Dự án Xóa mù chữ với phương pháp Reflect - PGS TS Tô Bá Trượng


                  PGS.TS Tô Bá Trượng, ngày 4-6-2016

          Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Tô Bá Trượng từng là giảng viên dạy vật lý, rồi ông chuyển sang nghiên cứu về Giáo dục học. Dù không còn trực tiếp giảng dạy nhưng bằng niềm đam mê ông vẫn gắn bó với nghề trong vai trò nghiên cứu và thực hiện các đề tài xóa mù chữ trên nhiều vùng miền của đất nước.

          Trong nhiều dự án về đề tài xóa mù chữ, PGS Tô Bá Trượng đặc biệt ấn tượng về dự án Xóa mù chữ với phương pháp Reflect do Tổ chức Action Aidv quốc tế tại Việt Nam thực hiện và ông làm Chủ nhiệm đề tài.

          "Reflect" là từ dùng để chỉ về phương pháp xóa mù chữ thông qua việc sử dụng các kỹ thuật nâng cao năng lực cộng đồng do ông Paulo Freire - nhà giáo dục người Brazil khởi xướng. Theo ông Freire: việc học chữ phải gắn liền với việc tìm hiểu, phân tích các vấn đề của cộng đồng và lập kế hoạch giải quyết dựa trên bối cảnh thực tế. "Reflect" là phương pháp liên kết giáo dục không chỉ dạy cho những người nghèo, người dân tộc thiểu số biết chữ mà còn cung cấp cho họ những kiến thức về văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao năng lực một cách toàn diện của bản thân họ. Cụ thể là dạy học cho những đối tượng trên mà chỉ lên lớp giảng lý thuyết sẽ không mang lại hiệu quả, dẫn tới việc người học không hiểu thấu đáo, hiểu sai vấn đề, vì vậy phải đưa người học vào thực tế, mắt thấy tai nghe, tự làm để họ hiểu rõ được vấn đề, sau này gọi là dạy học theo phương pháp trải nghiệm.

          "Phương pháp Reflect" được ứng dụng bắt đầu từ khoảng năm 1993 ở một số nước thuộc châu Mỹ La tinh, sau đó phát triển rộng rãi ra hơn 60 quốc gia trên thế giới. Năm 2000, lần đầu tiên, phương pháp này được ứng dụng vào Việt Nam do Tổ chức Action Aid quốc tế tại Việt Nam (AAV)  tổ chức và PGS Tô Bá Trượng được mời tham gia dự án thí điểm có tên là “Dự án về giáo dục xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng” (2000 – 2002).

          Thời gian công tác tại Viện Khoa học Giáo dục (từ 1988), PTS Tô Bá Trượng có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề xóa mù chữ ở Việt Nam và đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này như: “Phát triển tổng thể các dân tộc miền núi” (1995-1998), hay “Xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái” theo dự án của UNICEF tại Việt Nam từ năm 1998-2000. Từ những kinh nghiệm có được, ông mạnh dạn nhận làm chủ nhiệm đề tài “Dự án về giáo dục xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng”. Như ông chia sẻ, "mình tiếp nhận đề tài này vì nội dung của đề tài mang ý nghĩa nhân văn, lại làm về vấn đề mình yêu thích".

          Trên con đường tìm phương pháp thực hiện

          Với cương vị là Chủ nhiệm “Dự án về giáo dục xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng” (2000 – 2002), PGS Trượng vô cùng hào hứng vì đây là một phương pháp hoàn toàn mới lạ so với những phương pháp giáo dục xóa mù chữ trước đây ông từng thực hiện. Mới lạ ở chỗ, phương pháp này sử dụng các biểu, bản đồ vào việc dạy học cho người dân, khác với phương pháp trước đây, xóa mù chữ thường sẽ bắt đầu từ việc học thuộc bảng chữ cái.

          Thực hiện dự án, PGS Tô Bá Trượng đã huy động nhiều cán bộ có kinh nghiệm trong công tác xóa mù chữ như ông Nguyễn Trường, bà Thái Xuân Đào, ông Nguyễn Phong Liên, ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Vũ Đình Ruyệt…tham gia, họp bàn về phương pháp thực hiện. Thành viên nòng cốt, trực tiếp tham gia dự án là PGS Tô Bá Trượng và ông Nguyễn Hữu Tiến, sau đó có thêm các bà: Lê Tuyết Mai, Nguyễn Thị Bích Liên và Bế Hồng Hạnh. Chương trình được thực hiện thí điểm ở ba huyện: Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Điện Biên (Lai Châu).

          Ý tưởng do Tổ chức Action Aid quốc tế đưa ra rất hay, nhưng đối với Việt Nam, địa bàn thực hiện lại là các địa phương, miền núi, nên cần phải ứng biến để phù hợp với tình hình thực tế. Nghĩa là từ những lý thuyết về chương trình này, người thực hiện phải tìm hiểu phong tục, tập quán và thói quen của người dân từng vùng để áp dụng có hiệu quả, như thiết kế những loại bản đồ dễ hiểu, dễ nhận biết đối với người dân vùng đó. Giải quyết vấn đề này, Tô Bá Trượng đã mời chuyên gia về giáo dục ở một số nước có những điểm tương đồng với nước ta về kinh tế - xã hội, như Paskixtan, Ấn Độ sang tư vấn, trao đổi. Sau một số buổi khảo sát thực địa, đoàn chuyên gia đưa ra những tư vấn, như cần phải tổ chức việc dạy gắn liền với trình độ tư duy của người học, nhưng không đưa ra phương pháp thực hiện cụ thể.

          Từ những thực tế đó, PGS Tô Bá Trượng quyết định tổ chức đoàn đi khảo sát thực địa để tìm ra hướng giải quyết hợp lý và tuyên truyền cho bà con địa phương hiểu về tầm quan trọng của việc học chữ.

          Đi cùng ông còn có cán bộ của Trung tâm nghiên cứu xóa mù chữ và giáo dục thường xuyên, thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, và cán bộ của phòng hoặc sở giáo dục ở các tỉnh đoàn đến  khảo sát. Chuyến đi thực địa đầu tiên đến huyện Sơn Động, Bắc Giang.

          Sơn Động là một huyện vùng cao nằm ở phía Đông tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có 12 tộc người sinh sống nhưng chiếm đa số vẫn là tộc người Sán Dìu, Nùng có trình độ dân trí còn thấp. Trước mỗi chuyến thực địa, PGS Tô Bá Trượng phải tìm hiểu về phong tục tập quán địa phương. Ông được nhiều đồng nghiệp cho biết, ở vùng Sơn Động, người dân biết làm bùa, ngải. Khi về huyện Sơn Động, biết mục đích của chương trình do ông Trượng thực hiện, cán bộ huyện Sơn Động đã nhiệt tình giúp đỡ. Đoàn công tác được bố trí ở nhà khách của huyện. Nhưng vất vả nhất là việc đi thực địa thường diễn ra vào buổi tối - sau bữa ăn tối của người dân. Hàng ngày, vào khoảng 5 giờ chiều, thành viên trong đoàn đi khoảng 8-10 km để vào các vùng thôn bản thực hiện công việc. Do điều kiện giao thông khó khăn, chủ yếu là đường rừng nên đoàn phải đi bộ gần hết chặng đường. Trước khi vào các bản, làng, cán bộ huyện căn dặn thành viên trong đoàn không được tự ý hành động. Sau nhiều buổi nói chuyện và tìm hiểu, ông biết, người dân cũng khao khát được học chữ và còn khao khát hơn là được hướng dẫn cách phát triển kinh tế để thoát khỏi “cái nghèo truyền đời”. Được trao đổi trực tiếp với người dân, PGS Trượng nhận thấy : Người dân nơi đây cũng “chân chất, mộc mạc và giàu lòng nhân hậu” ông nhớ lại.

          Sau chuyến đi đến Sơn Động, đoàn trở lại Hà Nội và chuẩn bị cho một chuyến đi khác đến huyện Điện Biên, Lai Châu. Ở Điện Biên, tộc người Thái chiếm đại đa số. Trước chuyến đi lần này, ông đồ rằng đây sẽ là một chuyến đi dễ hơn.

          Đến Lai Châu, ông Tô Bá Trượng được Ủy ban tỉnh cử cán bộ Sở Giáo dục, đồng thời là thành viên Hội đồng nhân dân tỉnh tên là Lê Nghi cùng đi xuống địa phương. Chị Nghi là người có uy tín nên việc thuyết phục nhân dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng khi đến các bản làng và đặt vấn đề làm việc, đoàn đã vấp phải những khó khăn bởi người dân nơi đây không muốn làm việc với người ngoài bản khi chưa được người đứng đầu các bản, làng thông báo. Để tạo được thiện cảm với người dân, đích thân PGS Tô Bá Trượng và cán bộ trong đoàn phải tham dự vào các buổi lễ hội và sinh hoạt cộng đồng như đám cưới, đám hiếu để làm quen với người đứng đầu bản và giới thiệu với họ về dự án. Trong những bữa tiệc như vậy, ông cũng uống rượu cần và say trong những điệu múa dân tộc như một người đàn ông dân tộc Thái. Sau khi đã tạo được thiện cảm, ông Trượng và cán bộ sở giáo dục cùng cán bộ địa phương đã nói chuyện và khuyến khích, thuyết phục nhân dân tham gia dự án và họ đồng ý.

          Quá trình đi khảo sát kết thúc, ông Tô Bá Trượng và đồng nghiệp đã tìm ra được phương pháp phù hợp với văn hóa Việt Nam để thực hiện ý tưởng của Tổ chức Action Aid quốc tế. Đoàn quyết định sử dụng phương pháp kỹ thuật cộng đồng đã có từ trước đó. Thực chất kỹ thuật cộng đồng là những kỹ thuật để đánh giá nông thôn. Khi sử dụng các kỹ thuật cộng đồng, người dân được tham gia đánh giá những vấn đề bức xúc nhất của địa phương, thực trạng của vấn đề đó và tìm cách khắc phục hay phát triển, đồng thời bàn bạc với nhau thực hiện kế hoạch mà mọi người đã nhất trí đề ra. Đây chính là quá trình "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra" các hoạt động phát triển của cộng đồng. Để thực hiện kỹ thuật này, người ta dùng các loại công cụ đánh giá: Phỏng vấn có cấu trúc hoặc không có cấu trúc; Thảo luận nhóm với các đối tượng khác nhau; Vẽ các loại bản đồ, sơ đồ như bản đồ thôn bản; sơ đồ cây nhân quả; sơ đồ mối quan hệ; các loại mô hình, biểu bảng, các loại lịch, ma trận. Dưới sự hướng dẫn của Hướng dẫn viên, học viên sẽ hình thành văn bản học (bao gồm từ khóa, câu khóa hoặc bài tập, bài học tính) mà không cần sách học vần in sẵn. Như vậy khi sử dụng kỹ thuật cộng đồng để dạy xóa mù chữ sẽ làm cho người học thấy sự gắn bó giữa việc học với việc cần giải quyết những vấn đề cấp bách của cộng đồng từ đó thấy được lợi ích của việc học chữ. Người học thực sự được tham gia vào quá trình học tập của mình. 

          Hiện thực hóa ý tưởng của Tổ chức Action Aid quốc tế

          Phó giáo sư Tô Bá Trượng cho biết, kế hoạch thực hiện dự án được đã xây dựng theo ba giai đoạn:

          - Giai đoạn 1: Dạy học bằng phương pháp sơ đồ và chia thành hai bước. Bước một là dùng các câu hỏi gợi mở, hướng dẫn người học vẽ hình thôn bản, tìm hiểu về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của bản mình rồi từ đó hình thành các chủ đề chữ viết khác nhau. Hệ thống câu hỏi cũng được ông biên soạn cụ thể, tỉ mỉ bắt đầu từ những câu hỏi sau: Bản của các bạn trông như thế nào?Anh/ chị/ em vẽ lại giúp tôi đường đi vào bản được không? Những buổi học đầu tiên, giáo viên hướng dẫn người học vẽ sơ đồ thôn bản ngay trên nền đất của lớp học (thậm chí ngay trên sân trường, lớp học) để người học có thể chuyển từ những suy nghĩ vốn có sang tư duy bằng hình ảnh. Sau đó, vẽ lại những hình ảnh này vào giấy A0, và so sánh xem bản vẽ trên giấy đã đúng với bản vẽ trên nền đất chưa?. Sau khi vẽ xong bản đồ thôn bản, giáo viên sẽ hướng dẫn người học đánh dấu vị trí nhà ở của mình và đánh dấu vị trí những gia đình chưa biết chữ rồi sẽ hỏi người học có muốn biết chữ không? Nếu muốn biết thì phải cố gắng đi học và chúng tôi sẽ giúp đỡ.

Bước hai là sử dụng sơ đồ cây nhân quả để tìm ra nguyên nhân và hệ quả của vấn đề mà người dân thôn bản đang mắc phải. Nghĩa là giáo viên sẽ mời người học trình bày những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của bản làng và của từng gia đình, rồi gợi ý để học viên  thấy được nguyên nhân và chỉ ra cho họ cách khắc phục. Ví dụ, giáo viên sẽ hướng dẫn người học cách đào ao, nuôi cá để phát triển kinh tế. Ngoài việc sử dụng sơ đồ cây nhân quả, PGS Trượng còn hướng dẫn người học sử dụng sơ đồ ven để đánh giá về mức độ quan tâm, và vai trò của Ủy ban nhân dân xã, trạm xá… với việc giải quyết những vấn đề của bản.

          - Giai đoạn 2: Dạy học phát triển, nghĩa là gắn công tác xóa mù chữ với những gợi ý phát triển cộng đồng, vấn đề vệ sinh, sức khỏe nhưng tập trung chủ yếu vào việc dạy chữ. Từ những sơ đồ, lịch đã lập từ giai đoạn một, người dạy sẽ hệ thống thành các chủ đề từ vựng khác nhau để dạy học, ví dụ như vấn đề ao cá, cây lúa, nhà ở, tên gọi… Khi nói đến đào ao, thả cá, giáo viên cần đặt ra câu hỏi: chữ cá viết như thế nào nhỉ? Tôi sẽ hướng dẫn chị em viết, viết nửa vòng tròn ghép với chữ a là chữ cá… Với phương pháp dạy học gắn liền với phát triển cộng đồng, thầy Trượng tin rằng dự án sẽ đạt kết quả tốt. Ông cũng ví von việc học viết của người học ở giai đoạn một giống như « vẽ chữ »

          - Giai đoạn 3: Dạy học nâng cao, là giai đoạn rèn khả năng tập đọc cho người học.

          Dự án được thực hiện bắt đầu từ những cuộc tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia vào dự án ở địa phương. Mỗi một cuộc tập huấn kéo dài khoảng 10 ngày và tổ chức ở tỉnh. PGS Tô Bá Trượng là người trực tiếp tham gia vào công tác tập huấn này.

          Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của người dân nên 50 lớp học gồm khoảng 2000 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã được mở ở ba huyện Điện Biên (Lai Châu), Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang). PGS Trượng cũng trực tiếp tham gia vào một số giờ giảng ở các địa phương. Khi đó, mỗi lớp học có khoảng trên dưới 10 người, bao gồm cả đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ, có những phụ nữ hơn 60 tuổi nhưng vẫn hăng hái tham gia lớp học. Ông còn nhớ những buổi tham gia dạy tại huyện Sơn Động, Bắc Giang. Các buổi học diễn ra vào buổi tối, học sinh và thầy giáo say sưa học đến quên giờ. Có những hôm về đến thị trấn Sơn Động, cả thị trấn đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ còn ánh trăng sáng bàng bạc đủ soi được đường đi. Những lúc ấy, thầy giáo Trượng ước “tìm được hàng cháo để ăn cho đỡ đói”.

          Cuối năm 2002, dự án kết thúc, trên 2000 người dân của ba huyện Điện Biên, Lục Ngạn và Sơn Động được xoá mù chữ, và sau xóa mù chữ, tiếp cận các kiến thức văn hóa, xã hội, làm ăn kinh tế, góp phần phát triển địa phương. Sau khi hoàn thành dự án, thầy Trượng viết một bản báo cáo và một bài báo bằng tiếng Anh gửi đến Tổ chức Action Aid Quốc tế và được tổ chức này đánh giá cao. Sau này dự án được tiếp tục triển khai, mở rộng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

          Hai năm lặn lội với dự án, đôi khi thầy Tô Bá Trượng chỉ kịp ăn một vài bữa cơm với gia đình rồi lại đi biền biệt cả tháng. Sống và làm việc cùng đồng bào, thầy Trượng mới thấu hiểu hết những khó khăn của họ. Dưới ánh sáng le lói của ánh đèn dầu, thầy Trượng và các thầy cô giáo tham gia dự án vẫn miệt mài hướng dẫn người dân cách học chữ. Nhiều khi, ông và đồng nghiệp phải bỏ tiền túi để mua dầu thắp và mua bút cho người dân. Đáp lại tình cảm của các thầy, bà con dân tộc nhiệt tình, hăng say đến lớp học chữ.

          Dự án diễn ra cách đây hơn 10 năm, nhưng như PGS Tô Bá Trượng thổ lộ “Đây là một dự án hợp tác với nước ngoài tương đối vất vả nhưng có nhiều niềm vui vì đây là một vấn đề mang tính nhân văn, mang lại cái chữ và sự hiểu biết cho bà con thôn bản, trong quá trình thực hiện dự án, nhiều khi cũng cảm thấy thấm mệt, nhưng chỉ cần thấy sự hăng say học tập của bà con dân tộc là mọi mệt nhọc dường như tan biến, cảm thấy công lao của mình được bù đắp”.

          Nguồn: Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục