Tô Thị Tẻ - Nữ anh hùng trong phong trào đấu tranh chính trị


Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đường lối của Đảng đưa đấu tranh chính trị lên hàng đầu. Ngay khi Mỹ - nguỵ tiếp quản lập chính quyền, xây dựng đồn bót, trên khắp địa bàn Cà Mau dấy lên phong trào quần chúng - nhất là đội quân tóc dài - đấu tranh trực diện, đấu tranh đòi kẻ thù thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, chống kẻ thù càn ruồng cướp phá, tàn sát Nhân dân, chống quốc sách “ấp chiến lược”… Phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với mũi vũ trang, mũi binh vận trở thành bạo lực cách mạng đánh đuổi kẻ thù, giải phóng quê hương.

Trong hàng ngàn cuộc biểu tình, đấu tranh trực diện trên địa bàn Cà Mau lúc bấy giờ có thể điển hình cuộc đấu tranh ngày 21/3/1961 của trên 5.000 cụ già và phụ nữ của huyện Đầm Dơi chống hành động bắn giết người vô tội vạ của bọn Chi khu Đầm Dơi. Trong cuộc đấu tranh này xuất hiện tấm gương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, chống kẻ thù đến hơi thở cuối cùng. Đó là nữ đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Tô Thị Tẻ.

Sinh năm 1943, ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, thuộc thế hệ thứ tư trong dòng họ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, chị Tô Thị Tẻ sớm vào trường học kháng chiến. Ánh sáng cách mạng, tinh thần kháng chiến đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi thơ Tô Thị Tẻ. Ngày chuyển hướng hoạt động bí mật, chị Tô Thị Tẻ là đội viên Đội ca - vũ - kịch của xã, là đội viên thiếu niên tiền phong. Đến tuổi vị thành niên, chị Tô Thị Tẻ được xây dựng làm nòng cốt Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, làm liên lạc canh gác giặc, bảo vệ cơ sở cách mạng. Với tinh thần công tác tích cực, 16 tuổi, Tô Thị Tẻ được đứng vào hàng ngũ của Đoàn.

Giữa năm 1960, Huyện uỷ Đầm Dơi thực hiện phương thức đấu tranh 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang, binh vận. Riêng mũi đấu tranh chính trị - đấu tranh trực diện ở Đầm Dơi đã phát triển thành cao trào, thành áp lực dồn địch vào thế phòng thủ, đối phó. Chị Tô Thị Tẻ cùng Chi đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị - đấu tranh trực diện. Ban chỉ đạo đấu tranh trực diện của huyện Đầm Dơi luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào “cánh tay đắc lực” này.

Sáng sớm ngày 21/3/1961, trên 1.000 chiếc xuồng ba lá chở 3.000 lực lượng, chia từng tốp, hướng thẳng vào Chi khu Đầm Dơi, các bà, các mẹ, các chị đồng loạt hô khẩu hiệu đấu tranh đòi chấm dứt càn quét, bắn phá vào nông thôn; chống bắt thanh niên đi làm bia đỡ đạn, chống dồn dân lập ấp chiến lược…

Đoàn biểu tình tổ chức 1 Đại đội xung kích do tổ 3/3 (chị Tô Thị Tẻ làm Tổ trưởng, các chị Trần Thị Đầy và Trần Thị Hương làm tổ viên) dẫn đầu. 30 chiếc xuồng của Đại đội ồ ạt lao vào bờ. Trên bờ, bọn lính áo vàng đứng căng dài trên đoạn sông, tất cả họng súng đen ngòm của chúng đều hướng theo đoàn xuồng của Đại đội xung kích. Khi đoàn xuồng vừa tiếp cận vào mé bờ thì nhiều loạt súng tiểu liên xé không gian. Những loạt súng chưa ngớt tiếng vang rền thì bọn giặc quăng xuống sông hàng chục quả lựu đạn. Tiếng nổ ầm ào làm cho hàng chục chiếc xuồng của Đại đội xung kích chao lượn, nghiêng ngả. Trong tình huống diễn ra bất ngờ, băng mình qua lửa đạn, Tổ viên Trần Thị Đầy và Trần Thị Hương hỏi Tổ trưởng Tô Thị Tẻ: Nó dữ quá, mình tính sao chị Sáu? (Sáu là bí danh của Tô Thị Tẻ). Chị Tô Thị Tẻ trả lời: Cứ bình tĩnh. Hãy trương băng khẩu hiệu lên. Hãy phát loa lên. Ta quá đông, nó không dám bắn bừa đâu. Nó bắn chỉ thiên hăm dọa, đừng sợ. Thế là Đại đội xung kích đồng loạt tràn lên bờ. Khi ấy, tên “Nghĩa chuột” xuất hiện trước mặt Tô Thị Tẻ và các má, các chị. “Nghĩa chuột” trước đây là cán bộ cách mạng đã chạy theo giặc. Lúc còn là cán bộ cách mạng, tên Nghĩa từng đeo đuổi chị Tô Thị Tẻ, nhưng bị chị từ chối. Sau đó không bao lâu, “Nghĩa chuột” đầu hàng giặc, làm tay sai ác ôn, gây nhiều nợ máu đối với cách mạng, với nhân dân. Lần đối diện này với chị Tẻ, với cô bác trong vùng cách mạng trong hoàn cảnh đối đầu ta - địch, “Nghĩa chuột” muốn lấy tình yêu xưa khuyên bà con rời bỏ cuộc đấu tranh. Riêng đối với chị Tô Thị Tẻ, “Nghĩa chuột” vẫn còn nuôi ảo mộng, hắn khuyến dụ chấp nhận hắn và rời bỏ cuộc đấu tranh. Sự trân tráo của Nghĩa khiến bà con, nhất là chị Tô Thị Tẻ, càng nhận rõ hơn bản chất phản bội, gian ác của hắn và bọn lính Chi khu Đầm Dơi, của tên Quận trưởng Thắng. Cho nên, một mặt Đoàn biểu tình có lời tranh thủ nhằm làm giảm tính gian ác của bọn chúng, mặt khác Đoàn luôn giữ khí thế, trương biểu ngữ, quyết tâm giáp mặt tên Quận trưởng, buộc chúng phải thực hiện yêu sách. Bọn giặc cố tình ngăn cản, dùng súng bắn hù doạ nhưng Đoàn biểu tình vẫn tiến về dinh quận và hô to đòi gặp tên Quận trưởng Thắng.

Trong tình huống đấu tranh ngày càng gay gắt ấy, “Nghĩa chuột” vẫn tìm cách đến bên chị Tẻ, tranh thủ tình cảm. Những lời khuyến dụ của hắn như thêm dầu vào lửa. Không kiềm chế được, chị Tẻ nói tạt vào mặt hắn: “Xin lỗi ông, tôi chưa từng quen biết tên phản bội ác ôn như ông!”. Trong khi Đội xung kích đang giằng co quyết liệt với địch để tiến vào dinh quận thì từ các nẻo đường, khoảng 3.000 người trên hàng trăm chiếc xuồng ầm ào bơi tới. Lúc đó, hàng trăm tên lính ác ôn (trong đó có “Nghĩa chuột”) xông vào đàn áp, hàng chục chiến sĩ đấu tranh trực diện bị chúng bắt lôi đi (trong đó có chị Tô Thị Tẻ). Chúng còng tay và nhốt các chiến sĩ trong vòng kẽm gai tại sân nhà việc của quận và tra tấn rất dã man. Bên ngoài, cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn với lực lượng được bổ sung rất đông, rất hùng hậu. Tình huống đấu tranh mỗi lúc càng ác liệt hơn, càng về sau đoàn biểu tình đấu tranh trực diện được bổ sung lực lượng tại chỗ như tiểu thương, vợ binh sĩ nguỵ, nữ tu sĩ…

Đêm đến, bọn ác ôn lôi các cô gái trẻ đang bị giam trong vòng kẽm gai ra ngoài điều tra. Các chị lớn tuổi giằng co với địch bảo vệ các cô gái trẻ, đưa các cô vào trong. Trong nỗi căm giận cao độ trào dâng, cụ Ba Chì mắng vào mặt chúng: “Chúng bây là lũ tay sai, là đám chó săn của tên quận Thắng. Chúng bây là bọn côn đồ, lưu manh, mất dạy”. Cụ chưa dứt lời, hàng chục tên ác ôn xông vào lôi cụ đi và tra tấn cụ đến chết.

Còn tên “Nghĩa chuột” vẫn bám theo chị Tô Thị Tẻ, buông lời trơ trẽn: “Sáu Tẻ ơi, em chịu lấy anh làm chồng, anh xin với ông Thắng Quận trưởng thả cho em về ngay, bằng không thì…”. Chị Tô Thị Tẻ nhìn thẳng vào mặt hắn, nói: “Tôi cám ơn ông. Tôi thà làm ma đất Đầm Dơi chớ không bao giờ phản bội quê hương và không bao giờ làm vợ tên phản bội, làm tay sai cho giặc như ông”. “Nghĩa chuột” bẽn lẽn cúi đầu đi một mạch trong sự nhục nhã trước mọi người.

Cuộc đấu tranh diễn ra 2 ngày, đến ngày 23/3/1961, Ban chỉ đạo đấu tranh chính trị tiếp tục tăng cường 5.000 lực lượng, vừa đòi kẻ thù thực hiện yêu sách của cuộc đấu tranh vừa đòi tên Quận Thắng thả các chiến sĩ đấu tranh bị chúng bắt giam cầm, tra tấn dã man. Mặc dù bọn quận Đầm Dơi cho lính chốt các nẻo đường ra chi khu, ngăn chặn, hăm doạ nhưng các cánh quân của ta đều vượt qua và tiếp cận Chi khu Đầm Dơi đúng giờ quy định. Cánh quân Bàu Sen, cánh quân Lung Lắm, cánh quân Xóm Lớn, cánh quân Lô 18… có mặt đầy đủ tại Chi khu Đầm Dơi. Khi các cánh quân vừa tiếp cận thì tên Quận trưởng Thắng trực tiếp ra lệnh cho bọn ác ôn nổ súng vào Đoàn biểu tình, làm nhiều chiếc xuồng chìm, 27 chiến sĩ hy sinh giữa dòng nước. Đoàn biểu tình chẳng những không lùi bước mà càng siết chặt hàng ngũ, cổ vũ khí thế đấu tranh càng quyết liệt hơn. Đoàn biểu tình xông lên hô khẩu hiệu ầm vang: “Đả đảo bọn ác ôn giết người!”, “Đả đảo tên Quận trưởng Thắng gian ác!”, “Đảo đảo Mỹ - Diệm” và phát loa kêu gọi binh sĩ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân. Nhiều người là tiểu thương, là vợ binh sĩ… xông vào đỡ họng súng của những tên ác ôn nổ lên trời. Đặc biệt có một tu sĩ dùng võ nghệ đánh ngã tên lính đang ghìm súng vào Đoàn biểu tình. Cuộc xô xát giữa lực lượng đấu tranh trực diện với bọn ác ôn Đầm Dơi làm chiến sĩ ta hy sinh 27 người (trong đó có mẹ Trần Thị Ký - mẹ ruột của chị Tô Thị Tẻ)) và bị thương một số chiến sĩ. Chiến sĩ ta dùng những cây cột chèo, dầm, những khúc mía… tấn công làm cho nhiều tên lính ác ôn mang thương tích. Tuy không đạt yêu sách của cuộc đấu tranh và yêu sách đòi thả người, nhưng đoàn đấu tranh vẫn kiên trì bám chặt mục tiêu, quyết tâm không lùi bước. Khí thế đấu tranh luôn bốc cao ngất trời, biểu dương sức mạnh khôn lường của lực lượng quần chúng khiến kẻ thù khiếp sợ.

Bọn ác ôn Đầm Dơi cũng như tên Quận trưởng Thắng tàn bạo không từ bỏ hận thù với cách mạng, với nhân dân. Chúng đưa từng chiến sĩ đang bị giam vào phòng đặc biệt tra tấn nhiều người đến chết. Chị Tô Thị Tẻ là người chúng mang đi tra tấn sau cùng. Chúng dùng đủ trò, chẳng những chị Tẻ không khai báo, không khuất phục đầu hàng mà luôn miệng vạch trần tội ác của Mỹ - Diệm, vạch trần tội ác tên quận Thắng và bọn ác ôn của Chi khu Đầm Dơi. Chị Tẻ phun nước bọt vào mặt tên mật thám ác ôn, nói: “Cả lũ bây là đồ tay sai, là đồ hèn”. Hàng chục tên đao phủ vây quanh chị Tô Thị Tẻ như điên, như dại, lồng lộn, hò hét, phát ra một âm thanh man rợ. Một số tên đè tay, đè chân, tên cầm lưỡi lê xông vào phanh thây người con gái kiên trung Tô Thị Tẻ. Chúng dùng dao xẻo hai vú của chị. Trong tột cùng của sự đau đớn và căm thù, chị Tô Thị Tẻ hét thật to: “Chúng bây giết tao, tao không sợ! Ngày tận số của chúng bây sắp tới rồi!”. Và tiếng hô của chị Tô Thị Tẻ âm vang trong đêm tối: “Đả đảo Mỹ - Diệm! Đả đảo bọn sát nhân!”. Chúng mang chị Tô Thị Tẻ ra cái hố đào sẵn và chôn sống.

Những tù nhân bị giam chung, những người vợ binh lính, công chức nguỵ ở lân cận đều nghe thấy và cảm phục tinh thần dũng cảm, kiên cường của người đoàn viên thanh niên Tô Thị Tẻ.

Tuy chưa giành thắng lợi nhưng cuộc đấu tranh trực diện tại Chi khu Đầm Dơi năm ấy đã thị uy lòng bất khuất và sức mạnh vô biên của lực lượng quần chúng cách mạng. Đồng thời, đó là đòn đánh vào tâm não làm kẻ thù choáng váng. Hàng chục chiến sĩ đấu tranh trực diện hy sinh, nhất là sự hy sinh oanh liệt của chị Tô Thị Tẻ như ngọn lửa bùng cháy, bốc cao, hun đúc phong trào đấu tranh chính trị trong huyện, trong tỉnh. Bọn ác ôn Chi khu Đầm Dơi và tên Quận trưởng Thắng sau đó phải đền tội: Tên Tỉnh trưởng An Xuyên Nguyễn Văn An hứa bồi thường cho những người biểu tình bị đàn áp, bị thủ tiêu; riêng tên Quận trưởng Thắng bị đưa ra Toà hiến binh xét xử, bị ngồi tù nhiều năm, đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) vẫn còn chưa mãn hạn.

 

Năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng chị Tô Thị Tẻ danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chủ trương đấu tranh chính trị được chỉ đạo thực hiện từ tháng 7/1956, sau khi Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ban đấu tranh chính trị hình thành từ ấp, xã, huyện, tỉnh đều có cán bộ nữ tham gia làm nòng cốt, tổ chức lực lượng chính trị đều khắp, tập hợp lực lượng đủ mọi lứa tuổi, có cả gia đình tề, nguỵ tham gia. Bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải, cho biết: Phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi nhất trong giai đoạn từ 1961-1964. Năm 1961, có 3.387 cuộc đấu tranh chính trị trực diện, với 57.305 lượt người tham gia. Năm 1962, phong trào đấu tranh chính trị rất sôi nổi, 6 lần đưa lực lượng ra thị xã Cà Mau, 5.344 cuộc đấu tranh với 59.315 lượt người tham gia và 6.954 lá đơn. Từ năm 1961-1963, Phụ nữ Cà Mau đã tổ chức 450 cuộc chở tử thi lên quận, tỉnh tố cáo tội ác của địch, có 28.000 lượt người tham gia đấu tranh. Năm 1964, có 6.552 cuộc đấu tranh với 52.925 lực lượng, 14.013 lá đơn kiến nghị, 14 cuộc đưa lực lượng đấu tranh tại thị xã Cà Mau với 20.200 người tham gia.

                                                           Theo Cổng TTĐT Cà Mau