HỌ TÔ XÃ NGỌC SƠN, HUYỆN QUỲNH LƯU, NGHỆ AN


               Mô hình chăn nuôi gà ở xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu (Ảnh TL)        

Họ Tô Văn xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là một nhánh của Họ Tô làng Thanh Đoài, xã Quỳnh Thuận, có nguồn gốc thuộc dòng họ Tô Đông Pha (?), nhà thờ Họ Tô được xây dựng tại thôn Thanh Đoài, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

          Thủy tổ của chi họ là Tiền tổ khảo, Thủy sư hải lục Mai xuyên hầu Tô Yên Huệ.

          Nhà thờ đã có từ lâu, có đủ 5 chi, có 2 chi Giáp (Giáp trưởng và Giáp thứ, chi ất, chi Bính và chi Đinh).

          Năm 1964, đế quốc Mỹ đưa chiến tranh bằng không quân, hải quân ra đánh phá ra miền Bắc, chính tại xã Quỳnh Thuận là nơi giáp với cửa biển, có 2 cửa lạch (lạch Thơi nơi tiếp giáp, giáp ranh xã Quỳnh Hải và Quỳnh Thuận; lạch Quèn là nơi tiếp giáp xã Quỳnh Thuận, xã Tiến Thủy và xã Quỳnh Long) và có 2 ngọn núi sát biển (hòn Kiến và núi Phượng) nhân dân thường gọi là núi Bà Bà.

           Do đặc điểm về địa lý như vậy, nên ngày đêm nhân dân phải chịu nhiều đợt pháo kích của giặc Mỹ từ các tàu ngoài khơi bắn vào đất liền. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính quyền, các gia đình phải phân tán lực lượng, mỗi hộ phải phân chia làm hai, lực lượng lao động, phần nhiều ở tại quê xã Quỳnh Thuận để sản xuất, bảo vệ xóm làng, còn người già, trẻ em phải sơ tán, trú ẩn, ở vùng đồi thuộc xã Ngọc Sơn để bảo toàn lực lượng, kết hợp với chủ trương của huyện Quỳnh Lưu, lúc bấy giờ là tuyên truyền, vận động nhân dân ở lại nơi sơ tán để xây dựng khu định cư mới trên mảnh đất này.

           Từ năm 1964 đến 1972, không quân của giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các con cháu không có điều kiện để về thờ phụng tổ tiên, ông bà.

           Năm 1976, được sự nhất trí của Hội đồng gia tộc, chi Họ Tô thôn Thanh Đoài, xã Quỳnh Thuận cho phép lập phân chi và được rước Thủy tổ về thôn 3, xã Ngọc Sơn để thờ phụng và tổ chức tế Tổ.

          Hiện nay chi họ có 32 gia đình, gồm 168 nhân khẩu và 76 đinh. Tuy nhiên, con cháu cũng đi làm ăn xa ở các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và các huyện trong tỉnh Nghệ An… Số hộ ở lại quê hương chủ yếu là làm nông nghiệp, đời sống trung bình và khá, không có hộ nghèo.

           Trong kháng chiến chống Pháp có 1 cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa và 8 cụ tham gia kháng chiến, được hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước (1 bệnh binh), 6 cụ được tặng Huy hiệu 50, 60 tuổi Đảng.

           Trong kháng chiến chống Mỹ có 21 người nhập ngũ; trong đó có 5 người là sĩ quan (gồm 2 cấp tá, 3 cấp úy) được hưởng chế độ nghỉ hưu, thương binh, bệnh binh, có 3 liệt sĩ.

          Trong quân đội hiện nay có 5 người là sĩ quan cấp tá, trong đó có 1 Đại tá – Chính ủy Lữ đoàn, còn lại 4 người cấp từ Thiếu tá đến Trung tá, có 1 người là bác sĩ.

         Về lực lượng công an nhân dân hiện nay có 4 người đang công tác trong ngành với các cấp hàm 1 Thượng tá, 1 Trung tá, 2 cấp úy.

          Về học vấn hiện nay có 13 người đã tốt nghiệp đại học (có 2 Thạc sĩ).

         Tóm lại, Chi Họ Tô xã Ngọc Sơn trong hai cuộc kháng chiến và hiện nay luôn có các ông, bà, con cháu đã phát huy được truyền thống của dòng họ và quê hương cách mạng. Nhưng về học vấn và có cấp bậc, giữ các chức vụ cao còn ít. Nay là nơi quy tụ, nơi định cư mới, nên mọi người, mọi gia đình là những thành viên, là những công dân tích cực, tiến bộ trong xã hội.

          Tô Mạnh Hùng (Trưởng tộc)