Cả cán bộ và người dân đều phải nâng cao nhận thức


                    Cam sành - sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hà Giang (Ảnh TL)

Một trong những khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hà Giang là vấn đề nâng cao nhận thức, từ cán bộ cho đến người dân, bà Tô Thị Giang - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, tỉnh Hà Giang - cho biết.

Trao đổi với báo chí trong cuộc gặp hôm 16.11.2016, tại trụ sở Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang, bà Giang rất trăn trở về điều này trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Xin bà cho biết những khó khăn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo?

- Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình lớn, toàn diện. Để chương trình phát huy hiệu quả bền vững, hiện nay chính quyền tỉnh Hà Giang vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Mục tiêu hàng đầu của tỉnh vẫn là xóa đói giảm nghèo với 4 nội dung rõ ràng: Điện - đường - trường - trạm. Cụ thể hóa hơn thì là mỗi gia đình có một căn nhà, một con bò và một bể nước theo đúng nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà đã có bò, có bể nước nhưng có khi chưa có nước sạch và rất nhiều nơi chưa có điện.

Hà Giang vẫn còn đến 6/7 huyện biên giới thuộc diện nghèo với số lượng lên tới 135 xã nghèo, nên chúng tôi vẫn ưu tiên xóa đói giảm nghèo trước tiên. Thứ hai sẽ là vấn đề nâng cao nhận thức, trình độ cho bà con trong các vấn đề văn hóa, xã hội nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc đối với cộng đồng 19 dân tộc trên toàn tỉnh.

Để nâng cao nhận thức thì cán bộ phải được đào tạo. Khó khăn đầu tiên của bất cứ dự án đầu tư, hỗ trợ hay kêu gọi người dân đồng lòng tham gia các dự án nào cũng là ngôn ngữ. Ngôn ngữ bất đồng thì nhiều khi triển khai không đến nơi đến chốn vì "tam sao thất bản". Nội dung phiên dịch chỉ cần sai lệch đi một chút thôi là bản chất vấn đề đã khác rồi. Việc xóa mù chữ cơ bản đã "hòm hòm", nhưng thực tế đi cơ sở thì hầu như người dân không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, nên vẫn phải thông qua các em nhỏ để phiên dịch lại giúp trong việc trao đổi thông tin với chính bố mẹ các em. Bản thân tôi cũng đã phải tham gia một lớp tập huấn tiếng H'Mông để có thể hiểu và vận động được bà con.

Đồng thời, tôi cũng như cán bộ Hà Giang cần phải thay đổi nhận thức thì mới truyền tải thông tin, vận động bà con đúng cách. Việc nâng cao nhận thức sẽ khiến thay đổi tư duy, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị chỉ thị là phải thay đổi tư duy. Việc thay đổi tư duy sẽ khiến quyết tâm từ trên xuống đến dưới không bị nguội lạnh dần.

Việc thay đổi nhận thức của người dân thì cái chính là thay đổi nếp suy nghĩ, sinh hoạt văn hóa để làm sao họ bảo tồn được nét văn hóa, nhưng mang tính tiến bộ hơn. Còn việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu thì không hề đơn giản. Đơn cử việc giải quyết ô nhiễm môi trường từ chuồng trại nuôi gia súc. Hay người H'Mông không hiểu là đem phân tươi đi bón cho cây trồng, rau ăn thì không tốt vì mang mầm bệnh rất nhiều - đó là vấn đề nhận thức. Việc vận động bà con để họ hiểu được, rồi từ đó thay đổi hành vi thì không hề đơn giản chút nào, thậm chí rất khó. Thuyết phục họ thì họ nói lại là: "Thế cán bộ lên đây ở trực tiếp với tôi, rồi cán bộ làm đi để chúng tôi làm theo".

Hiện tỉnh Hà Giang đang được Chính phủ đầu tư không ít vì có tới 6 huyện nằm trong nhóm 62 huyện nghèo nhất trong toàn quốc thuộc đề án 30A xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cho các huyện đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cũng có nhiều dự án phi chính phủ (NGO) tiếp cận và đã, đang hỗ trợ cho Hà Giang. Với các dự án NGO, bà thấy điều gì là được nhất?

- Những năm qua, các dự án NGO hỗ trợ cho Hà Giang cũng chưa lớn lắm, nhưng điều được nhất là đã nhận được sự đồng thuận của người dân dù các dự án chỉ hỗ trợ về mặt vật chất một phần, còn đâu người dân đóng góp công sức. Vấn đề nâng cao nhận thức là quan trọng nhất và tôi thấy nhiều dự án nhỏ như thế này làm được, đơn cử dự án "Xã hội dân sự trao quyền cho cộng đồng nông thôn (EC2)" do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ thông qua tổ chức ActionAid tại Việt Nam thực hiện tại 4 xã và 1 thị trấn của huyện Quản Bạ (xã Quản Bạ, Cán Tỷ, Thái An, Tùng Vài và thị trấn Tam Sơn); hay dự án của tổ chức PLAN hướng đến đối tượng cụ thể là trẻ em và đến tận Hà Giang tập huấn cán bộ để có một nhãn quan định hướng khi tuyên truyền, xây dựng dự án đúng, tốt. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng làm được như vậy.

Về lâu dài, các dự án hỗ trợ, đầu tư cần phải đưa vào phần đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ về việc xây dựng dự án phát triển cộng đồng và phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương - đây mới là điều quan trọng. Nếu không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương thì không bao giờ các dự án phát huy được hiệu quả. Nếu chỉ chạy theo nhu cầu của nhà tài trợ, hay hiểu nôm na là tiêu tiền của dự án thôi thì không được và không mang lại hiệu quả xã hội.

Xin cảm ơn bà!

                                                                                    Huyền Anh (Báo Lao động)