“Bụi mịn ở TP HCM xu hướng giảm”


                       PGS. TS Tô Thị Hiền phát biểu tại buổi toạ đàm, chiều 25/4/2022

Bụi mịn ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) 3 năm gần đây chiều hướng giảm, song người dân hạn chế ra đường lúc 9h - thời điểm ghi nhận bụi mịn cao nhất, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Tô Thị Hiền.

Thông tin được bà PGS. TS Tô Thị Hiền - Trưởng bộ môn Công nghệ Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM nói tại buổi tọa đàm về ô nhiễm không khí, chiều 25/4.2022. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề Những ngày phát triển bền vững năm 2022 của Viện Pháp tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát ba năm gần đây của bộ môn công nghệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở TP HCM giảm (25.9 μg/m3 năm 2019; 23.1 μg/m3 năm 2020 và chỉ số này năm 2021 là 22 μg/m3). Nồng độ bụi PM 2.5 được ghi nhận thường cao nhất lúc 9h, người dân cần tránh ra đường thời điểm này.

Theo bà Hiền, thành phần của bụi mịn gồm hợp chất vô cơ (kim loại, ion), hữu cơ (hợp chất chứa vòng benzen, clo, thậm chí chất dioxin) và cả các sinh vật (nấm mốc, tảo, virus). Một trong những hợp chất đáng lo ngại được phát hiện trong bụi mịn tại TP HCM và cả Hà Nội là PAHs (hydrocarbon thơm đa vòng) - mang độc tính cao, phát sinh từ nướng thịt, hút thuốc, chiên dầu để lâu...

"Chúng tôi xác định được 15 kim loại trong hợp chất PAHs, bao gồm cả thuỷ ngân. Nhiều chất khả năng gây đột biến gene, ung thư chiếm nồng độ cao", bà Hiền nói.

Phân tích nguồn phát thải, TS Tô Thị Hiền cho biết bên cạnh nguồn tự nhiên, ô nhiễm không khí hầu hết xuất phát từ nguồn nhân tạo như hoạt động công nghiệp hay sinh hoạt (nướng thịt, hút thuốc, đổ xăng...). Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chất ô nhiễm sơ cấp. Các chất ô nhiễm khi vào môi trường tiếp tục phản ứng dưới tác động ánh sáng mặt trời, hình thành một số chất độc tính cao hơn cả chất ban đầu, gọi là nguồn ô nhiễm thứ cấp.

                     Sương mù chứa chất ô nhiễm tại TP HCM ảnh hưởng người đi đường, hồi năm 2019.

Nói về giải pháp, bà PGS. TS Tô Thị Hiền nhấn mạnh ô nhiễm không khí xuất phát chủ yếu từ giao thông, đặc biệt là xe máy. Do đó, khi mở rộng đô thị thì thời gian người dân ở trên đường nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm tăng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn chiến lược để giảm thiểu ô nhiễm tại các đô thị.

"Về ngắn hạn, Việt Nam cần nhanh chóng kiểm kê phát thải từ xe máy", chuyên gia nói và cho biết ủng hộ phương án hạn chế xe máy vào vùng lõi của đô thị để giảm phát thải, thay vào đó, tăng phương tiện công cộng.

Trong khi đó, bà Gaëlle Uzu, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất Môi trường, Đại học Grenoble, cho rằng xác định thành phần của các chất ô nhiễm là thông tin quan trọng để đánh giá ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường, và giúp tìm ra nguồn ô nhiễm để xử lý.

"Việt Nam cần có giải pháp kỹ thuật để đo lường chất lượng không khí trên diện rộng và liên tục", bà nói và lưu ý thêm ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí, và tại Việt Nam thì con số này là 60.000 người. Hà Nội và TP HCM là một trong những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất châu Á.

                  Thu Hằng (Báo Vnexpress)