Tô Nhuận Vỹ - Có một dòng sông không phẳng lặng


    Vợ chống nhà văn Tô Nhuận Vỹ và họa sĩ Lê Bá Đảng (giữa)   

Nhắc đến văn học miền Trung, nhiều người nhớ đến nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Tô Nhuận Vỹ đã có 40 năm cầm bút với gần chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản sân khấu với gần chục ngàn trang viết nóng bỏng.

Trong chiến tranh, anh viết báo, viết truyện ngắn ngay dưới hầm bí mật ở mặt trận vùng ven Huế, khi bọn lính Mỹ đi lại nghênh ngang trên hầm.

Tô Nhuận Vỹ có bộ tiểu thuyết 3 tập “Dòng sông phẳng lặng” viết về cuộc chiến đấu của  quân dân Huế trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim truyền hình 15 tập cùng tên và được tái bản tới 5 lần. Năm 1980, anh được Trung ương Đoàn tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ” vì đã có đóng góp xuất sắc bằng tác phẩm văn học  trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Sông Hương thì phẳng lặng, hiền từ, “con sông dùng dằng con sông không chảy“ (thơ Thu Bồn)  nhưng cuộc đời  Tô Nhuận Vỹ bao phen tai ương, dông bão trên con đường văn chương thăm thẳm...

Ghé vào căn hộ của anh ở đường Chế Lan Viên, Huế, mới hay anh nghèo lắm. Là nhà văn viết hết mình, rồi Giám đốc Sở Ngoại vụ mấy năm liền, anh vẫn ở trong một ngôi nhà cấp bốn xập xùi, mưa thì dột phải xoong chậu giăng khắp nhà, nắng thì nóng nung không ngồi lâu được.

Mấy đứa con gái dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ làm cái nhà mới để ở cho đàng hoàng, nhưng giá sắt thép, xi măng, gạch... cứ lên vùn vụt, nên chưa thể làm được.

Tô Nhuận Vỹ và vợ là Phạm Thị Cúc sống cùng ba con chó nhỏ loại chó Nhật. Ba con gái đều đi xa. Đứa lớn sau khi chữa bệnh do bị tai nạn khủng khiếp đã lấy chồng ở Mỹ, hai đứa làm việc ở Hà Nội…

Mỗi khi khách đến, ba con chó xô ra sân sủa inh ỏi. Anh Vỹ bảo đó là ba con chó của 3 đứa con gái yêu Diệu Linh, Diệu Lan, Diệu Liên gửi bố mẹ nuôi để khỏi nhớ chúng nó.

Những ngày chị Cúc sang Mỹ với cháu ngoại, Tô Nhuận Vỹ ở nhà một mình ăn cơm bụi. Lo cho mình thì ít mà lo cho ba con cún con dễ thương thì nhiều… Đang nhậu với bạn bè, nhớ đến ba chú chó là chuồn về để cho chúng ăn...

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tên thật là Tô Thế Quảng, quê ở Vinh Xuân, Phú Vang, một vùng quê trù phú ở phía Nam thành Huế.  Thời thơ ấu anh ở Vỹ Dạ quê ngoại, ngõ xóm với Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Bửu Chỉ... Tập kết ra Bắc, anh học trường Chu Văn An - Hà Nội, cùng lớp với bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Cái lớp 8C (tháng 8/1958) 52 người ấy có tới gần nửa là bộ đội, đi B, thế mà chỉ có 5 người là thương binh, Đặng Thùy Trâm là liệt sĩ. Trước khi về Nam chiến đấu, cấp trên bắt buộc mỗi người phải có một tên mới.

Tô Thế Quảng từ nhỏ ở Vỹ Dạ, nên lấy tên là Vỹ. Thời sinh viên, Quảng yêu một cô gái cùng lớp, quê cô ở Phú Nhuận (Sài Gòn). Mặc dù trước khi lên đường về Nam thì cô gái Phú Nhuận ấy đã cho Tô Thế Quảng “đo ván” rồi, nhưng kỷ niệm buồn lại... đeo lấy anh với cái tên Tô Nhuận Vỹ đến bây giờ...

Tháng 9 năm 1965, thầy giáo dạy văn trẻ Tô Thế Quảng, mới 24 tuổi, đã rời bục giảng ở Trường cấp III Hậu Lộc, Thanh Hoá trở về quê hương chiến đấu. Tô Nhuận Vỹ là phóng viên mặt trận của báo Cờ giải phóng (kiêm phụ trách cơ sở nội thành).

Là phóng viên mặt trận nên anh ít khi được ở căn cứ trên núi, mà thời gian chủ yếu là bám sát cuộc chiến đấu ở vùng đồng bằng và nội đô Huế trong nhiều năm liền.

Ở đồng bằng là phải “trường kỳ” nằm hầm bí mật và chịu các trận càn quét liên miên của địch, đêm đêm theo biệt động đi vào vùng sâu, vùng ngoại ô Huế, tham dự nhiều trận đánh của bộ đội, du kích... để lấy tin tức viết bài, rồi gửi theo hộp thư giao liên lên cho tòa soạn báo ở chiến khu.  

Mậu Thân 1968, một lần đi lấy tin tức chiến sự, Tô Nhuận Vỹ  bị máy bay trực thăng vũ trang của Mỹ bắn vỡ hông và bụng. Nhân dân vùng cát Phú Đa đã chăm sóc, bảo vệ anh và hàng trăm thương binh dưới các hầm bí mật trong điều kiện thuốc men cạn kiệt. Du kích đã cáng anh vượt quốc lộ đang bị địch chốt chặn để đưa lên bệnh xá chiến khu trong tình trạng vết thương bị nhiễm trùng nặng. Sau này cái vết thương ấy cứ trở trời lại đau nhức, nhưng rất ít người biết anh là một thương binh. 

Văn chương Tô Nhuận Vỹ, truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhiều nhân vật có mẫu ngay trong cuộc sống, chiến đấu quyết liệt ấy, như ở “Em bé làng đảo”, “Bà mẹ Viễn Trình”...

Có khi, để viết được những truyện ngắn đó phải thắp đèn cả đêm dưới hầm bí mật. Những năm phụ trách cơ sở nội thành Huế, Tô Nhuận Vỹ quen một nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp. Đó là Phạm Thị Cúc, học sinh đang chuẩn bị thi tú tài II, ban B. Cúc hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên Huế và là cơ sở nội thành của Tuyên huấn Thành ủy Huế. Quá trình hoạt động gian khổ, hiểm nguy đã gắn bó họ với nhau.

Tháng 3/1968, ngay giữa một trận càn lớn của liên quân Mỹ - ngụy, ba người Vỹ, Cúc và nhà báo Ngô Kha chen chúc dưới căn hầm bí mật chật chội ở Viễn Trình chờ lên căn cứ. Đêm đó, cho dù đang bị thương nặng, nhưng thương cô nữ sinh Đồng Khánh chỉ quen với sách vở và áo dài trắng, phải chen chúc trong căn hầm ngột ngạt, Tô Nhuận Vỹ đã làm  thơ:

Trong hầm bí mật lèn ba đứa

Nằm đếm bước đi bọn Mỹ càn

Lắng nghe tim em đang gấp nhịp

Thương quá em mình chịu gian nan.

Hồi đó, “nữ sinh Đồng Khánh” Phạm Thị Cúc cũng làm rất nhiều bài thơ tặng người yêu Tô Nhuận Vỹ.

Chị đưa tôi xem những cuốn sổ nhỏ như bao diêm, chép đầy thơ, chữ li ti và chị cất giữ 40 năm qua. Khi chị lên chiến khu thì Tô Nhuận Vỹ vẫn còn ở Viễn Trình, chưa được cáng lên, nhớ anh chị viết:

Những buổi mưa nguồn em nhớ anh

Trên rừng cây lá một màu xanh

Ôichao! Em nhớ sao em nhớ....

Đó là mối tình đầu - mối tình cuối của Cúc cho đến bây giờ. 

Tô Nhuận Vỹ lấy tên vợ đặt cho nhân vật chính của bộ tiểu thuyết sử thi “Dòng sông phẳng lặng”. Và câu chuyện của nữ sinh Đồng Khánh tên là Cúc trong tiểu thuyết cũng có nhiều chi tiết trong cuộc đời của Phạm Thị Cúc.

Bộ tiểu thuyết “Dòng sông phẳng lặng” đã được anh dành nhiều bút lực và tâm huyết, triển khai xây dựng một lúc nhiều tuyến nhân vật chính diện, phản diện hết sức đa dạng, nhiều tầng nhiều lớp.

Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân Huế 1968 và những ngày chống địch phản kích sau đó, không chỉ là những đơn vị bộ đội chủ lực mà còn có đông đảo các tầng lớp trí thức, sư sãi, sinh viên, học sinh, người bán đậu hũ, người chèo đò...

Đó là gia đình chị Hạnh - anh Hoà - Cúc và nhân dân làng Viễn Trình thủy chung với cách mạng, là gia đình bà Tịnh Nhơn và hai con Nguyễn Khoa Bảo, Diệu Linh từ một gia đình Phật tử chân tu, đã dần thành một cơ sở trực tiếp của kháng chiến, là các sĩ quan địch như Bảo - Phi Hùng đã đứng về phía nhân dân... 

Giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét: “Tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng là bức tranh vừa mở ra một toàn cảnh hoành tráng có quy mô sử thi, vừa khám phá nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm có chiều sâu tâm lý, với giọng điệu, ngôn ngữ và lối suy nghĩ mang màu sắc dân gian...’’.   

Sau năm 1975, quan điểm “địch-ta” vẫn rất quyết liệt trong việc xử lý đối với những người thuộc quân đội và chính quyền Sài Gòn cũ, trong cải tạo công thương nghiệp miền Nam, thì Tô Nhuận Vỹ lại nghĩ khác.

Anh muốn làm sao để tất cả mọi người cùng đồng hành với cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. Tô Nhuận Vỹ viết hai cuốn tiểu thuyết “Ngoại ô” và “Phía ấy là chân trời” cũng là để phát biểu những luận đề về nhận thức mới đó.

Cách mạng phải nhân văn hơn, độ lượng hơn về cách đánh giá con người sau chiến tranh. Anh tâm sự: “Đây là tiểu thuyết luận đề tâm huyết của tôi về việc giải quyết những xung đột trong xã hội miền Nam ngay sau 1975, xoay quanh tư tưởng “Ai không theo địch là TA, chứ không phải ai không theo ta là ĐỊCH”.

Từ tư tưởng đó, ở một xã ngoại ô Huế, qua đấu tranh gay gắt trong nội bộ, đã quyết định trả lại một ngôi nhà bị tịch thu không đúng chính sách cho gia chủ - một gia đình có nhiều dính dáng đến chế độ cũ - và chính thức xin lỗi gia chủ cũng như nhân dân vì sai lầm của mình.

Đó là một tầm nhìn và một thái độ cách mạng cao cả tôi muốn khắc họa trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết “Ngoại ô” cũng được Hãng phim Giải phóng dựng thành phim nhựa rất sớm (1987). 

Nhưng đạo diễn đã thay việc xã trả lại nhà vì đã xử lý sai bằng cảnh vị chủ tịch xã ngoại ô tuyên bố trả lại nhà cho gia chủ vì phát hiện gia đình có một người con là liệt sĩ đã hy sinh trên chiến khu! Xem phim, Tô Nhuận Vỹ kêu lên: “Toàn bộ luận đề của tiểu thuyết đã bị vứt bỏ bởi “sáng kiến” thêm thắt tày trời này!“.

Những ngày đang viết “Ngoại ô“, vợ đi học cao học, đêm Tô Nhuận Vỹ gọi tôi lên nhà anh ngủ để nghe anh đọc những chương mới viết. Nghe anh đọc tôi phát hiện ra nhân vật tiểu thuyết Tô Nhuận Vỹ ai cũng có một cá tính mạnh bạo, sống động và rất chân thật.

Câu chuyện về cô gái điếm đã cởi quần áo mời chủ tịch Thạch ở nhà dưới; rồi chuyện mụ Lép đã “lần lượt kẹp chết hai ông chồng chàng hương sau hai cuộc rượu tơi bời  bỗng phát cơn ham muốn...“. Bí thư Hãn đến thăm nhà mụ Lép với ý định lấy nhà mụ làm trạm xá xã, đã bị mụ Lép “quàng tay riết cổ bí thư Hãn xuống bộ ngực vĩ đại của mình“.

Hai anh em đêm đó cứ khúc khích cười mỗi khi nghĩ về mụ Lép. Những ngày đó Tô Nhuận Vỹ làm rơi mất cả sổ gạo và tem phiếu thực phẩm, phải nhờ nhà thơ Hải Bằng chạy mãi mới được.

Trong tiểu thuyết Phía ấy là chân trời, có cô gái táo tợn, phóng túng, chịu chơi, lại là người có trái tim nồng nàn, chân thật, được nhà văn mô tả rất sắc nét. Cô có một nhu cầu rất con người là đi tìm một tình yêu không vụ lợi và tin cẩn gửi gắm. Đó là ước mơ của Tô Nhuận Vỹ.

Viết lách cặm cụi thế, nhưng số Tô Nhuận Vỹ đào hoa lắm. Anh luôn được nhiều cô gái “để ý“. Có lẽ vì thế mà mới đây tôi đến nhà chơi, vừa mới nói mấy câu xa gần về “chuyện ấy“ của Tô Nhuận Vỹ, chị Cúc đã nước mắt lưng tròng “tố cáo“: “Ông ấy vấy tôi quá chừng“.

Vấy, tiếng quê, tức là làm khổ. Chuyện qua đã lâu rồi nhưng chị Cúc vẫn bức xúc vì đối với Cúc, Vỹ là mối tình duy nhất trong đời mình. Rồi chị kể tôi nghe bao nhiêu “tội“ tày trời của anh. Tô Nhuận Vỹ ngồi nghe vợ “phán“ bẽn lẽn như cậu học trò không thuộc bài trước mặt cô giáo nghiêm khắc.

Chị Cúc kể, cuối năm 1985, cơn lụt lịch sử nhấn chìm Huế trong biển nước, Tô Nhuận Vỹ đi đâu mất tiêu không thấy về nhà. Một ngày hai ngày cũng không thấy về. Thế là  tin nhà văn “Tô Nhuận Vỹ mất tích“ bay đi khắp nơi. Cả thành phố Huế xôn xao. Anh em văn nghệ lo lắng.

Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng cử một Đoàn do nhà thơ Thu Bồn đưa vòng hoa ra Huế viếng tang.

Thì ra Vỹ bị “kẹt lụt“ ở nhà một người đẹp.

Có lần Tô Nhuận Vỹ rủ tôi đi bộ dọc vỉa hè đường Lê Lợi. “Mình đọc cho Ngô Minh nghe cái này“. Thế là anh đọc miên man những bài thơ không có đầu đề. Đọc xong anh hồn nhiên hỏi: “Đó có phải là thơ không?“ - “Thơ đấy. Thơ tình hay là khác“. Thơ nồng nàn như thế nghĩa là “trái tim đang có vấn đề đấy!“. 

Một dịp khác, Đài Truyền hình Huế có chiếu một bộ phim rất hay của Ấn Độ. Tô Nhuận Vỹ kiếm được giấy mời rủ tôi cùng một người đi xem. Chúng tôi đến muộn nên hết ghế, phải đứng sau. Đang là bệnh nhân nằm viện mà Tô Nhuận Vỹ đến gốc cây bê một hòn đá to tướng để cho người đẹp đứng xem, khỏi “xem gáy“ người đứng trước. Trời đất ơi, bệnh nhân gì mà khoẻ như vâm vậy! 

Hơn mười năm tiếp đó, Tô Nhuận Vỹ không còn nhiều thời gian cho lao động văn chương. Anh làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, rồi giám đốc Sở Ngoại vụ.

Anh tâm sự: “Lẽ ra tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội và quê hương tôi, nhưng công việc hành chính, sự vụ và không ít thử thách khắc nghiệt của cuộc đời đã bẻ vụn thời gian và bẻ vụn không ít năng lực của tôi...“.

Không viết được nhiều, nhưng những điều Tô Nhuận Vỹ làm được cho phong trào văn học tỉnh nhà và cả nước, cho văn hoá Huế cũng thật “đáng đồng tiền bát gạo“. 

Năm 1986-1990, Tô Nhuận Vỹ thay nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương.

Sông Hương chỉ là một tạp chí văn nghệ của một tỉnh nhưng đã thu hút được đông đảo người viết, người đọc cả nước. Nhiều bài nghiên cứu và tác phẩm văn nghệ đăng tải trên Sông Hương đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt.

Đó là các bài viết về tôn giáo của Nguyễn Khắc Viện; về kinh tế thời nhà Nguyễn của Trần Quốc Vượng; sự xuất hiện lại những cái tên Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần sau một thời gian dài treo bút. Rồi Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đều góp mặt. 

Nhạc phẩm “Huyền thoại mẹ” (Trịnh Công Sơn);  thơ Trần Vàng Sao, Nguyễn Duy, bút ký của Nguyễn Quang Hà, kịch và truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, lý luận phê bình của Phạm Xuân Nguyên, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân…gây xôn xao dư luận. 

Ngoài việc đăng tải những tác phẩm có xu hướng đổi mới, Tô Nhuận Vỹ đã mở ra mối quan hệ của Tạp chí Sông Hương với thế giới bên ngoài, vượt qua sự “kín cổng cao tường” của nước ta lúc đó…

Trong thời gian này, Tô Nhuận Vỹ cũng đã tiếp xúc với Trung tâm Wiliam Joiner (WJC) của Mỹ. Sự quen biết đó đã mở ra mối quan hệ mặn mà, có hiệu quả của tổ chức này, một tổ chức văn nghệ phản đối chiến tranh của các nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa cựu chiến binh Mỹ thuộc Đại học Massachusettes (Boston), với Hội Nhà văn và các các nhà văn Việt Nam, với Thừa Thiên Huế từ đó đến nay. Hai chục năm qua, nhiều nhà văn Việt Nam đã được WJC mời sang Mỹ hội thảo văn học và thăm nước Mỹ.

Tô Nhuận Vỹ tự tin và tha thiết dấn thân vào sự nghiệp đổi mới, anh đã phải trả giá. Nhưng anh bình thản, không hề oán thán một ai, khi nói về sự kiện này:  “Cũng bình thường thôi, cái mới nào mà không phải trả giá?”. Trả giá, nhưng tư tưởng đổi mới từ khi được nhen lên đã âm ỉ cháy đến giờ.

Ngoài chuyện đổi mới Tạp chí Sông Hương, Tô Nhuận Vỹ cũng đã dốc lòng trong việc đưa nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng về với Huế. Anh lo lắng từ việc đề xuất kế hoạch, làm cầu nối giữa tỉnh với các nghệ sĩ, chạy đi chạy về tháo gỡ từng vướng mắc nhỏ để hình thành cho được Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu, Huế và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ở 15A Lê Lợi, Huế.

Không hiểu sao, khi muốn đưa những tác phẩm nghệ thuật từ Pháp về Việt Nam để tại hai trung tâm nghệ thuật độc đáo nhất ở Huế, cả nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và họa sĩ Lê Bá Đảng đều nhất mực yêu cầu Tô Nhuận Vỹ phải làm đại diện cho họ tại Việt Nam.

Thực ra, ngay cả lúc chưa một ai “giao nhiệm vụ”, Tô Nhuận Vỹ cũng đã tự nguyện làm anh “tà loọt” để làm cầu nối giữa hai tác giả với chính quyền, với các cá nhân và tổ chức cùng nhiều thủ tục rườm rà nhiêu khê để góp phần “hòa giải” những suy nghĩ còn cách xa nhau, thậm chí hiểu nhầm nhau… để có hai tòa nhà xứng đáng cho hai trung tâm nghệ thuật. 

Mùa hè năm 1995, đất nước đang còn bị cấm vận, thế mà Tô Nhuận Vỹ  đã  liên hệ được để cho Đoàn nghệ thuật Ca Huế của Hội Văn nghệ tỉnh do nhà thơ Võ Quê làm Trưởng đoàn tham gia Festival nhạc dân gian quốc tế ở thành phố Lowell (Mỹ), lần đầu tiên đưa văn hoá Huế ra với thế giới, là nhóm nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam sau giải phóng có mặt và tham gia liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Mỹ.

Tháng 9 năm 1996, con gái lớn của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, niềm hy vọng và tin yêu của cả gia đình bị tai nạn khủng khiếp. Khi nhìn thấy con lần đầu ở Bệnh viện Trung ương Huế, Tô Nhuận Vỹ đã ngất đi. Đối với anh lúc đó mọi thứ trên đời đều vô nghĩa. Vì mạng sống của con gái đang bị đe dọa từng giờ. Nhưng anh đã đứng vững, nén nỗi đau vào lòng để chăm lo cứu chữa cho con gái.

Với sự yêu thương đùm bọc và giúp đỡ to lớn của những tấm lòng nhân ái, các bác sĩ, hộ lý ở Bệnh viên Trung ương Huế, của Bệnh viện Chợ Rẫy, của anh em văn nghệ sĩ Huế, Sài Gòn; đặc biệt là sự giúp đỡ hết sức hết lòng của những người bạn Mỹ ở Trung tâm Wiliam Joiner, sau hai năm điều trị ở trong nước, đầu năm 1998, Tô Nhuận Vỹ đã đưa được con gái sang Mỹ phẫu thuật vết thương ở bệnh viện tốt nhất.  Bây giờ cháu đã trở lại bình thương như mọi người, có tấm bằng tốt nghiệp Đại học trong nước và bằng thạc sĩ ở Mỹ, rồi hạnh phúc bên chồng và hai đứa con trai xinh đẹp....

Cũng có thể nói rằng, văn học nghệ thuật đã cho Tô Nhuận Vỹ có thêm một số bạn bè văn chương ở Trung tâm Wiliam Joiner, như Kenvin, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung, Bob Glasmann, M. Jame... Và chính những tấm lòng bao dung tận tình này đã tạo ra điều kiện để anh cứu con gái mình. 

Đó thực sự là một kết thúc “có hậu” đối với một nhà văn nghèo như anh. Tôi và nhiều người tin rằng, chính sự “hết lòng” của anh đối với nhân dân, với đất nước và tư duy đổi mới trong từng trang viết cũng như hoạt động xã hội của Tô Nhuận Vỹ đã đem cái “có hậu” đó đến với anh và gia đình…

                                                        Ngô Minh (Báo Tiền phong)