ĐỔI HỌ BẨY ĐỜI VẪN TÌM VỀ NGUỒN CỘI

Trong chuyến đi chắp nối dòng họ ở hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình vừa qua chúng tôi đã gặp một trường hợp khá đặc biệt là có 4 chi họ Tô vì lý do nào đó đã đổi sang họ Trần, Ngô, Nguyễn (2 chi) cách đây đã gần 200 năm, nay con cháu lại quay về nhận họ Tô.

Gia phả trong kháng chiến chống Pháp đã bị mất hết nên theo lời kể lại thì Thủy tổ của 4 chi họ là Cụ Tô húy Mão, quê gốc ở Nam Định vào cuối triều Tây Sơn, đầu triều Nguyễn có lẽ do loạn lạc đưa 5 người con trai về huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình lập nghiệp.

Con trưởng là Tô Văn Bài ở thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn hiện nay vẫn mang họ Tô đã đến đời thứ 9. Tộc trưởng của chi họ này cũng là tộc trưởng của cả dòng họ gồm 5 chi là Tô Sĩ Lượng. Ở đây có ngôi nhà thờ Thủy tổ của cả 5 chi họ.

Con thứ hai là cụ Tiền đổi sang họ Ngô ở thôn Xầy, xã Sơn Thành huyện Nho Quan. Tộc trưởng là ông Ngô Đình Nhã.

Con thứ ba là cụ Dậu, đổi sang họ Nguyễn, định cư ở thôn Liên Huy, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Tộc trưởng là ông Nguyễn Văn Hải.

Con thứ tư là cụ Viên đổi sang họ Nguyễn ở thôn Đồng Chưa cùng xã  Gia Thịnh. Chi họ này theo đạo Thiên Chúa nhưng vẫn thờ cúng tổ  tiên. Tộc trưởng là ông Nguyễn Văn Do.

Con thứ năm là cụ Toại, đổi sang họ Trần, định cư ở xóm Đông Thắng, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Tộc trưởng là Trần Văn Trường.

Cách đây khoảng vài chục năm, qua thời gian dài tìm hiểu, 3 chi họ Ngô, Nguyễn (2 chi) đã tìm về nhận họ Tô. Và hơn chục năm sau thì chi họ Trần cũng tìm về, hiện nay thành 5 chi họ anh em. Và ở đây dòng họ có cách xử lý rất hay là tìm về họ cũ nhưng không quên họ mà tổ tiên, ông cha, rồi đến mình đã mang từ hàng trăm năm nay. Về mặt xã hội và trên giấy tờ nhân thân vẫn là họ Ngô, họ Nguyễn, họ Trần (luật pháp không cho phép đổi họ cả một chi và về mặt đạo lý thì cũng không nên đổi). Nhưng trong quan hệ và sinh hoạt dòng họ thì thành viên các chi họ này đều thêm chữ Tô đứng trước. Như Đại tá Ngô Mạnh Tâm, giám đốc công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng quân đội, ở ngoài đời vẫn mang họ Ngô, nhưng khi về với dòng họ là Tô Ngô Mạnh Tâm. Cũng như vậy tộc trưởng họ Nguyễn Liên Huy là Tô Nguyễn Văn Hải, tộc trưởng họ Trần ở Gia Lạc là Tô Trần Văn Trường.

Nhà thờ họ trước đây ở giữa làng đã bị bom của giặc Pháp phá đổ, năm 2001 mới xây lại ở địa điểm hiện nay, thờ cụ Tô húy Mão là Thủy tổ của cả dòng họ 5 chi. Hàng năm tế tổ vào ngày 12 tháng Tám, con cháu cả 5 chi đều về, có năm đông đến vài trăm người.

Ngày chủ nhật 22 tháng 7 năm 2012, Thường trực Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đã về thăm họ Tô Gia Viễn. Được anh Tô Văn Thư, trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Viễn chuẩn bị và dẫn đường, khi chúng tôi về đến nơi, hơn 20 người đại diện cho cả 5 chi họ, có những cụ trên 80 tuổi đã có mặt ở nhà thờ họ để đón đoàn. Anh Tô Trần Chung  (họ Trần) ở thị trấn Lạc Thủy (Hòa Bình) cách xa hơn 40 km đã đi xe máy về từ rất sớm.

Thường trực Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đã về thăm họ Tô Gia Viễn

Cuộc gặp mặt kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ, mãi đến 14 giờ chiều mới bịn rịn chia tay mà như vẫn chưa nói hết chuyện. Ông Tô Trần Xuân Định, một cựu chiến binh đường 559 lúc chia tay đã ôm lấy hai ông trưởng, phó đoàn vừa khóc vừa nói: “Phải gần 200 năm, chúng tôi mới tìm được về cội nguồn. Hôm nay trong buổi đoàn viên trước ban thờ Thủy tổ lại được Thường trực Ban liên lạc họ Tô Việt Nam về chứng kiến, thật là ngày vui lịch sử hiếm có của cả 5 chi họ Tô chúng tôi”.

Trong chuyến thăm này, đoàn còn được các ông trong họ đưa đến dâng hương ngôi đền cổ thờ Đức Tô Hiến Thành, tuy gọi là cổ nhưng rất uy nghi tọa lạc ở chân núi Kiếm Lĩnh, xã Điềm Xá xưa, nay là  xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền là Đức Tô Hiến Thành sau khi đánh tan giặc Chiêm Thành, trở về Điềm Xá dâng hương bái yết đền thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không (là nơi ông bà Tô Trung - Nguyễn Thị Đoan đã đến cầu tự sinh ra Đức Tô Hiến Thành) và nghỉ ở chân núi Kiếm Sơn(1). Vì vậy ngoài đền thờ ở chân núi Kiếm, Đức Tô còn được phối thờ ở đền thờ Nguyễn Minh Không, cũng ở xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

 

TTHTVN


(1)Xem thêm bài “Kiếm Lĩnh Linh Từ ” ở mục Khoa học - Lịch sử.