CHI HỌ TÔ PHƯỜNG DĨ AN, THÀNH PHỐ DĨ AN, TỈNH BÌNH DƯƠNG


                           Một góc phường Dĩ An, thành phố Dĩ An (Ảnh TL)

          Phường Dĩ An trước đây là xã An Bình, sau đổi là thị trấn Dĩ An, nay là phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

          Theo lời ông bà truyền lại: Khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, có ba anh em Họ Tô ở miền Trung vào miền Nam sinh cơ lập nghiệp. Họ đã dừng lại định cư ở vùng đất Dĩ An, thuộc tỉnh Gia Định, nay là tỉnh Bình Dương.

          Người anh lớn là Tô Văn Đường (thứ tư nên gọi là anh Tư), người giữa là Tô Văn Dư (thường gọi là ông Bảy), người cuối không biết tên là gì, thường gọi là ông Út.

          Ông Tô Văn Đường có một con trai là Tô Văn Phụng. Ông Tô Văn Dư có 6 người con (4 trai, 2 gải) là Tô Văn Đủ, Tô Văn Thao, Tô Thị Tàu, Tô Văn Chại, Tô Thị Hỏi và Tô Văn Đỏi. Ông Út có một con trai là Tô Văn Son. Như vậy Họ Tô Dĩ An có 6 nhành họ, hiện nay đã đến đời thứ 7. Riêng bà Tô Thị Hỏi có 2 con (1 trai, 1 gái) mang họ mẹ là Tô Văn Bì và Tô Thị Chiên nên con cháu cũng được ghi vào gia phả Họ Tô. Hiện nay chi Họ Tô Dĩ An đang sưu tầm danh sách các đời để lập gia phả đồ, nhưng con cháu ở rải rác nhiều nơi nên cũng chưa tìm được hết.

          Chi Họ Tô Dĩ An sống tập trung ở khu phố Thắng Lợi 1 và Thắng Lợi 2 trong khoảng diện tích 2km2, thuộc phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ở khu phố Thắng Lợi 2 (nơi tọa lạc nhà thờ Họ Tô) có 89 hộ với 291 nhân khẩu. Ở khu phố Thắng Lợi 1 có 27 hộ với 101 nhân khẩu. Tổng cộng có 116 hộ với 392 nhân khẩu. Ngoài ra còn một số con cháu Họ Tô sống rải rác ở các khu phố, phường, xã lân cận như khu phố Bình Minh 2, phường Dĩ An, phường Tân Bình, phường Đông Hiệp thuộc thành phố Dĩ An hoặc phương Vĩnh Phú thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, phường Tân Vạn (tỉnh Đồng Nai). Những nơi này, Họ Tô Dĩ An chưa sưu tầm được hết danh sách để đưa vào phả đồ.

          Người Họ Tô Dĩ An trước đây đa số làm công nhân Nhà máy Xe lửa Dĩ An, một số làm nghề truyền thống của địa phương như đan lát thúng rổ, chẻ chân nhang, nên khu phố Thắng Lợi 1 và Thắng Lợi 2 trước đây có tên gọi là xóm Đương (đương có nghĩa là đan). Hiện nay con cháu chuyển sang làm công nhân ở khu công nghiệp Dĩ An, Công ty Xe lửa Dĩ An hoặc các nghề lao động trí óc như viên chức, giáo viên và buôn bán dịch vụ.

          Khoảng 1/3 số gia đình có mức sống khá, còn lại phần lớn đủ ăn, không có hộ nghèo.

          Chi Họ Tô phường Dĩ An trước đây chưa có nhà thờ, hằng năm làm giỗ Tổ vào ngày 25 tháng Tám (ngày ông Út mất), tại một gia đình đăng cai luân lưu. Năm 1999 chi họ xây nhà thờ Tổ, từ đó giỗ Tổ hằng năm làm tại nhà thờ họ và vẫn do các gia đình đăng cai luân lưu. Ông Tô Văn Cương sinh năm 1932 là người cao tuổi nhất và cũng là bề trên nhất làm Trưởng tộc. Con cháu các nơi tập trung về khoảng 80 – 100 người. Lập ra Ban Quản nhiệm nhà thờ do ông Tô Tấn Lộc làm Trưởng ban.

          Con cháu trong chi họ chịu khó học hành, có 26 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 6 người là Thạc sĩ. Nhiều người làm nghề dạy học, có 3 Nhà giáo Ưu tú. Đặc biệt là 3 Nhà giáo Ưu tú lại là 3 chị em ruột, con ông Tô Văn Kẹo là Tô Thị Kịp, Tô Thị Trước và Tô Thị Nghĩa. Cô giáo Tô Thị Nghĩa được chọn là nhà giáo duy nhất đại diện cho Ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 27 tháng 12 năm 2010.

             Tô Thị Nga