Cần cụ thể hóa cơ chế dám nghĩ, dám làm bằng các quy định


          Ngày 31/5/2023, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch 2023.

          Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% (thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%). Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

          Thu ngân sách nhà nước năm 2023 có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

          Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tranh luận lại câu chuyện cán bộ không dám làm (trích).

          Theo đại biểu, hiện nay có một số cán bộ do năng lực hạn chế không dám làm nên né tránh, đùn đẩy công việc. Hiện tượng này dân ta hay nói “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ông đề nghị Chính phủ cần rà soát xem số này bao nhiêu.

          Dẫn lại con số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ còn khá khiêm tốn, đại biểu nêu trả lời của Bộ trưởng Nội vụ tại các kỳ họp nhìn nhận công tác đánh giá cán bộ còn chưa thực chất, chưa sát thực tiễn.

          Nói về giải pháp khắc phục, ông Tám cho rằng, ngoài việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tham mưu ban hành các quy định, trong đó có tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết.

          Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, yêu cầu phát triển trong mỗi giai đoạn mỗi khác, nguồn cảm hứng, yếu tố phá rào hay như Khoán 10… hiện nay không còn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay cần cơ chế dám nghĩ, dám làm và Bộ Chính trị đã có kết luận, việc này cần phải được cụ thể hóa bằng các quy định.

          Theo Viet Nam Net