Những người làm tốt vai trò "dẫn đường"


      Giảng viên Tô Thị Thanh Lê tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ VII, năm 2021 - Khu vực phía Bắc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng. Theo Người, yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền chính là cán bộ tuyên truyền. Việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên để giáo dục là phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất. Thời gian qua, đội ngũ những giảng viên, tuyên truyền viên đã làm tốt vai trò “dẫn đường”, trở thành những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, đủ sức gách vác nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Cán bộ, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tham gia Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021.

          Giữ “lửa” tâm huyết trong giảng dạy lý luận chính trị

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp giảng viên trẻ Tô Thị Thanh Lê (sinh năm 1987) là chị vô cùng cởi mở, khuôn mặt tươi sáng, nói chuyện thông minh. Trong chị luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự tận tâm với công việc mình đang làm.

Năm 2021 chị là một trong 2 giảng viên của Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh được tặng danh hiệu Giảng viên dạy giỏi xuất sắc tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương lần thứ VII - Khu vực phía Bắc, nằm trong top 20 giảng viên đạt thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chị chia sẻ: “Bản thân tôi và các thí sinh tham gia Hội thi với tinh thần giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng sư phạm, đồng thời là cơ hội để các giảng viên cập nhật cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ đó, các giảng viên chúng tôi không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.

Nói về lý do tham gia công tác giảng dạy lý luận chính trị, chị cho biết, đối với chị nghề giáo vừa là niềm mơ ước, vừa là sự may mắn đối với chị. Những khát khao, niềm mơ ước của chị như những hạt giống đâm chồi nảy lộc khiến chị luôn thôi thúc mình phải cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Giảng viên Tô Thị Thanh Lê (thứ 3, trái sang) được tặng danh hiệu Giảng viên dạy giỏi xuất sắc.

Chị tâm niệm: “Dạy học không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức từ những giáo trình sẵn có đến học viên, mà phải là sự đào sâu, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để học viên có thể vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả”.

Thấm nhuần phương châm “Lý luận phải gắn liền với thực tiễn”, sau nhiều chuyến đi, nhiều chuyến công tác, những tư liệu thực tế, những tâm tư, tình cảm đã được chị đúc kết thành kinh nghiệm để đưa vào những bài giảng. Có lẽ cũng bởi vì thế mà những bài giảng của chị luôn được đánh giá cao, khiến nhiều học viên yêu thích.

“Đối với nhiều người, lý luận chính trị là một cái gì rất khô khan và khó hiểu. Nhưng đi sâu tìm hiểu, tôi càng say mê. Tôi luôn tìm cho mình những phương pháp mới, không ngừng trau dồi thêm kiến thức từ thực tế đời sống để truyền ngọn lửa nhiệt huyết, say mê đó đến cho mọi người” - Chị cho biết.

Giảng viên Tô Thị Thanh Lê trình bày tham luận tại Hội thảo “Hiến pháp năm 1946 - 75 năm giá trị lý luận và thực tiễn".

Là giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, chị đang tham gia giảng dạy các chương trình trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp bồi dưỡng kỹ năng các chức danh cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Sự đa tài, nỗ lực và mẫn cán của người thầy đã tạo nên sức cuốn hút trong mỗi bài giảng của chị để chị trở thành một người truyền “lửa” đến các học viên.

Chị tâm sự: “Tôi luôn coi nghề giáo là cả một hành trình ý nghĩa mà tôi là người trải nghiệm. Chỉ khi mình có thêm kiến thức, có những trải nghiệm thú vị, khám phá bản thân để tìm ra phiên bản tốt nhất của chính mình thì bài giảng mới phong phú, có tính thực tiễn. Vì suy cho cùng, dạy học cũng là một nghệ thuật, người giảng viên là nghệ sĩ được đứng trên bục giảng, còn học viên chính là các khán giả của mình. Mình thấy vui, tự hào khi được đứng ở vị trí đó và luôn coi đó là động lực cố gắng hoàn thiện bản thân để xứng đáng với những tình cảm mình nhận được”.

13 năm gắn bó với công tác giảng dạy, có rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ, trong đó khiến chị nhớ nhất là giúp đỡ một học viên tham gia Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2019. Đó là một học viên nữ chăm chỉ, chịu khó nhưng lại nhút nhát, chưa từng nói trước đám đông. Chị đã đồng hành cùng học viên từ khâu lựa chọn chủ đề, viết bài thuyết trình cho đến quá trình tập luyện để thuyết trình thành công. Từ một người rụt rè, luôn lo sợ khi lên sân khấu sẽ quên bài, nhưng bằng sự giúp đỡ, động viên từ chị, học viên ấy đã tự tin hoàn thành xuất sắc phần thi của mình với điểm thuyết trình cao thứ 2/16 thí sinh tham gia phần thi này.

Chị Tô Thị Thanh Lê kể: Sau khi hoàn thành bài thi, bạn ấy đã chạy vào sân khấu ôm chầm lấy tôi và nói: “Cô ơi em đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình rồi, em cảm ơn cô rất nhiều”. Sau đó mỗi năm cứ đến các ngày lễ, đặc biệt là ngày 20/11 bạn ấy đều gọi điện, nhắn tin chúc mừng tôi. Có lẽ đối với một người giảng viên, điều trân quý nhất chính là sự tôn trọng, là tình cảm mà các học viên dành cho mình.

                          Vân Anh (Quảng Ninh ĐT)