KHOA BẢNG VIỆT NAM (1075- 1919)


                              Trạng Nguyên vinh quy (tranh dân gian)

          Trang Thông tin điện tử Họ Tô Việt Nam nhận được tác phẩm của Phó giáo sư, Tiến Sĩ Tô Lê Cường mang tên Khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919); nội dung viết về Khoa cử lựa chọn nhân tài ở Việt Nam và Danh sách các Tiến sỹ, Cử nhân, Hương tiến, Tú tài, Sinh đồ Nho học Họ Tô thời kỳ 1075 – 1919. Họ Tô Việt Nam xin trân trọng giới thiệu nguyên văn cùng bạn đọc:

a. Mở đầu

          Với bất cứ một thể chế chính trị nào, xây dựng đội ngũ làm việc trong hệ thống công quyền luôn luôn là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất của người lãnh đạo chính quyền mà thời phong kiến không ai khác ngoài các ông Vua.

          Có nhiều cách lựa chọn nhân tài, với các vị vua sáng lập triều đại họ thường giao phó quyền lực vào tay các cộng sự, các vị khai quốc công thần đã cùng họ đồng cam, chịu khổ, xếp hàng ngay sau là con cháu trong dòng tộc nhà Vua (thường được phong tước Vương, đứng trên 5 tước: Công, Hầu, Bá, Tử và Nam) và con cháu các công thần. Các đời sau, các vị vua đã mở rộng phạm vi lựa chọn bằng cách cho các quan tiến cử người hiền tài trong thiện hạ, vì lý do không có cơ hội ra gánh vác việc nước, các vị quan này thường được gắn hai chữ tiến triều trong lý lịch. Trong một số trường hợp, các triều vua mở kỳ thi bất thường để chọn nhân tài, thí dụ các khoa thi Minh kinh, Hoành từ, Bác học…

           Khoa thi lựa chọn hiền tài Việt Nam đầu tiên là khoa thi tuyển Minh kinh, Bác học và Tam trường được tổ chức vào tháng 3 năm 1075 thời vua Lý Nhân Tông, người đỗ đầu (được xưng tụng là Trạng Nguyên đầu tiên) là Lê Văn Thịnh - nhân vật lịch sử với nhiều uẩn khúc, đau thương.                  

 Trải qua 844 năm (1075-1919) với hàng trăm khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình đã lựa chọn ra 2.998 lượt vị đỗ Đại khoa (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Đồng Tiến sỹ và Phó Bảng) và chắc chắn phải hàng trăm ngàn các vị đỗ Trung Khoa (Cử nhân, Hương cống) và Tiểu khoa (Tú tài, Sinh đồ). Ngoài ra còn các vị đỗ các Ân khoa mang tên Cát sỹ, Hoành từ, … Có nhiều trường hợp các cụ không hài lòng với học vị khoa trước đã từ chối để đi thi tiếp mong đạt học vị cao hơn.

          Từ năm 1442, triều đình đã cho khắc bia ghi danh các vị đỗ Đại khoa, trải qua chiến tranh liên miên, thiên nhiên tàn phá, may mắn thay chúng ta vẫn giữ được 82 tấm bia này ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

          Còn các vị đỗ Trung khoa và Tiểu khoa, tên tuổi các cụ được ghi danh trong các văn bản Dư địa chí các tỉnh, các tập Huyện phong chí, gia phả các dòng họ, các tập Đăng khoa lục, Hương khoa lục, các văn bia… trong kho tàng lưu trữ nhà nước, dòng họ và cá nhân.

b. Thể lệ khoa cử.

Thể lệ thi cử cũng thay đổi liên tục theo quan điểm chính thống, tuy nhiên có thể hiểu đơn giản như sau.

          Khoa cử Việt Nam có 3 kỳ:

- Thi Hương :

Kỳ thi này có 4 kỳ văn sách gọi tắt là trường, ai đỗ Tam trường (3 kỳ) được nhận học vị Tú Tài (trước là Sinh đồ). Người đỗ Tứ trường nhận học vị Cử nhân và được phép Hội để nhận học vị Tiến sỹ.

- Thi Hội :

          Kỳ thi này cũng có 3 hay 4 bài thi. Ai đỗ kỳ thi này đều nhận học vị chung Tiến sỹ (trước nữa là Thái học sinh)

- Thi Đình:

          Kỳ thi này thí sinh được thi trong cung vua, đề thi do chính vua đưa ra (hoặc chúa Trịnh thời nhà Lê ) có nhiệm vụ phân loại các tân Tiến sỹ thành 3

hạng như sau:

- Tiến sỹ cập đệ hay Tiến sỹ Đệ nhất giáp, gồm 3 người xuất sắc nhất là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa (lang).

- Hoàng Giáp hay Tiến sỹ xuất thân Đệ nhị giáp: số lượng không hạn chế

- Đồng Tiến sỹ xuất thân hay Tiến sỹ Đệ Tam giáp; số lượng không hạn chế.

          Phó bảng (chữ Hán: 副榜; Tiến sĩ Ất khoa) là một học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam trong thời Nguyễn, được áp dụng từ 1829 đến 1919.

          Cống sĩ đã dự thi Hội khi đậu Đại khoa chia 2 hạng: Hạng dưới gọi là Phó bảng/Tiến sĩ Ất khoa, hạng trên gọi là Chính bảng/Tiến sĩ Giáp khoa.

         Học vị Phó bảng được cho là xuất phát từ danh hiệu "Phụ bảng" trong hệ thống khoa cử nhà Thanh, trong đó, những người đỗ Phụ bảng là những sĩ tử giỏi, có năng lực, nhưng số lượng quá nhiều, dẫn đến vượt quá giải ngạch mà triều đình đương thời cho phép. Áp dụng tương tự cho hệ thống khoa cử trong nước, vua Minh Mạng phê chuẩn thiết lập danh hiệu Phó bảng nhằm “ngoài những quyển trúng cách, thể văn quyển nào đầy đủ, tuy không bằng người có tên trong chính bảng, nhưng cũng có thực học thì xin vào Phó bảng” để “không để sót nhân tài”. Tuy mượn hình thức Phụ bảng của Trung Quốc, nhưng triều Nguyễn đã thay đổi theo cách riêng của mình nhằm tìm ra nhân tài phục vụ bộ máy chính quyền, chẳng hạn như ở Trung Quốc, Phụ bảng thấp hơn Cử nhân, tuy nhiên ở Việt Nam thì Phó bảng thấp hơn Tiến sĩ nhưng lại cao hơn Cử nhân

           Đến năm 1829, Minh Mạng quy định đỗ Đại khoa chia thành hạng Chính bảng (hạng trên) và Phó bảng (hạng dưới). Những người đỗ Chính bảng gọi là "trúng cách", được tiếp tục dự thi Đình. Những người đỗ Thứ bảng, gọi là "thứ trúng cách", được trao học vị Phó bảng và dừng lại ở kỳ thi Hội

          Tuy nhiên, đến thời Tự Đức, quy định tuyển chọn Phó bảng đã thay đổi về cách tính điểm và thể lệ dự thi ở các kỳ thi Hội và thi Đình nhằm mở rộng quy mô tìm kiếm nhân tài phục vụ chính quyền. Chẳng hạn, những người chỉ đỗ "thứ trúng cách", tức Phó bảng, đều được cho vào thi Đình chứ không dừng lại ở kỳ thi Hội và tên của họ cũng được ghi danh chung một bảng với "trúng cách". Ở kỳ thi Đình thì những sĩ tử thứ trúng cách không gọi là Phó bảng, đợi sau khi thi Đình xong mới xác định Chính bảng và Phó bảng.[4] Đến năm 1873, quy định cho phép Phó bảng vào thi Đình bị bãi bỏ vì triều đình tuy muốn tuyển chọn càng nhiều nhân tài càng tốt nhưng lo ngại việc "lấy nhiều không thể không lạm".

          Để khuyến khích sỹ tử, nhà Vua đặt danhh hiệu Đình Nguyên, Hội nguyên và Hương nguyên cho người đỗ đầu các kỳ thi Đình, thi Hội và thi Hương. Nếu Đình nguyên, Hội nguyên chỉ có người 1 trong mỗi khoa thi thì lại có nhiều người là Hương nguyên do số sỹ tử đông nên nhiều trường thi Hương được tổ chức đồng thời. 

          Cần lưu ý là không nhất thiết lấy đủ các danh hiệu như nêu ở trên. Có khoa do không lựa chọn được người hiền tài cũng chỉ lấy đỗ 3-5 người, người có học vị cao nhất cũng chỉ là Đình nguyên Đồng tiến sỹ xuất thân.

Hình ảnh trước cổng trường thi ở Nam Định, nơi diễn ra kỳ thi Hương của triều đại nhà Nguyễn năm 1900.

 

c. Ưu đãi với các vị đỗ khoa cử.

          Đại Việt sử ký toàn thư” chép, đời Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 12 (1304), trong khoa thi Đình lấy Mạc Đĩnh Chi danh hiệu Trạng nguyên, Bùi Mộ làm Bảng nhãn, Trương Phóng làm Thám hoa, Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp; thì ba vị tam khôi được “dẫn ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày”.

          Đến triều Lê, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), đời Lê Thái Tông, sau khi thi Đình, nhà vua mới sai soạn văn dụng bia đề tên các tiến sĩ. “Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây”, “Toàn thư” viết. Triều đình cũng bắt đầu tổ chức lễ xướng danh, sau khi công bố các danh vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, các tiến sĩ và phụ bảng, nhà vua ban ăn yến, mũ áo, cân đai và cho vinh quy về làng, “việc thành lệ về sau”.

          Các bộ sách về sau thống kê các thể lệ mà Tam khôi cũng như tất cả các Tiến sĩ được hưởng có rất nhiều, từ Lệ xướng danh; Lệ đại thần chúc mừng tân khoa; Lệ rước và treo bảng vàng; Lệ ban áo mũ, cân đai, phẩm phục; Lệ đãi yến tiệc ở vườn Quỳnh Lâm; Lệ tân khoa nghe hát; Lệ ban cành hoa bạc; Lệ ban thưởng vật phẩm, tiền bạc. Lệ rước tân khoa đi chơi phố phường; Lệ phong tước trật; Lệ làm nhà cho tân khoa ở; Lệ vinh quy bái tổ…

            Đến khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. “Toàn thư” chép: “Mùa hạ, tháng 4, thi Hội cho các cử nhân trong nước. Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số. Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Tháng 5 ngày 21, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua ngự điện Kính Thiên, các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, rồi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà”. Như vậy, Phạm Đôn Lễ chính là Trạng nguyên đầu tiên được vua ban Lệ vinh quy bái tổ và được triều đình cấp ngựa công để cưỡi.

             Năm 1502, đời vua Lê Hiến Tông, sử viết tiếp: “Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó”.

             Trong sách “Khoa mục chí” trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí” do nhà bác học Phan Huy Chú soạn cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, những nghi thức của các kỳ thi của triều Lê Trung Hưng được ghi chép đầy đủ. Theo đó, vào ngày xướng danh các Tiến sĩ thông báo kết quả cuộc thi Đình, tất cả các tân Tiến sĩ đều được gọi vào hoàng thành yết kiến vua ở điện Thị Triều.

             Vua Lê đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, đai ngọc, ngồi lên ngự tọa trên điện. Chúa Trịnh đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, ngồi ở ngự tọa bên trái nhà vua. Sau những nghi lễ chào mừng nhà vua và chúa, là lễ xướng danh. Quan nghi lễ đem bảng vàng ghi danh các tiến sĩ đứng tựa về phía Đông. Xướng danh xong, quan nghi lễ dẫn các Tiến sĩ vào quỳ giữa ngự đạo. Quan bộ Lễ đến giữa ngự đạo, quỳ xuống rồi đọc: Niên hiệu, năm, tháng, ngày, bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (tam khôi, gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mấy người, đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất (Hoàng giáp) thân mấy người, đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân (dân gian vẫn gọi chung là Tiến sĩ) mấy người.

             Sau đó, quan bộ Lễ cùng các quan nghi lễ mang bảng vàng từ sân rồng đi ra, có trống và nhạc đi trước, rước bảng vàng đến cửa nhà Thái học, treo lên. Buổi lễ hoàn thành, vua Lê về điện riêng, chúa Trịnh về phủ.

             Nghi lễ ban áo, mũ, đai cho các Tiến sĩ lại diễn ra vào một ngày khác. Ngày đó, các tân Tiến sĩ vào điện quỳ cảm tạ vua, rồi bộ Lễ tâu xin được đưa họ ra cửa Đoan Môn để ban phát áo, mũ. Mỗi người được phát một áo, một mũ và một đai áo. Như vậy, các tân Tiến sĩ đều phải tự trang bị hia để đi trong các dịp này. Áo, mũ, đai của các Tiến sĩ do triều đình sản xuất. “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết có thời gian, các vị Tam khôi, Tiến sĩ còn được nhà vua ban thưởng thêm cành hoa bạc. Tiền để mua vải, bộ Hộ lĩnh ở Hộ phiên (cơ quan có trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản thuộc về phủ chúa), còn bạc thì lĩnh ở hiệu Thị nhị, đem về chuyển cho các cơ quan thuộc bộ Công đúc hoa, may áo, mũ, chế tác đai.

           Sau khi quỳ lạy vua ban áo mũ, các tân Tiến sĩ sang phía Đông cửa Đoan Môn để mặc áo, đóng đai, đội mũ. Chỉnh đốn trang phục xong, quan nghi lễ dẫn các tiến sĩ đến giữa ngự đạo bái tạ nhà vua, sau đó lại được dẫn sang Thái miếu làm lễ 5 lạy, 3 vái để báo cáo với Tổ tiên các vua Lê nữa là xong.

            Việc ban yến cho các tân Tiến sĩ được tổ chức ở công đường bộ Lễ. Trước khi ăn yến, các Tiến sĩ phải làm lễ vọng nhà vua với 5 lạy, 3 vái. Theo sách “Quốc dụng chí” trong bộ sách của Phan Huy Chú thì chuẩn bị cho lễ ban yến, bộ Hộ sẽ lĩnh tiền gạo, muối mắm và dầu thắp từ Hộ phiên rồi phát cho Thái quan thự và Lương uẩn cục, tức các cơ quan chuyên lo việc cỗ bàn, để làm cỗ.

            Trước khi vinh quy, Tam khôi cũng như toàn thể các Tiến sĩ lại mặc áo đóng đai mới được ban vào điện nhà vua để lạy tạ bệ từ nhà vua.

            Cũng từ triều vua Lê Thánh Tông, sau khoa thi năm 1472, triều đình mới định phẩm hàm cho các tiến sĩ. Khoa này, Vũ Kiệt đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên). Nhà vua sắc cho từ lúc này, Trạng nguyên được hàm chánh lục phẩm, Bảng nhãn được hàm tòng lục phẩm, Thám hoa được hàm chánh thất phẩm. Các Hoàng giáp được ban hàm tòng thất phẩm, còn Tiến sĩ đều hàm chánh bát phẩm. “Tiến sĩ có tư cách (phẩm hàm) bắt đầu từ đây”, “Toàn thư” chú thích.

             Ngoài ân điển của Triều đình, các tân Tiến sỹ còn được quê hương cắt đất, dựng nhà mới ngay trên quê nếu gia cảnh chưa thực sự khá giả.

d. Những vụ việc tai tiếng liên quan đến Khoa cử.

          Các triều đại phong kiến Việt Nam dành nhiều ưu ái cho khoa cử và các vị Tiến sỹ nhưng cũng rất hà khắc với những ai vi phạm với các quy định trong khoa cử. Có thể đưa ra 1 số thí dụ:

         1. Quyển 34, tờ 39, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856 - 1884) có kể lại câu chuyện gian lận thi cử liên quan đến Hữu thị lang bộ Lại Ngô Sách Tuân (1648-1697). Ông là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sách Tuân đỗ Tiến sĩ năm 1676 đời vua Lê Hy Tông khi 29 tuổi. Năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân có đến gặp Tham tụng Lê Hy trong phủ chúa Trịnh, đang giữ chức Tể tướng để chào từ biệt. Trước đó, Tuân có tố cáo Tham tụng Lê Hy tư túi, gian lận, gây mối hiềm khích. Khi Ngô Sách Tuân đến chào, Lê Hy mới gửi gắm người con trai nhờ khảo quan nâng đỡ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng Lê Hy đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Sách Tuân biết, vì khi chấm thi, tất cả các quyển thi đều bị rọc phách để không nhận ra là quyển của ai. Trong kỳ thi đó con của Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ vì cũng muốn xoá bỏ cựu hiềm, lấy lòng Lê Hy.

           Sự việc này bị quan Đề điệu trường thi (chủ khảo kỳ thi) là Phó đô ngự sử Ngô Hải phát hiện, nhưng ông này không tố giác. Tuy vậy, quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên chúa Trịnh. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết). Ngô Hải vì không có lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử. Tể tướng Lê Hy và con trai không bị khép tội, nhưng mang tiếng xấu muôn đời.

           2. Một vụ án khác cũng rất nổi tiếng diễn ra vào khoa Thi Hội năm 1775 liên quan đến nhà bác học nổi tiếng, được đánh giá là trí tuệ uyên bác, bao quát tri thức cao nhất của thế kỷ 18 - Lê Quý Đôn, Tuy nhiên ông lại vướng vào một vụ án gian lận thi cử đáng tiếc.

           Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính Biên, quyển thứ 44, tờ 27 và tờ 28) chép: "Quý Kiệt con Quý Đôn. Kỳ đệ tứ khoa thi này, Quý Kiệt cùng Đinh Thì Trung đổi quyển cho nhau để làm bài. Việc bị lộ, Đinh Thì Trung phải tội lưu đi Yên Quảng, Quý Kiệt phải trở về làm dân. Đinh Thì Trung nhân phát giác bức thư riêng của Quý Kiệt và cáo tố là do Quý Đôn chủ sự. Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cầm ở ngục ở cửa Đông".

Xử tội nặng thí sinh gian lận,  không được tiếp tục dự thi

          Thời xưa, phàm thí sinh liên quan đến việc gian lận thi cử đều bị phạt tội rất nặng. Thường thì các thí sinh này không được thi nữa. 

         3. Tháng Tám âm lịch, năm 1841, đời vua Thiệu Trị, dư luận sĩ phu xôn xao vì chuyện ở trường thi Thừa Thiên. Nội trường vốn đã đánh trượt Trương Đăng Trinh (có đại thần Trương Đăng Quế là hàng chú bác) nhưng đến khi đề bảng tên ở ngoại trường, quan sơ khảo Cao Bá Quát lại ghi cho đỗ. Giám sát Hồ Trọng Huấn lập tức cáo giác lên trên, đòi làm nghiêm trường pháp.

         Quan chủ khảo Bùi Quỹ, phó chủ khảo Trương Tiến Sĩ, quan chấm sơ khảo Cao Bá Quát, Phan Nhạ cùng phần khảo Nguyễn Văn Siêu, giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp đều bị gọi lên Đô Sát viện để hỏi. Lúc này mới vỡ, hóa ra không chỉ có chuyện của Trương Đăng Trinh. Bộ Lễ và viện Đô Sát điều tra ra Quát và Nhạ còn dùng muội đèn chữa 24 quyển bài thi, trong đó có 5 bài thi đã lấy đỗ.

          Cứ theo luật định, Quát và Nhạ phải chịu án tử, toàn bộ quan chủ khảo và giám khảo đều bị luận tội, hoặc biết mà không cáo giác, hoặc giám sát không nghiêm, theo luật phải bãi chức hoặc giáng chức.

           Nguyễn Văn Siêu xem lại bài thi bị đánh trượt của Trương Đăng Trinh, cho rằng có thể chấm đỗ được nên nhắn quan ngoại trường cho vào bảng tên những người đỗ kì hai; trong kì thi lại gọi Cao Bá Quát về nhà uống rượu, tuy không phải tội nhưng cũng là làm loạn phép tắc kì thi, Bộ Lễ xét tội phải phạt trượng và tội đồ (bỏ tù).

           Án trình lên vua. Vua biết Cao Bá Quát chữa văn không phải do người khác gửi gắm, xem lại thì thấy nhiều chỗ là Quát tự phê vào là lấy đỗ hay bỏ đi, tự vua cho rằng nhiều chỗ chữa lại cũng chưa chắc đã bằng bài gốc, tội này tuy có ngông cuồng nhưng vẫn có thể tha chết được, đổi làm “giảo giam hậu” (giam chờ ngày treo cổ - nhưng thực ra sau này được thả).

           Nguyễn Văn Siêu cũng được tha không phải ngồi tù, chỉ cách chức, cho ở lại bộ để làm việc lấy công chuộc tội. Quan chủ khảo Bùi Quỹ và Trương Tiến Sĩ không giám sát nghiêm khắc, đều bị cách hết chức vụ nhưng vẫn giữ lại làm việc. Quan giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng cấp.

           Vua lại xét thấy 5 người được chấm đỗ tuy bài thi có vết chỉnh sửa bằng muội đèn nhưng văn chương khá, không nỡ xóa tên nhưng bắt cho thi lại. Bài thi trình lên, vua thấy khá, lại lấy đỗ cử nhân. Trương Đăng Trinh có kém hơn nhưng chưa đến mức trượt. Chỉ có Phan Văn Trị thì bài phú bị trùng vần nên đánh hỏng. Thự Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn không bằng lòng, đến trước mặt vua xin đánh hỏng để nghiêm phép nước nhưng vua vẫn cho đặc cách lấy đỗ để không bỏ lỡ người tài.

e.Kết luận

          Các khoa thi Nho học Việt Nam từ 1075 đến 1919 đã phát hiện và cung cấp nhiều bậc tài danh cho bộ máy công quyền đủ trí lực để phát triển văn hóa, kinh tế cho đất nước. Đánh giá công bằng tài năng, trí tuệ và đóng góp của các nhà khoa bảng Nho học là việc làm nhân nghĩa mà mỗi người dân Việt Nam hiện nay không thể bỏ qua. Bài viết khá dài, tác giả mong  mọi người thông cảm đồng hành cùng tác giả đến những dòng cuối cùng.

 

           Phần II. KHOA CỬ  VIỆT  NAM. 

a. Danh sách các Tiến sỹ Nho học .

          Sau 844 năm với  hàng trăm khoa thi Hương, thi Hội đã có gần 3.000 lượt vị đỗ Tiến sỹ các cấp và Phó Bảng. Từ 82 văn bia tại Văn Miếu và các pho chính sử, chúng ta còn ghi được tên họ 5 vị là người Họ Tô đỗ Đại khoa dưới đây:

TT

     Tên

Học vị, khoa thi

Quê quán

Chức tước

1

Tô Kim Bảng

Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân

Năm 1508

Dương Quang, Thủy Nguyên,  Hải Phòng

Hàn lâm viện Hiệu thảo

2

Tô Trí Cốc

Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân

Năm 1586

Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng

Giám sát Ngự sử

3

Tô Thế Huy

Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân

Năm 1697

Binh Dương, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú

Tả Thị lang

Cảo quận công

4

Tô Trân

Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân

Năm 1836

Nghĩa Trụ, Mỹ Văn,

Hưng Yên.

Lễ Bộ Tả Tham tri, Án sát sứ Thái Nguyên.

5

Tô Huân

Phó bảng

Năm 1852

Nghĩa Trụ, Mỹ Văn,

Hưng Yên.

Đốc học Hải Dương. 

 

          Ngoài ra, từ các Bộ chính sử của nước nhà, chúng ta được biết chắc chắn có thêm ít nhất 3 vị Họ Tô đỗ Đại khoa từng giữ các chức vụ quan trọng và có tham gia trong bộ máy công quyền Nhà nước được ghi dưới đây. 

TT

       Tên

Học vị, khoa thi

Quê quán

Chức tước

1

Tô Hiến Thành

(1102-1179)

Thái học sinh/Tiến sỹ

1138

Thôn Hạ Mỗ, Đan  Phượng, Hà Nội

Thái úy/Tể tướng, Thái  phó

2

Lê Hiến Phủ    (1341-1391)

Bảng Nhãn

Năm 1374

Chưa xác định giữa Đông Triều, Quảng Ninh, Hưng Yên và Nam Định,

Thị lang Đại học sĩ Tri thẩm Hình viện

3

Lê Hiến Tứ

(1341-1392)

Đồng Tiến sỹ xuất thân

Năm 1374

 

Như trên -

Hạ đại phu, Trấn thủ Cao Bằng

 

b. Danh sách các vị đỗ Trung khoa: Cử nhân, Hương tiến, Tứ trường...

1. Tô Đình Dung , quê: Đông Sơn,Thanh Hóa. Đỗ năm1738          

2. Tô Đình Lan, quê: Đông Sơn,Thanh Hóa. Đỗ năm 1743, em Tô Đình Dung

3. Tô Thế Đăng, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

4. Tô Thế Sướng, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

5. Tô Thế Nghi, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

6. Tô Thế Trị, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

7. Tô Thế Đôn, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

8. Tô Thế Viên, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc.

9. Tô Thế  Quyền, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

10. Tô Thế Tạo, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc.  

11. Tô Thế Vượng, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

12. Tô Thế Thuật, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

13. Tô Thế Khiêm, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc. 

14. Tô Thế Úc, quê xã Bình Trù, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh  Phúc.  

15. Tô Hữu Hạnh, quê  phường Phong Cốc, Quảng Yên, Quảng Ninh.

16. Tô Hiền, quê xã Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên

17. Tô Cẩn, quê  Nhân Mục,Thanh Trì, Hà Nội.

18. Tô Nha/Tô Cúc, quê  xã Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên

19. Tô Danh Ước, quê  xã  Mai Vịnh, Hương Trà, THừa Thiên - Huế

20. Tô Đăng, quê xã Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên

22. Tô Đinh, quê Bao Hàm, Nam Định

23. Tô Khải, quê xã Yên Ninh, Chân Định, Nam Định

24  Tô Như Bình, quê  xã  Thượng Lâm, Thanh Oai, Hà Tây;khoa 1870

25. Tô Ngọc Nữu, quê xã Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên

26. Tô Ngọc Huyền. quê xã Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên,

27. Tô Quang Bình, quê Trình Phố, Chân  Định, Nam Định;khoa 1852.

28. Tô Quốc Nghi, quê Thượng Đình, Nhân Mục, Thanh Trì;  khoa 1828.

29.Tô Sướng, quê  Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên; khoa 1886

30. Tô Tế Mỹ, quê Dược Khuê, Nông Cống, Thanh Hóa; khoa 1915

31. Tô Thành, quê Thái Lãng, Mộ Đức, Quảng Ngãi; khoa 1900

32. Tô Thiết, quêBao Hàm, Nam Định; khoa 1878.

33. Tô Thục, quê Nhân Mục, Thanh Trì, Hà Nội; khoa 1876

34. Tô Văn Thống, quê Thượng Tầm, Nam Định; khoa  1888.

35. Tô Văn Thưởng, quê xã Thượng Tầm, Thanh Quang, Nam Định; khoa 1846

 

c. Danh sách các vị đỗ Tiểu khoa:Tú tài, Sinh đồ Nho học

1. Tô Đức Trạch, quê xã Văn Mẫu, Quế Võ, Bắc Ninh. 

2. Tô Thế Úc, quê xã Phú Nhi, Phúc Lộc, phường Phú Thịnh, Sơn Tây.

3. Tô Đình Nhượng, quê xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

4. Tô Đình Cẩn, quê xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

5. Tô Thế Phương, quê xã Thường Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

6. Tô Duy Nhữ, quê xã Nghĩa Trụ,Văn Giang, Hưng Yên.

7. Tô Đình Tiêm, quê xã Phạm Mệnh, Kinh Môn, Hải Dương

8. Tô Quang Địch, quê xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

9. Tô Như Long, quê xã Lương Lãnh, Cát Hải, Hải Phòng

10. Tô Hữu Bản, quê xã Lương Lãnh, Cát Hải, Hải Phòng   

11. Tô Tử Hành, quê xã An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng;khoa 1894

12. Tô Văn Độ, quê xã Thượng Tầm, Bắc Ninh; khoa 1912

13. Tô Lăng, quê xã Bao Xá, Thái Bình;khoa 1912

14. Tô Văn Hàn, quê xã  Đông Sơn, Đô Lương, Nghệ An

15. Tô Nghệ, quê  Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên;khoa 1897

16. Tô Khuê Điền, quê Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên;khoa 1897

17. Tô Đặc, quê thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên;1900.

18. Tô Hữu Hạnh, quê Phong Cốc, Quảng Yên, Quảng Ninh, 

19. Tô Nguyễn Hưởng, quê Phú Nhi, Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

          Cần nói thêm rằng, khi số lượng Tiến sỹ Nho học được ghi chép khá sớm và đầy đủ, thì số Cử nhân, Tú tài ngay từ đầu đã không được ghi chép và chắc chắn ít hơn số thực tế rất nhiều...

 

KẾT  LUẬN  CHUNG

             Trải qua 844 năm với hàng trăm (?) cuộc thi Hương, thi Hội và thi Đình, gần 3 ngàn Tiến sỹ cùng hàng chục ngàn (?) Cử nhân, Tú tài là nguồn nhân lực đáng kể cho các cơ quan công quyền Nhà Nước. Số người đã đỗ khoa cử còn là lực lượng sĩ phu đóng góp phần lớn vào phát triển nền văn học, văn hóa nước nhà và là tài nguyên quý giá của dân tộc. Cụ thể hơn, tỷ lệ số các cụ Họ Tô đỗ Đại khoa  Nho học là 8/2.898 lượt vị, tỷ lệ đỗ Trung khoa là 35/9.785 và Tiểu khoa là 19/7.241 ứng với tỷ lệ rút gọn là l/362; 1/280 và 1/381…

 

    

 

 

 

Sĩ tử đậu kỳ thi Hương sẽ phân thành 2 hạng: Cử nhân và Tú Tài. Danh xưng “cử nhân” là tiến cử người tài, dâng người tài lên để làm quan. “Cống sĩ” là kẻ sĩ được tiến cử. Lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý (1888) cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân.

 

 

                                                          Thụy Khuê, mùa Hạ năm 2022

                                                          Phó GS, TS Tô Lê Cường chấp bút