CHI HỌ TÔ VĂN THÔN YÊN KHÊ, XÃ ĐẠI YÊN, HUYỆN CHƯƠNG MỸ, HÀ NỘI


                                    Một cơ sở chăn nuôi gà ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Ảnh TL)

          Theo quyển gia phả của chi Giáp (chi Trưởng) bằng chữ Hán, viết ngày 18 tháng Năm, năm Bảo Đại thứ 13 (1938), thì Thủy tổ chi họ là cụ Tô Thế Vinh, không biết từ đâu về định cư ở xã Đại Yên từ bao giờ. Nếu tính từ đời thứ hai là ông Tô Văn Thọ, ngược trở lại thì ông Tô Văn Thọ đỗ Hương cống năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780), có thể sinh khoảng năm 1750 và đời thứ nhất là cụ Tô Thế Vinh, có thể đã ở đất Yên Khê từ đầu thế kỷ thứ 18.

          Ông Tô Văn Thọ đỗ Hương cống khoa thi năm Canh Tý, Cảnh Hưng thứ 41 (1780) là Giám sinh Quốc Tử Giám, sau làm quan đến chức  Đô đốc được phong tước Quận Công.

          Cụ Tô Thế Vinh là thân sinh của Đô đốc Quận Công Tô Văn Thọ, được phối hưởng công thần phong Chánh đội trưởng Dương uy tướng quân Bỉnh Thọ hầu, thụy hiệu Thuần Lược phủ quân, sinh được hai con trai Tô Văn Thọ và Tô Văn Cầu, trở thành ông Tổ của hai chi Giáp (chi Trưởng) và Ất (chi Thứ).

          Phần tiếp của quyển gia phả liệt kê các đời con cháu của chi Giáp đến đời thứ 9 là cụ Tô Văn Đệ và tên của các con (7 trai, 2 gái) và cháu (17 nội, 5 ngoại) của cụ Đệ. Như vậy, chi Giáp năm viết gia phả (1938) đã phát triển đến đời thứ 11. Gia phả không ghi tiếp nhưng từ năm 1938 đến nay (2014) đã gần 80 năm, có thể hiện nay đã đến đời thứ 14 hoặc 15.

          Một quyển gia phả khác của chi Ất, do ông Tô Văn Chu viết ngày 18 tháng Tư năm Khải Định thứ 10 (1925), cũng bắt đầu từ Thủy tổ Tô Thế Vinh và ông Tổ của chi Ất là Tô Văn Cầu, tự Hoằng Thâm. Gia phả chỉ viết tiếp về cành Trưởng của chi Ất đến đời thứ 10. Từ 1925 đến nay (2014) đã gần 90 năm nên chi Ất hiện nay cũng có thể đến đời 14 hoặc 15.

          Họ Tô Văn cả hai chi Giáp, Ất hiện nay có khoảng 250 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, là chi họ lớn nhất của thôn Yên Khê, xã Đại Yên (chiếm 80% số hộ thôn Yên Khê).

          Nghề nghiệp chính của chi họ là làm ruộng, có làm thêm một số nghề phụ như xây dựng (nề và mộc), buôn bán nhỏ. Đời sống trung bình, còn 5 hộ (2%) nghèo.

          Các đời sau của chi họ, từ đời thứ 3 đến đời thứ 10, xem trong gia phả không có người đỗ đạt cao, làm quan triều đình. Nhưng vẫn có nhiều người đảm nhiệm các chức sắc của làng, xã như lý trưởng, chánh hội, trùm trưởng hội tư văn. Từ đầu thế kỷ 20 đã viết được gia phả bằng chữ Hán, các cụ ông, cụ bà khi mất đều đặt tên thụy, tên hiệu, chứng tỏ là chi họ có vị thế ở làng quê.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có 150 thanh niên trong chi họ tham gia lực lượng vũ trang, chiến đấu trên các chiến trường, có 50 liệt sĩ và 55 người là thương, bệnh binh, có 1 sĩ quan cao cấp quân đội.

          Tô Văn Dũng (chi Trưởng chi Ất)