Họ Tô gắn với sự phát triển của làng Đại Từ. Theo tộc phả của Họ Nguyễn Bá trong làng thì họ này từ Hải Dương về đây vào thời Trần Trùng Quang (1410 - 1413). Lúc đó ở Đại Từ đã có Họ Trương, Họ Tô là những người lập ra làng Đại Từ trước đó khoảng 200 năm, đầu thế kỷ thứ 13.

          Hiện nay, chi Họ Tô còn giữ được hai ngôi mộ Tổ ở nghĩa trang Chói Đèn, hai ngôi mộ này cũng từ nơi khác chuyển về đây do có sự dịch chuyển đất đai trong xã. Mộ Tổ bà chuyển về khi Pháp đào sông Lừ để tiêu nước nội thành vào sông Tô Lịch nên có khuôn viên rộng nhất ở trung tâm nghĩa trang. Trên mộ còn tấm bia chữ Hán nhưng mờ khó đọc, vì vậy con cháu ghi bia bằng tiếng Việt: Lê Quý Thị hiệu Từ Thiện, giỗ ngày 22 tháng Năm. Còn mộ Tổ ông từ Gò Cao chuyển về thời gian gần đây, trên mộ chí ghi “Tô Quý Công tự Phúc Bình, giỗ ngày 8 tháng Giêng”. Lúc di chuyển mộ thấy là trong quan, ngoài quách, sơn son thiếp vàng chứng tỏ Thủy tổ là người có danh vọng trong làng. Chi Họ Tô đã có thời gian phát triển cực thịnh. Không còn gia phả nhưng ở đình làng có tấm bia “Thị chỉ” đặt trong Chỉ Bô. Trên bia ghi tên các cụ ông thọ trên 65 tuổi (xưa kia tuổi thọ 65 cũng là hiếm); từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, thì Họ Tô là đông nhất có 82 cụ được ghi tên. Nhưng do lịch sử thăng trầm và điều kiện kinh tế nên chi họ phải ly tán nhiều nơi.

          Làng cũ trước ở khu Đồng Mồ - Gốc Gạo, do địa thế chật hẹp khó phát triển nên khoảng năm 1450, dân làng quyết định rời làng về địa điểm mới cũng không đủ chỗ ở, phải phân tán một bộ phận sang đảo Linh Đàm đất “nghịch” vì hoang vu lại là nơi trú ngụ của bọn giặc cướp, nên chi họ đã giao ước là ai sang đó thì được làm anh, người ở lại nơi thuận lợi làm em (Linh Đàm là anh, Đại Từ là em). Nay ở Pháp Vân có một nhánh Họ Tô, chính là từ Đại Từ chuyển sang từ thời đó. Sau này chi Họ Tô còn nhiều lần dịch chuyển. Hiện ở Khánh Vân, Thường Tín có một chi Họ Tô Văn (họ ông Tô Văn Cường - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín) có gốc gác từ chi Họ Tô Đại Từ.

          Trước năm 1945 đã có 6 nhánh họ phiêu bạt, không biết về đâu và cũng không có liên lạc gì với quê cũ. Năm 1945, Họ Tô làng Đại Từ chỉ còn 15 suất đinh. Hiện nay ba nhánh họ nhưng cũng chỉ có 26 hộ với 115 nhân khẩu.

          Nghề nghiệp chính của chi họ cũng như của làng Đại Từ là thuần nông cấy lúa. Vì làng có nhiều ao hồ nên có thêm nghề nuôi cá.

          Ngoài ra Đại Từ còn có một nghề đặc biệt nổi tiếng thời xa xưa: Nghề “nuôi con”. Nhiều nơi khác sinh con khó nuôi đưa đến gửi nuôi ở Đại Từ vì làng có kiểu đất hình “Cô Tiên”, đầu làng, cuối làng có 2 gò đất hình bầu sữa mẹ (gò Đông Đống, gò Mâu Lưới), cạnh cổng làng trong và cổng làng ngoài có 2 giếng tròn nước quanh năm trong mát. Địa thế đó được thể hiện trong câu ca dưới đây:

          Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát

          Giếng Đại Từ nước mát quanh năm

          Dòng Tô uốn khúc lượn quanh

          Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài.

          Đại Từ có truyền thống đánh giặc giữ làng, được triều đình phong kiến phong là “Nghĩa Dân”. Trên cổng làng hiện còn bốn chữ “Đại Từ Nghĩa Dân”.

          Từ sau Cách mạng Tháng tám, nhất là sau năm 1954 đến nay, Đại Từ có nhiều thay đổi. Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Đại Từ là hợp tác xã điển hình của miền Bắc, ngày 12 – 10 – 1958 được Bác Hồ về thăm.

          Và trên đất Đại Từ hiện nay đã xây nên một khu đô thị mới kiểu mẫu của nhà nước: Khu bán đảo Linh Đàm.

          Chi Họ Tô làng Đại Từ tuy số khẩu và số đinh đều ít nhưng trong kháng chiến chống mỹ có 12 người tham gia lực lượng vũ trang, có 2 người là liệt sĩ. Trong chi họ có 16 người có bằng đại học (13 nam và 3 nữ); trong đó có anh Tô Quốc Tuấn đang làm việc ở Đại Truyền hình Việt Nam. Tính theo số dân hiện nay là 115 thì tỷ lệ những người có bằng đại học là 13%.

                             Tô Văn Gia