Tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn


         Sự khích lệ của bà Tô Thị Thu  Nguyệt đã giúp Nhân nỗ lực đạt nhiều tiến bộ trong năm học lớp 9

Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ học sinh khó khăn mang tính đột xuất, thường niên, một số hội, nhóm thiện nguyện trong tỉnh đang hướng đến việc tiếp sức dài hơi và quan tâm truyền cảm hứng học tập đến số em có nguy cơ bỏ học.

“Ráng học để được nhận quà tiếp”

Cậu bé ốm, cao, gương mặt lộ nét già dặn, đặc biệt đôi mắt rất buồn đã thu hút sự chú ý của bà Tô Thị Thu Nguyệt - Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát (Bình Định) trong buổi sáng phát cháo từ thiện tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phù Cát một ngày đầu tháng 3.2021. Chủ động tiếp cận để chuyện trò, bà Nguyệt biết cậu bé ấy tên Võ Văn Nhân, SN 2005, ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, học sinh lớp 9, mồ côi cha mẹ, đang ở với bà ngoại già đã 89 tuổi, vào TTYT do bị rắn cắn. Bà ngoại của Nhân cho biết, lúc nhỏ Nhân được gởi lên chùa nhưng nghịch ngợm quá nên bị trả về. Nhân thuộc đối tượng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng của huyện, được một vài hội nhóm hỗ trợ nhưng vẫn luôn nghịch ngợm và không chuyên tâm học tập. Hôm trao 2 triệu đồng hỗ trợ cho hai bà cháu, bà Nguyệt nắm tay Nhân dặn dò: Con phải học tiến bộ, nếu không cô sẽ không đến tặng quà nữa. Bà nhớ lúc quay đi, Nhân đã nhìn theo bà thật lâu đầy suy tư. Rồi những lần sau trở lại tặng gạo và tiền hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, Nhân đã cởi mở hơn, thậm chí còn khoe đạt được điểm tốt trong học tập. “Nhân đã chững chạc hơn, nói với tôi rằng luôn ráng học để được nhận quà tiếp. Đợt thi vào lớp 10 vừa qua, Nhân không vào được trường công lập, nhưng vẫn còn một số lựa chọn khác, tôi sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ”, bà Nguyệt cho hay.

Cũng mồ côi như Nhân, Nguyễn Ngọc Vũ ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát), chuẩn bị lên lớp 9 trong năm học tới. Hơn một năm trước, sau khi cha mất, Vũ ở nhờ hết nhà người thân này đến nhà người quen khác cho đến khi người cô ruột tên Nguyễn Thị Tuyết Giao ở Quy Nhơn về quê sinh sống mang về nuôi. Bà Giao nhớ lúc đó Vũ cứ đòi nghỉ học bởi lực học không tốt, rồi không có tiền trang trải cuộc sống. Vậy mà khi Chi hội Tương chao đậu hũ 3 đến, làm cho cháu sổ tiết kiệm 30 triệu đồng, kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ gạo, tiền hằng tháng cho hai cô cháu, Vũ như được tiếp sức, học tập chăm chỉ và có nhiều tiến bộ. “Cháu thường chia sẻ mơ ước trở thành một kỹ sư điện tử trong tương lai với tôi. Nếu không vào được đại học thì đi học nghề, học cao đẳng cũng được”, bà Giao bảo vậy.

Giúp các em theo đuổi ước mơ

Cùng với chương trình Hạt gạo tình thương dành tặng 10 ký gạo mỗi tháng cho người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều hội, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm còn triển khai và hưởng ứng nhiệt tình chương trình Đồng tiền bác ái dành tặng học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình không chỉ hỗ trợ đột xuất, định kỳ đầu hoặc cuối năm học mà đang chuyển hướng sang hỗ trợ dài hơi - từ một hai năm học, đến hết lớp 12 hay hết đại học, tùy vào nguồn hỗ trợ, năng lực học tập và mong muốn của bản thân các em. Ngày 26.6, Chi hội Bác Ái Tuy Phước đã trao 16 suất hỗ trợ cho các học sinh mồ côi, nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trìu mến xoa đầu từng học sinh, bà Quang Cẩm Thu - Chi hội trưởng Chi hội Bác Ái Tuy Phước dặn dò: Các con nhớ học tập tiến bộ nhé. Lần nào trao hỗ trợ, cô chú cũng phải nghe tin vui học tập của các con. Có vậy thì cô chú mới cố gắng thuyết phục nhà hảo tâm giúp các con lâu dài.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh, số em mồ côi cha mẹ, thiếu thốn tình thương, sự dạy dỗ từ tấm bé, lớn lên với nhiều cám dỗ xung quanh, rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Dù vậy, thẳm sâu trong lòng các em là nỗi cô đơn, sự khao khát được yêu thương, chia sẻ, được tạo điều kiện phát triển bản thân và hướng đến tương lai tươi sáng. “Tùy vào điều kiện thực tế của từng em, có thể hỗ trợ các em vừa học nghề vừa học chữ; với số em học trung bình nên có sự động viên thường xuyên để tiến bộ chứ không thể ngay lập tức đòi hỏi cao. Trong những chuyến công tác về cơ sở, nghe những thông tin của địa phương về nỗ lực của các hội, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm, nào là cho gạo, cho tiền, thậm chí giới thiệu việc làm cho cha mẹ các em có thu nhập, tôi rất vui. Mong rằng, những việc làm nhiều ý nghĩa, đậm nhân văn này sẽ được duy trì và kéo dài mãi, tạo điều kiện thuận lợi để các em có số phận không may mắn, có xuất phát điểm không thuận lợi có thể vươn lên trong học tập, rèn luyện và có tương lai tốt đẹp”, ông Khanh kêu gọi.

                  Ngọc Tú (Bình Định)