CHI HỌ TÔ XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH


         Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Phong kiểm tra đồng lúa nếp cái hoa vàng truyền thống xã Yên Phụ. (Ảnh TL)

          Đất Yên Phụ xưa kia thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

          Vào thời Lý, Yên Phụ nổi lên là mảnh đất thiêng khi quân dân Đại Việt tập trung chống quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu. Đại bản doanh của Thái úy Lý Thường Kiệt đóng ngay trên đất Yên Phụ, tại con đường từ Như Nguyệt về Thăng Long, chỉ cách Như Nguyệt 4km.

          Nay trong khu dân cư còn một nơi thờ gọi là “Điếm trung quân” còn có “đường Trẩy Kinh”, “đường Hạch Lợn”, “đường Cá”, “đường Bù Quân”, “Chợ Gạo”, tương truyền là dấu tích của thời xa xưa oai hùng đó.

          Xã Yên Phụ có 12 dòng họ cùng chung sống đã hơn 10 thế kỷ, dân số hơn 10.000 người; trong đó có dòng Họ Tô với hơn 1.000 nhân khẩu.

          Chi Họ Tô xã Yên Phụ không còn gia phả gốc, mà chỉ có gia phả của 7 cành chép được từ ông Tổ của mỗi cành, cách đây 10 – 11 đời (khoảng 300 năm), nhưng theo lời người xưa nói lại, thì chi họ đã định cư lập nghiệp ở đây từ cuối đời Lý, cách ngày nay ít nhất là 800 năm.

          Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Thành viết trong bài tham luận “Hội thảo khoa học về Yên Phụ” thì Thủy tổ của chi Họ Tô này là chí sĩ Tô Khang Sơn và em gái là Tô Thị Kim Liên, hiệu Quỳnh Hoa công chúa về ở Yên Phụ đã lo chiêu dân, xây dựng xóm làng. Ông còn mở trường dạy học cho trai tráng trong làng để mở mang dân trí và giữ đạo làm người, xây dựng nếp sống đạo đức làm cho dân sống có nghĩa, có tình.

          Trong nhà thờ của chi họ có tấm bia đá lập năm Tân Tỵ (1881), năm Tự Đức thứ 34 ghi lại việc đóng góp xây dựng nhà thờ, ghi tên Thủy tổ và ghi tên 7 người trong họ được phối thờ vì đã quyên tiền, cúng đất để xây nhà thờ và làm đất hương hỏa.

          Thủy tổ: Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Lễ bộ Hữu thị lang tước Phong Dự nam trí sĩ, Tô tướng công tự Khang Sơn, thụy Văn Trung. Bà Tô Thị hiệu là Quỳnh Hoa công chúa.

          Như vậy Thủy tổ Tô Khang Sơn làm quan đến chức Hữu thị lang, là cấp phó cúa Thượng thư, trật (cấp) là Tòng nhất phẩm. Khi về trí sĩ (về hưu) được phong là Vinh lộc đại phu Phong Dự nam. Ông có thể làm quan vào cuối triều Lý, vì theo tương truyền của người họ này thì ông là con trai Đức Tô Hiến Thành. Tô Khang Sơn được đứng vào hàng tiên hiền, tiên nho của làng, mà theo quy ước thì tiên hiền, tiên nho phải là người đỗ Tiến sĩ, hoặc đỗ Hương cống (Cử nhân) nhưng làm quan trong triều. Với vị trí xã hội và công lao với làng xã nên sau khi ông mất, dân làng vẫn dành cho ông sự trọng vọng đặc biệt. Trong lễ cúng tế hằng năm có lệ là trải một tấm chiếu hoa và cắm một chiếc lọng vàng tượng trưng “chỗ ngồi” của ông ở chốn đình trung.

          Còn theo tham luận của Tiến sĩ Mai Hồng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng trong cuộc Hội thảo này thì Tô Thị Kim Liên là người con gái tài sắc, ngặt vì chế độ phong kiến không cho phụ nữ được đi thi và làm quan. Không lấy chồng, bà về làng đem sự học để dẫn dắt chị em gây dựng nghề tầm tang, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

          Sau khi bà qua đời được nhà vua phong tặng là Quỳnh Hoa công chúa. Bà còn lăng mộ ở xóm Chùa, làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội tiếp giáp với xã Yên Phụ và còn miếu thờ ở xóm An Tập, xã Yên Phụ. Nói về công chúa Quỳnh Hoa, ở làng Thụy Lôi còn có câu ca “Em Quan thị, chị Chúa bà”, Chúa bà là công chúa Quỳnh Hoa, còn Quan thị là quan Đồng trị nội sự, Họ Tô tự là Danh Hiển tước Hà Trạch hầu. Viên quan này trước đây có nhà thờ rất to nhưng bị phá dưới thời cải cách ruộng đất chỉ còn giữ lại được tấm thần chủ và đôi câu đối. Như vậy công chúa Quỳnh Hoa có anh trai là quan Hữu Thị lang Tô Khang Sơn và em trai là quan Đồng Tri nội sự Hà Trạch hầu Tô Danh Hiển.

          Trải qua 8 thế kỷ, chi Họ Tô Yên Phụ đã phát triển ra rất nhiều xã ở huyện Đông Anh, thành những chi Họ Tô lớn như Sơn Du (Nguyên Khê), Thụy Lôi (Thụy Lâm), Mỹ Nội (Bắc Hồng). Bộ phận còn ở lại làng Cầu Gạo, xã Yên Phụ nếu tính từ Thủy tổ Tô Khang Sơn đã có gần 30 đời, với 7 cành và hơn nghìn nhân khẩu. Nghề nghiệp chính là làm ruộng và làm nghề thủ công (làm bánh đa nem, mộc, nề xây dựng). Đời sống khá, hầu như không còn hộ nghèo.

          Nhiều con em trong chi họ thoát ly quê hương, tham gia lực lượng vũ trang, công tác nhà nước trở thành cán bộ trung, cao cấp như Tiến sĩ Tô Văn Đáp – thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thiếu tướng Tô Văn Bốn (Công an); Đại tá Tô Tuấn Anh, Tô Văn Dũng, Thượng tá Tô Lam Sơn (quân đội).

          Tiêu biểu là cụ Tô Hoàn, sinh năm 1928, cán bộ tiền khởi nghĩa, Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ), là người có công trong việc chắp nối dòng Họ Tô Việt Nam. Cụ là người dự cuộc Hội thảo khoa học “Danh nhân Tô Hiến Thành – Cuộc đời và sự nghiệp”, ngày 6 tháng 7 năm 1997 tại huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây “cũ”. Sau Hội thảo cụ đi liên lạc với nhiều người Họ Tô, khởi xướng công cuộc “chắp nối dòng họ”. Cụ đã cùng một số người tổ chức cuộc tọa đàm cới gần 200 đại biểu Họ Tô ở đình Vạn Xuân, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, nhân ngày giỗ lần thứ 819 Danh nhân Tô Hiến Thành, ngày 12 tháng Sáu năm Mậu Dần (3-8-1998). Hội nghị quyết định thành lập Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, cử ra Ban Liên lạc và cụ được bầu là một trong bốn Phó trưởng Ban Liên lạc đầu tiên. Cụ mắc bệnh hiểm nghèo mất ngày 22 tháng Mười năm 2005, là một tổn thất lớn cho dòng Họ Tô Việt Nam.

                                   Họ Tô Việt Nam