TÔ TỘC TRONG VIỆC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN

Lời Ban biên tập

 

Trước đây đã có nhiều bài viết về người Họ Tô ở vùng Tam Đảo, thuộc thị trấn Giang Bình, huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Các bài viết đó đều cho là người Họ Tô ở đây là gốc Đồ Sơn, Hải Phòng. Cách đây hơn 5 thế kỷ không rõ vì lý do gì, cả chi họ cùng một số chi họ khác đã chuyển cư sang vùng Tam Đảo. Nay nhà thơ Tô Ngọc Thạch ở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật thành phố Hải Phòng, trong bài bút ký dưới đây đã đưa ra một quan điểm khác có sức thuyết phục hơn:

Vùng Tam Đảo nơi cư trú của nhiều dòng họ, trong đó người Họ Tô là đông nhất vốn là đất Việt Nam. Lúc đó biên giới Việt - Trung là sông Dương Hà. Đến năm 1887 để thực hiện Hòa ước Thiên Tân (Hòa ước Pháp - Thanh) ký năm 1885, chính quyền bảo hộ Pháp đã cắt một phần đất của tình Hà Giang và tỉnh Quảng Ninh cho Trung Quốc. Biên giới Việt - Trung tịnh tiến đến sông Ca Long như ngày nay và đồng bào Việt Nam ở đây thành dân Trung Quốc!

TÔ TỘC TRONG VIỆC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN

Sáng sớm mùa hè tại miền địa đầu đông bắc của Tổ quốc thời tiết khá mát mẻ, muôn chùm phượng đỏ như những mâm xôi gấc đung đưa trước gió làm cho du khách cảm thấy thời gian chậm rãi trôi qua. Xen lẫn với hoa phượng đang khoe sắc rực rỡ đó là những chùm “Bằng lăng tím chùng thời gian chờ đợi”. Xe vừa lăn bánh thì cậu tài xế mới hỏi tôi:


Đình Vạn Vỹ với bức tượng Người dân chài

 

- Bác biết làm sao người ta ví màu tím là màu thủy chung không?

Tôi mới ôn tồn giảng giải:

“Theo truyền thuyết thì ngày xửa ngày xưa Ngọc Hoàng có mười hai công chúa yêu quý, mỗi nàng một dáng vẻ. Một hôm Ngọc Hoàng tuyên bố sẽ cho các công chúa yêu của mình làm chúa các loài hoa ở hạ giới. Các cô chị đòi làm chúa các loài hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa lan, hoa huệ… Còn cô út xin làm chúa loài hoa nào có màu tím, vì cô rất yêu thích màu này và Ngọc Hoàng cho cô được làm chúa loài hoa bằng lăng tím. Thời ấy có một chàng thư sinh nghèo khó nhưng học giỏi, thấy loài hoa bằng lăng tím vừa dịu dàng vừa xinh xắn, liền đem về nhà trồng. Ngày tháng dần trôi và chàng thư sinh đem lòng thương yêu hoa. Còn nàng út thì mê văn tài của chàng thư sinh kia nên đã xin Ngọc Hoàng cho xuống trần gian làm người nâng khăn sửa túi cho chàng, nhưng Ngọc Hoàng kiên quyết từ chối. Nàng rất buồn và từ đó khước từ mọi lời cầu hôn của các đấng nam nhi khác. Còn màu tím của bằng lăng cũng không bị nhạt phai và chàng thư sinh kia vẫn một lòng si mê hoa. Bởi vậy người đời bảo bằng lăng là loài hoa chung thủy và sự ngây thơ của màu tím tượng trưng cho mối mối tình đầu lãng mạn…”.

Nghe đến đây thì cậu tài xế gật gù tán thưởng và theo lịch trình thì sáng chủ nhật hôm nay, anh em chúng tôi tới cửa khẩu để sang bên Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thăm người quen và khám phá vùng đất Việt cổ. Trong tôi bật ra dòng cảm xúc: “Ngược tìm về chốn xa sâu. Biển Đông dậy sóng đục ngầu tháng năm”.

Có hai cách qua biên, mà theo cách gọi dân dã là “tiểu ngạch” và “chính ngạch”. Cách xuất biên “tiểu ngạch” dành cho những người buôn bán nhỏ thường xuyên qua lại hoặc những người có việc sang lại về ngay, họ thường đi theo “đường mòn trên sông Ka Long” bằng thuyền. Thông thường lối này dành cho thổ dân, cửu vạn, còn những người mới đi lần đầu phải có “bảo kê”, chứ lớ ngớ bị công an “hỏi thăm” thì rất phiền phức. Trước đây tôi cũng đã một hai lần đi thử bằng cách này để tìm hiểu mặt trái con đường xuất nhập cảnh “tiểu ngạch” xem sao? Còn qua biên “chính ngạch” thì bắt buộc phải qua cửa khẩu và phải có thị thực xuất cảnh.

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là cửa khẩu đầu tiên, quan trọng nhất ở phía Bắc Việt Nam trong việc giao thương với Trung Quốc. Đồng thời nó cũng là nơi được chính quyền hai nước chọn đặt cột mốc trước nhất để phân định ranh giới giữa hai quốc gia. Trung bình hàng năm có khoảng hai triệu lượt người và khoảng nửa triệu lượt khách du lịch qua lại. Nếu quý khách muốn sang bên kia biên giớicần phải có hai ảnh cỡ 4 x 6 xăng-ti-mét kèm theo chứng minh thư nhân dân, thông qua một văn phòng du lịch lữ hành để làm thị thực và sau khoảng một giờ đồng hồ làm thủ tục xuất nhập cảnh thì khách đã có mặt tại Đông Hưng. Cửa khẩu này đã bao lần tiễn tôi đi rồi đón tôi về, nhưng mỗi lần qua đây cảm xúc lại trào dâng: “Xưa kia cùng phố cùng phường. Giờ xa biền biệt dặm trường bể dâu. Cách nhau có một cây cầu. Bên ta Móng Cái, bên Tàu: Đông Hưng”.

Có thể nói, chưa một đô thị vùng biên Việt - Trung nào lại cùng chung một lịch sử bi tráng như Móng Cái và Đông Hưng. Ngược dòng thời gian hai trăm năm trước: “Có nhà Vua lấy tên mình đặt cho dòng sông. Để khảng định chủ quyền miền biên cương Tổ quốc. Sau tám chục năm ông còn có biết. Dòng Ka Long thành ranh giới đau buồn”. “Con sông mang tên Vua Gia Long” nhỏ nhắn này, mà người Việt gọi chệch là Ka Long, còn Trung Quốc đặt tên là Bắc Luân đã âm thầm làm “cột mốc” cho hai quốc gia từ năm 1887. Chính vì vị trí địa lý gần gũi như vậy, nên người Đông Hưng sáng qua bên Móng Cái kinh doanh, chiều trở về. Còn người Móng Cái cũng sáng qua bên Đông Hưng làm việc và chiều trở về trước khi cửa khẩu đóng cửa vào lúc mười chín giờ. Đứng trên cầu Bắc Luân ta thấy dọc theo dòng Ka Long phía bên bờ bắc (Đông Hưng) thì nhà cửa xây dựng có vẻ bành trướng sát tận mép sông, còn bên phía bờ nam (Móng Cái), người dân có vẻ khiêm nhường hơn nên nhà cửa được xây dựng thụt vào phía trong. Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái này không chỉ là trung tâm mua bán trao đổi hàng hoá mà còn là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động trao đổi thương mại kinh tế, giao lưu văn hoá giữa hai tỉnh Quảng Ninh - Quảng Tây và hai nước Việt - Trung.

Vừa xong thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc thì Shi Cẩu đã giơ tay vẫy gọi. Mấy anh em ra xe lướt quaTrung tâm Thương mại Chiết Giang, Quảng Trường thành phố, Toà Thị chính, đại lộ Bắc Luân... để xem đô thị này năm qua có gì đổi mới không? Đông Hưng là đô thị cấp huyện với diện tích năm trăm bốn mươi ki-lô-mét vuông và khoảng một trăm hai mươi ngàn nhân khẩu, lớn hơn Móng Cái một chút cả về diện tích và dân số. Trong lúc lang thang ở trung tâm Đông Hưng, tôi có làm quen với hai thanh niên lái taxi. Qua tìm hiểu, thấy nghề lái tắc xi có khá đông người Việt tham gia. Muốn làm được nghề này ngoài tay nghề ra người lái xe còn phải biết tiếng Bắc Kinh và tiếng Pạc Và. Tài xế Tuấn nói:

- Khách đi xe ở bên Đông Hưng chủ yếu là người Việt, họ sang đây tham quan du lịch, tìm hiểu thị trường và muốn khám phá đô thị vùng biên này ra sao?

Dũng tiếp lời:

- Có người muốn trải nghiệm cảm xúc đầu tiên khi được sang một quốc gia khác?...

Sau khi thăm nhà Shi Cẩu ở phố Chiết Giang, mấy anh em kéo Shi Cẩu cùng đi Kinh Đảo, thị trấn Giang Bình, nơi có làng “Đồ Sơn cổ” đang tồn tại nửa thiên niên kỷ. Bỏ lại Đông Hưng phía sau, con đường dẫn về Giang Bình với chiều dài mười tám ki-lô-mét, được trải bê tông nhựa asphalt phẳng lì. Nhìn ra hai bên là những đồi thông trầm tưhòa vào bầu trời trong xanh thăm thẳm, bao làng mạc ruộng đồng san sát nối tiếp nhau trông giống như một bức tranh sống động. Khi còn cách Giang Bình hai ki-lô-mét thì xe rẽ phải và dọc theo bờ biển sáu ki-lô-mét nữa là tới Kinh Đảo (Jing Island). Đây vốn là đảo do người Kinh (Jing) định cư từ xa xưa nên có tên gọi như vậy. Kinh Đảo gồm ba đảo chính, nên thường gọi là Tam Đảo. Trải qua năm tháng do hiện tượngbồi tích và nhờ chính quyền cùng nhân dân địa phương đắp đê, làm đường giao thông nối các đảo với đất liền, nên Tam Đảo thành bán đảo. Trong đó Vu Đầu (Wutou) ở phía tây có diện tích nhỏ nhất với hơn năm ki-lô-mét vuông và gần hai ngàn nhân khẩu, người Kinh chiếm chín mươi lăm phần trăm. Lớn hơn là Sơn Tâm (Shanxin) ở phía bắc với diện tích bảy ki-lô-mét vuông và gần hai ngàn nhân khẩu, người Kinh chiếm chín mươi phần trăm. Còn lớn nhất là Vạn Vỹ, được gọi là đảo trung tâm có diện tích gần mười bốn ki-lô-mét vuông với hơn một ngàn ba trăm hộ và hơn năm ngàn nhân khẩu, trong đó người Kinh chiếm bảy mươi phần trăm. Còn nếu đứng ở điểm cuối cùng của phía tây Vạn Vỹ mà nhìn về Quảng Ninh thì chỉ chừng gần chục ki-lô-mét là mũi Gót của bán đảo Trà Cổ.

Chiếc xe chở anh em chúng tôi tiếp tục lăn bánh và ngay sát bờ biển là một khách sạn với cái tên khá mùi mẫn “Kinh Đảo tửu điếm”, rồi trong chốc lát Vạn Vỹ đã hiện ra. Tôi đã đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chưa gặp khu làng Việt cổ như thế này bao giờ, nên đùa với mọi người đây là Vietnam Town cổ xưa nhất. Bước chân vào Vạn Vỹ, ta thấy lối kiến trúc tổng thể ở đây cũng giống như nhiều làng quê cổ khác của người Quảng Tây: Nhà ba hoặc năm gian, gian giữa là bàn thờ gia tiên, bên phải và bên trái là phòng ở, tường gạch to bản màu xám, lợp ngói âm dương. Thông thường mỗi gia đình đều có nhà trên, nhà ngang, nhà bếp, chuồng trại lùi phía sau. Nhưng cách bố trí nhà cửa của người Kinh có khác với người Hoa một chút là nhà nào cũng có sân vườn, giếng nước và chiếc ao nuôi gia súc.

Theo Gia phả của dân địa phương và các thư tịch cổ thì vào thời kỳ Hồng Thuận tam niên (năm 1511) khoảng trên một trăm ngư dân tổng Đồ Sơn, phần lớn là Tô tộc đã “trôi dạt cõi người” bằng bè, mảng theo đường biển tới Tam Đảo. Nơi đây xưa kia là hoang đảo, cha ông họ phải quai đê, lấn biển, chống trọi với mưa gió, bão lụt, bệnh tật, thú dữ và hải tặc... Có được cơ ngơi như ngày nay, họ phải tốn không biết bao mồ hôi và nước mắt, đôi khi còn phải trả bằng máu.

Những năm gần đây, đời sống nhân dân được nâng cao. Một số gia đình có của ăn của để, nên nhiều hộ ở Vạn Vỹ xây nhà mái bằng hai, ba tầng kiểu mới. Còn nếu đi sâu vào trong, len lỏi qua các lùm tre, những chiếc ao nhỏ có ngôi đình làng mang hồn Việt rõ rệt. Trước khi bước vào công trình này là tấm biển với dòng chữ: Trung tâm Văn hoá dân tộc Kinh Trung Quốc và bảng giới thiệu về nguồn gốc ngôi đình bằng tiếng Việt. Phía trước đình là bức tượng nghệ thuật biểu tượng cho Vạn Vỹ: “Người kéo chài với thân hình cường tráng. Đang căng mình trong bão táp phong ba. Lưng tựa vào làng, mắt nhìn đăm đắm. Hướng biển Đông vời vợi phía quê nhà”. Theo người quản lý ở đây cho biết thì ngôi đình này đã có từ xa xưa. Cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, lúc đầu nó chỉ là ngôi nhà nhỏ lợp rạ, vách bằng phên tre, sau đó được sửa chữa nâng cấp nhiều lần. Lần tu tạo gần đây nhất vào năm 1984 do đội thợ từ Việt Nam sang đảm nhiệm. Mấy năm trở lại đây, khi đình Vạn Vỹ được Bộ Văn hóa Trung Quốc công nhận là “di tích lịch sử cấp quốc gia” thì những ngày lễ, tết càng được tổ chức hoành tráng hơn.

Hiện tại Vạn Vỹ có mười hai dòng tộc: Tô, Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Cao, Bùi, Vũ, Lương, Ngô, La, Khổng, Cung. Phần lớn trong đó là họ Tô, Nguyễn, Đỗ và có số nhân khẩu nhiều hơn cả và bề dày lịch sử lâu đời nhất. Chúng tôi có làm quen với ông Tô Minh Phương, lãnh đạo thôn Vạn Vỹ được biết đây cũng là địa phương có thu nhập và đời sống khá nhất tại Tam Đảo. Đơn cử như gia đình ông Tô Xuân Phát, hiện các thành viên gia đình của ông đang tập trung thu mua hải sản, thương mại qua biên, làm dịch vụ du lịch và đánh bắt gần bờ, mỗi tháng có thu nhập khoảng sáu vạn nhân dân tệ. Trải qua một thời gian khá dài kể từ năm 1887 tới nay với tốc độ Hán hóa như vũ bão, người dân nơi đây vẫn còn sử dụng tiếng Việt và lưu giữ được nét văn hoá truyền thống nguồn cội đậm nét như: Tổ chức các lễ hội, tục giỗ chạp, lễ vào làng, lễ cầu ngư, dạy tiếng Việt, hát đúm, truyền bá các tác phẩm văn học cổ... Trong lễ hội thì các nhạc cụ cổ truyền dân tộc được phát huy tác dụng như: Đàn, nhị, sáo trúc, trống, thanh la... và một thứ nhạc cụ độc đáo không thể thiếu được đó là đàn bầu, mà người Hán cho là “độc hữu Kinh tộc”. Người dân nơi đây còn có một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú về tục ngữ ca dao, chuyện cổ tích... cùng với các điệu múa đèn, múa gậy, múa rồng truyền thống của người Đồ Sơn cổ.

Có khá nhiều bài báo, trang mạng viết về người Việt ở Tam Đảo - Giang Bình đều nêu họ lưu lạc từ Đồ Sơn tới Trung Quốc đã năm trăm năm là chưa đúng, mà nói chính xác là vào đầu thế kỷ XVI một số ngư dân từ tổng Đồ Sơn, phần lớn là dân họ Tô đã di cư tới đây lập nghiệp, bảo vệ chủ quyền biển đảo miền đông bắc nước ta. Theo bản đồ Bắc Kỳ năm 1879 thì biên giới Việt Trung là sông Dương Hà. Đến Công ước Constans 1887 được thực hiện giữa Pháp và nhà Thanh nhằm thi hành Điều III của Hòa ước Thiên Tân 1885, mà hai bên đã ký năm 1885. Nội dung của Công ước này nhằm phân chia lại đường biên giới giữa hai quốc gia. Trong quá trình tiến hành, đại diện nhà Thanh là nhà ngoại giao lọc lõi Lý Hồng Chương (1823 - 1901) đã thể hiện dã tâm thâm độc nhằm mở mang bờ cõi xuống phía nam. Gã nói với đô đốc Pháp Rieunier: “Nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa hơn sáu trăm năm nay và việc này là nhờ tôi làm trung gian. Nó đã gây cho tôi khá nhiều phiền phức. Tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng vài vùng đất nhỏ ở miền biên giới là cần thiết”. Chính quyền Pháp muốn Trung Hoa công nhận sự chiếm đóng Bắc Kỳ của mình, nên không gây khó khăn gì trong việc nhân nhượng và thực hiện cắt bảy trăm năm mươi ki-lô-mét vuông đất thuộc tổng Tụ Long, tỉnh Hà Giang cho tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Cắt gần mười xã thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) cho tỉnh Quảng Đông (nay là Quảng Tây) - Trung Quốc. Mũi Bạch Long (Paklung) trên bản đồ 1888 bị cắt cho nhà Thanh và biên giới Việt Trung được tịnh tiến xuống phía nam, lấy sông Ka Long làm mốc...

Trời đã ngả chiều, mùa hạ vùng biên bàng bạc một nỗi buồn nhưng quyến rũ lạ thường, mang tới cho chúng tôi những cảm xúc bất ngờ. Rời Vạn Vỹ trở lại Đông Hưng trong không gian nồng ấm của người dân miền biển cùng huyết thống Tô tộc đã có chiều dài lịch sử nửa thiên niên kỷ mưu sinh và tồn tại. Trong tôi đầy ắp những ký ức đẹp trong chuyến đi này.

       Nhìn lại lịch sử quá trình hình thành của mảnh đất, con người nơi đây và đánh giá công bằng về việc tìm kiếm, khai phá, giữ gìn bản sắc văn hóa nơi đây. Trong tôi bật ra dòng cảm xúc: “Có một Đồ Sơn ở ngoài Đồ Sơn. Trôi dạt cõi người từ năm trăm năm trước. Theo tiếng gọi nhà Vua tới vùng giáp ranh đông bắc. Hay từ trái tim mình đi bảo vệ non sông”. Chính họ là những người lính đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phía đông bắc của Tổ quốc, mà lâu nay lịch sử Việt Nam chưa vinh danh, chưa nhắc tới. Cũng chính họ chứng minh rằng biên giới Việt Trung không phải thực tế như ngày nay.

 

 Hè 2014

Tô Ngọc Thạch