HỌ TÔ PHƯỜNG PHONG CỐC, THỊ XÃ QUẢNG YÊN, TỈNH QUẢNG NINH


           Cán bộ Khuyến nông phường Phong Cốc kiểm tra năng xuất giống lúa TBR79 (Ảnh TL)

          Cụ Hoàng sơ Thủy tổ của chúng tôi từ đâu di cư đến đất Nghiêu Phong, huyện Cát Hải ngày nay. Cụ tên là gì? Qủa thực là một sự huyền bí đối với chúng tôi, có thể chúng tôi chưa tìm ra được. mà cũng có thể do dụng ý của các cụ không muốn đời sau biết rõ tính danh, gốc tích như nhiều chi họ khác.

          Tộc phả chỉ ghi là Hoàng sơ Thủy tổ Tô Quý Công.

          Theo phả ký có ghi: Cụ cao cao Hoàng sơ Thủy tổ sinh ra ở đất Hoa Phong huyện, Đăng Cốc thôn (tức thôn Linh Thiếp, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng ngày nay). Tại nơi địa đầu yếu xứ (nghĩa là nơi đầu sóng ngọn gió), vừa phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, giặc cướp hoành hành, dịch bệnh đói rét và vừa phải chịu hàng trăm ngàn chế độ hà khắc của thời phong kiến như: sưu cao, thuế nặng lúc bấy giờ, song Tổ tiên chúng tôi vẫn kiên cường vượt qua.

          Cũng theo phả ký, cụ Nhị Thế tổ là Tô Phúc Nhuận. Từ đời thứ nhất đến đời thứ 6, mỗi đời các cụ chỉ sinh hạ được một người con trai; đối với tiền nhân, như vậy là rất khó khăn cho cuộc sống hằng ngày tại nơi hoang đảo bấy giờ. Tuy vậy Tổ tiên chúng tôi cũng rất hiếu học, mới chỉ qua 6 đời đã có 5 cụ đỗ Hiệu sinh (Tú tài), 1 cụ đỗ Hương cống (cử nhân) và đã được ghi tên là Giám sinh Quốc Tử Giám. Từ chỗ không một tấc đất cắm dùi (vô hữu điền hòa) hải vi ải (tức là làm nghề muối) vô cùng vất vả. Người dùng phương tiện thuyền của gia đình, đưa muối đi các địa phương như: Đông Triều, Hải Dương, Kinh Môn… ngày nay, để đổi lấy lương thực, thực phẩm đem về nuôi sống gia đình. Giữa lúc giao lưu hàng hóa như vậy, khi ngang qua đảo Hà Nam, lúc bấy giờ vẫn còn sơ khai, thấy các cụ Tiên công (người đầu tiên của chi họ đến khai phá đất đai lập thành chi họ) đánh trống phất cờ, hô hào con cháu quai đê lấn biển, nhằm mở mang điền thổ tính kế lâu dài. Việc đắp đê là rất cực nhọc, nhiều thứ thiếu thốn nhất là nước ngọt, một nhu cầu không thể thiếu được trong cuộc sống con người, đặc biệt là trong lao động cực nhọc.

          Nhận biết tầm quan trọng của nước, nên các cụ Tiên công chủ động bàn bạc với Tổ tiên chúng tôi và giao công việc chuyên chở nước ngọt bằng phương tiện của nhà. Hằng ngày phục vụ cho lao động đắp đê và các nhu yếu phẩm khác. Bởi vậy, chẳng bao lâu, công trình đã được hoàn thành, làm nền tảng cho việc hình thành đảo Hà Nam ngày nay.

          Nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được các cụ Tiên công ban thưởng mấy chữ “Tải cam thùy chi công dữ đồng phụ khẩn”, nghĩa là “Công lao vận chuyển nước ngọt góp phần khai khẩn”. Do đó mà bồi trúc được đê, giữ vững được đồng điền không bị nước mặn tràn vào, nên được Thập thất Tiên công thưởng cho mỗi khẩu 3 sào ruộng tốt, gọi là ruộng cơm ngọn (cơm trưa).

          Năm Vĩnh Tộ thứ 6, đời vua Lê Thần Tông (1624 – Giáp Tý) Tổ tiên chúng tôi chính thức về định cư tại xã Phong Lưu, tổng Hà Nam - nay là phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Với số người còn ít, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, song Tổ tiên chúng tôi sẵn có tính cần cù lao động, tiết kiệm suất 202 năm. Đến Minh Mệnh thất niên (1826) Tổ tiên chúng tôi mới xây dựng được nhà thờ Tổ để tuần nọ tiết kia có nơi thờ cúng, tri ân Tiên tổ, đồng thời cũng là nơi giáo dục cho con cháu xây đắp nền nhân, trồng nên cây đức như ngày nay, gành vác công việc xã hội, xóm làng, cùng địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

          Tính đến năm 2001, Tổ tiên chúng tôi đã xây dựng cơ nghiệp tại nơi đây được 377 năm, gồm 17 đời tính từ Hoàng sơ Thủy tổ, có 164 hộ với 577 nhân khẩu; trong đó, nam là 322 người, nữ 255 người.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Họ Tô phường Phong Cốc có 157 người đi bộ đội; trong đó có 1 Đại tá là ông Tô Đăng Diện, 2 Trung tá, 4 Thiếu tá, 12 Đại úy, 3 người đang học tại Học viện quân sự (Bộ Quốc phòng); liệt sĩ có 3 người, thương binh 16 người. Trong họ có 28 người đã qua đại học trở lên, có 2 bác sĩ, 4 y sĩ, 2 nghệ sĩ, 213 người tốt nghiệp Tú tài. Trong họ hiện có 6 cụ Thượng thọ từ 80 tuổi trở lên.; trong đó có 1 cụ dâu họ 91 tuổi, còn 5 cụ ông từ 80 đến 89 tuổi; có 16 cháu học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

         Để giữ gìn được nhà thờ Tiên tổ, suốt 175 năm vẫn được củng cố và phát triển cho đến ngày nay. Vì chúng tôi ý thức được lời di huấn của Tổ tiên bằng bút tích và đôi câu đối thứ nhất trong nhiều câu đối ở nhà thờ:

          Tổ thiệu tông bồi bách thế bản chi lao bất bạt

          Phụ truyền tử kế ức niên hương hỏa vĩnh lưu quang

          Nghĩa là:

          Tổ tiên gây dựng, con cháu bồi đắp, đến trăm đời gốc cành vẫn không mất

          Cha truyền con nối, vạn năm hương hỏa vẫn còn lưu.

                             Tô Tiến Chi