TRIỆN PHÁP GIA TÔ NGẠI

Vài nét về Triện thư

Năm 221 TCN, Tần Thủy hoàng đế thống nhất Trung Hoa. Để thống nhất văn tự trong toàn quốc, Thừa tướng Lý Tư đã dựa vào các thể chữ trước đó như Đại triện, Trựu thư… để phát triển thành thể chữ Tiểu triện, hay còn gọi là Tần Triện. Thể chữ này đã được Tần Thủy hoàng đế cho khắc vào 7 tấm bia đá, và cho đặt ở các ngọn núi nổi tiếng như Thái Sơn, Phong Sơn, Lang Nha Đài, Cối Kê, Đông Quan, Kiệt Thạch,và Chi Phù. Và, Lý Tư trở thành thủy tổ của Triện thư. Phần lớn các tấm bia đó đã mất hoặc hư hại nặng, chỉ còn sót lại chút ít. Triện thư tuy không phải là thể chữ có tính phổ thông, nhưng cũng đã có các Triện thư gia thành danh trong lịch sử thư pháp Trung Hoa, như Lý Dương Băng đời Đường, Từ Huyền đời Tống, Triệu Chi Khiêm, Đặng Thạnh Như đời Thanh, Tề Bạch Thạch thời cận đại, vv. …

Triện thư được dùng để viết trán bia tương đối nhiều. Ở nước ta, tấm bia đầu tiên được tìm thấy là bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn, … Nhưng hầu hết các tấm bia sau đó, trán bia đều được viết chữ Tiểu triện theo hình dọc, phải đến đời Lê Thánh Tông, trên trán bia do Tô Ngại viết triện trở đi, trán bia mới được viết thành một hàng ngang.

Đối với di sản Hán Nôm nói chung, và những tấm bia Văn miếu nói riêng, thì việc nghiên cứu những tấm bia này đã được thực hiện dưới nhiều góc độ, chẳng hạn xem Tuyển tập văn bia Hà Nội [2], Văn miếu và 82 bia Tiến sĩ [3], Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam [4], v.v... Song, việc nghiên cứu chúng dưới góc độ thư pháp thì hầu như chưa có công trình nào.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các trán bia do Tô Ngại viết chữ triện. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê chép:

“Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay. Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá… Vua y tờ tâu, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia. Bọn từ thần là Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các đại thần Học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện Thị độc Đông các Hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện Thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện Thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục Tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các Hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện Thị độc kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám Chính tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm cùng Điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ.Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại vâng sắc chỉ viết chữ triện” [5].

Như vậy, vào ngày 15 tháng Tám năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng 7 tấm bia đề danh Tiến sỹ tại Văn miếu. Đây là đợt dựng bia Tiến sỹ đầu tiên. Các tấm bia ghi rõ các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1481. Việc này đã tạo tiền lệ, và việc dựng bia Tiến sỹ kéo dài cho đến triều Nguyễn.

Việc soạn văn cho những tấm bia được thực hiện bởi các từ thần trong Viện Hàn lâm trong khoảng niên hiệu Hồng Đức, việc viết chữ cũng do các Trung thư giám chính. Nhưng trong đợt dựng bia đầu tiên này, tất cả các trán bia đều do “Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại (金光門待詔蘇碍) vâng sắc chỉ viết chữ triện” [5]. Trong các tấm bia còn ghi thêm hàm tản quan Mậu lâm lang (茂林郎) cho Tô Ngại. Đó cũng là tất cả những thông tin về thân thế và sự nghiệp chúng ta biết về nhà thư pháp này.

Ở đây, chúng tôi lần lượt giới thiệu ảnh các trán bia theo thứ tự niên đại.

Hình 2大寶三年壬戌科進士題名記

Đại Bảo tam niên Nhâm Tuấtkhoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)

Hình 3 太和六年戊辰科進士題名記

Thái Hòa lục niên Mậu Thìn khoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448)

Hình 4 光順四年癸未科進士題名記

Quang Thuận tứ niên Quý Mùi khoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463).

Hình 5 光順七年丙戌科進士題名記

Quang Thuận thất niên Bính Tuất khoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466)

Hình 6 洪德六年己未科進士題名記

Hồng Đức lục niên Ất Mùikhoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475).

Hình 7洪德九年戊戌科進士題名記

Hồng Đức cửu niên Mậu Tuấtkhoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoaMậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478).

Hình 8. 洪德十二年辛丑科進士題名記

Hồng Đức thập nhị niên Tân Sửukhoa Tiến sỹ đề danh ký.

Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481)

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm thấy một tấm bia khác có trán bia do Tô Ngại viết chữ triện. Đó là tấm bia Hiển Thụy am bi tại chùa Đính Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, dựng năm 1500, niên hiệu Cảnh Thống thứ 3. Tấm bia này ghi hàm tản quan của Tô Ngại là Hiển Cung đại phu Kim quang môn đãi chiếu(顯恭大夫金光門待詔蘇碍).Đó là tất cả những tư liệu quý giá để nghiên cứu về tác gia thư pháp này.

Hình 9 顯瑞庵碑Hiển Thụy am bi

Về Tiểu triện của Tô Ngại

Đối với Tiểu triện, về cơ bản, có hai bút pháp chủ yếu là nét thiết tuyến (dây thép) và nét ngọc trợ (đũa ngọc). Tô Ngại chủ yếu viết theo nét ngọc trợ, nét chữ của ông mềm mại, uyển chuyển, đều đặn, đảm bảo tính giấu đầu giữ đuôi chặt chẽ. Một số nét chuyển bút đã chuyển thành nét chiết bút, đó là những nét mà các thư pháp gia phát triển để tạo tiền đề cho nét của Lệ thư.

Về Kết tự. Kết tự Tiểu triện của Tô Ngại chủ yếu vẫn theo Tần triện, song đã có sáng tạo. Chữ ông viết đã buông chân, tạo thế chữ trên căng dưới trùng, tạo thẩm mỹ rất tốt. Bên cạnh đó, chẳng hạn như chữ SĨ 士,đã đượcông viết khác nhau nhằm tránh sự nhàm chán (Hình 11).

- Kết tự đạt tỉ lệ tả hữu đối xứng. Đây là tiêu chí rất quan trọng, đã được Tô Ngại thể hiện một cách hồn nhiên, cân đối hợp lý, không gượng ép. Giữa hai chữ có số nét nhiều ít khác nhau, nhưng vẫn đạt được tỉ lệ hài hòa (Hình 12).

Hình 12 大寶

- Kết tự sơ mật đắc nghi ( dày thưa hợp lý). Kiểu kết tự này, được Tô Ngại thể hiện chặt chẽ, bình ổn mà thông thoáng, không lệch lạc (Hình 13).

碑記Hình 13

3- Kết tự phối hợp quân hành (tạo thế cân bằng). Giữa các bộ phận của chữ, số nét không đồng đều, nhưng Tiểu triện củaTô Ngại vẫn cho thấy sự thông thoáng, điều độ cân bằng, đảm bảo tính đăng đối. Ở đây, chữ Hồng 洪, Đức 德tuy là những chữ tạo ra sự đăng đối ảo, các phần chữ giằng co, rất thuận mắt (Hình 14).

Hình 14 洪德

- Kết tự ấp nhượng chiếu ứng (nhường hứng gọi đáp). Ở tiêu chí này, Tô Ngại cho thấy sự đan xen, giao hòa, nâng đỡ lẫn nhau của các bộ phận của chữ, tạo cảm giác thanh thoát, chủ khách tôn trọng nhau.

Hình 15 科進士題

Những chữ Khoa 科, Tiến 進, Đề 題được Tô Ngại viết rất bình ổn, hài hòa mà chặt chẽ, các bộ phận chữ không lấn át nhau.

Có thể thấy, Tô Ngại là một tác gia thư pháp có vị trí trong giới thư pháp trung đại Việt Nam. Chỉ tiếc rằng thông tin về sự nghiệp của ông còn lại quá ít, và bút tích mà ông để lại cũng không nhiều, nhưng với những gì ta thấy trên những trán bia giới thiệu trên, chúng ta cũng phần nào đánh giá được giá trị triện thư của ông. Không phải ngẫu nhiên mà ông được chọn là người viết chữ cho trán 7 bia Tiến sỹ ở Văn miếu dưới thời Lê Thánh Tông. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin tạm dừng ở mức độ giới thiệu về những giá trị thẩm mỹ của thư pháp chữ Triện Việt Nam, mà các trán bia do Tô Ngại viết còn lưu lại đến ngày nay. Việc đánh giá đầy đủ về Triện thư gia này, cần có thêm tài liệu, thời gian, công sức nhiều hơn nữa.


Tài liệu tham khảo

- Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993.

- Tuyển tập văn bia Hà Nộido Ban Hán Nôm, Ủy ban Khoa học xXã hội Việt Nam biên dịch, Nxb. KHXH, H. 1978.

- Văn miếu và 82 bia Tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc tử giám xuất bản, H. 2002.

- Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, phiên dịch và chú thích, Nxb. Giáo dục, H. 2006.

- Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd.

- Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, tập 2, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2005.

- 中国篆书学吴清辉著中国美术学院出版社.

- 书法创作大典篆书卷. 张永明. 新时代出版社, 2001./.

(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.904-912)

Nguyễn Quang Thắng