“Bên cạnh những kết quả, đạt được, đã xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi Luật Công đoàn cần được tiếp tục sửa đổi”


          Sau gần 10 năm thực hiện Luật Công đoàn (số 12/2012/QH13, có hiệu lực từ 1/1/2013), bên cạnh kết quả tích cực đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đòi hỏi Luật cần được tiếp tục sửa đổi. Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã thành lập các đoàn khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn tại các tỉnh, thành phố, ngành, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Tô Xuân Thao - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (ảnh) về nội dung này.

          - Ông cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012, tại Quảng Ninh đã ghi nhận những kết quả thế nào?

         +  Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự chủ động vào cuộc tích cực của các cấp công đoàn, việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 tại tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là công tác chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền phổ biến Luật đã được các cấp công đoàn tập trung triển khai, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; mỗi năm tổ chức 250-300 hội nghị tập huấn, tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung…

          Đã thành lập 726 công đoàn cơ sở (CĐCS), kết nạp mới 70.500 đoàn viên, trong đó có 318 CĐCS được thành lập theo phương pháp mới; số doanh nghiệp có trích nộp kinh phí công đoàn năm 2021 tăng 19% so với năm 2011; 72% số doanh nghiệp xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa người sử dụng lao động và ban chấp hành CĐCS; hiệu quả hoạt động đối thoại dân chủ, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp được nâng lên, với phương châm “Đối tác thật - Thương lượng thật - Nội dung thật - Thực hiện thật”; 64% số doanh nghiệp, đơn vị có CĐCS ký kết TƯLĐTT, trong đó có 4 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, Quảng Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước…

          Các cấp công đoàn đã chú trọng công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) ngày một tốt hơn, huy động các nguồn lực xã hội khác với nhiều hình thức, thông qua nhiều hoạt động.

          LĐLĐ tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các đề án, giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn. Đặc biệt, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và được giao chủ trì triển khai thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, 2021-2025...

          - Ông cho biết, kết quả chương trình khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn 2012 tại Quảng Ninh vừa qua của Tổng LĐLĐ như thế nào?

  Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn 2012 tại Quảng Ninh, tháng 10/2022. 

         + Ngày 6/10/2022, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ cấp huyện và các Công đoàn ngành tại Quảng Ninh để khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn năm 2012. Tại hội nghị, các đại biểu đại diện LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành đã có nhiều ý kiến tham gia đánh giá những hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong thực thi Luật Công đoàn Việt Nam 2012 tại các cấp công đoàn, như: Chế tài thực hiện Luật chưa rõ nét, dẫn đến chưa được thực hiện công bằng như các luật khác; các trường hợp vi phạm Luật Công đoàn chưa có chế tài xử lý nghiêm; việc ủy quyền cho CĐCS khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ đọng BHXH khó có thể thực thi; nhiều doanh nghiệp không tạo điều kiện kết nạp, phát triển đoàn viên; thẩm quyền của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ còn hạn chế; biên chế cán bộ công đoàn ngày càng giảm trong khi số lượng đoàn viên, NLĐ ngày càng tăng; việc thu kinh phí công đoàn còn khó do nhiều doanh nghiệp và NLĐ chưa thực hiện nghiêm; chưa có chế tài bảo vệ cán bộ CĐCS trước những bất lợi trong quá trình thực thi nhiệm vụ… 

          Trên cơ sở buổi làm việc, Đoàn công tác đã ghi nhận những kết quả, các ý kiến đề xuất. Đồng thời cho biết, các kiến nghị, đề xuất này sẽ góp phần phục vụ công tác điều chỉnh sửa đổi Luật Công đoàn thời gian tới.

          - Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn của Quảng Ninh, theo ông, Luật Công đoàn năm 2012 có những điểm nào còn bất cập cần phải sửa đổi?

                     Sản xuất tại Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.

          + Luật Công đoàn năm 2012 được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên quy định về vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam (tại Điều 1 Luật Công đoàn 2012) chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013. Trong những năm gần đây, Việt Nam hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 có rất nhiều quy định mới liên quan đến NLĐ, tổ chức công đoàn, như: Quyền thương lượng tập thể; hình thành tổ chức của NLĐ (bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam) trong doanh nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam là lao động trong khu vực không có quan hệ lao động (xe ôm, bốc vác, tiểu thương chợ, lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng...); phạm vi điều chỉnh mối quan hệ giữa các tổ chức của NLĐ trong doanh nghiệp...

          Hiện việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là nhiệm vụ trực tiếp của CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ thực hiện khi có yêu cầu hoặc ủy quyền của CĐCS hay NLĐ. Trong thực tế, cán bộ CĐCS chủ yếu là không chuyên trách, chịu sự quản lý và chi phối của người sử dụng lao động, nên ở một số đơn vị, cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, như: Khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật; thương lượng, ký kết TƯLĐTT, tổ chức và lãnh đạo đình công… Vì thế rất cần có các quy định cụ thể thẩm quyền của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS, trực tiếp đại diện cho NLĐ tại cơ sở tham gia khi cần thiết mà không cần ủy quyền của NLĐ hoặc CĐCS.

          Hiện số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách được giao hằng năm trên tinh thần tinh giản biên chế. Trong điều kiện số lượng CĐCS, đoàn viên mỗi năm đều tăng nhanh; việc tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách thông qua thi tuyển hằng năm nên rất hạn chế trong việc tạo cơ hội cho cán bộ có kinh nghiệm thực tế từ cơ sở về làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Do đó, Luật Công đoàn cần quy định rõ hơn "Cán bộ công đoàn chuyên trách", từ đócó cơ chế đặc thù, linh hoạt để tăng tính chủ động cho tổ chức công đoàn trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị "Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới".

          Về kinh phí công đoàn, cần bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp, đơn vị khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Đồng thời bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có).

                        Thanh Hằng (Thực hiện)