Xuân 1968, Hát giữa thành phố Huế


       Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, động viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên tại Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 1973 (Ảnh TL). 

Được xuống núi phục vụ bộ đội và nhân dân trong dịp tết Mậu Thân năm 1968, Đoàn văn công giải phóng Trị Thiên Huế ai cũng phấn khởi. Như được về quê, mong được gặp người thân, mong hát cho bà con nghe trong những ngày lịch sử. Đoàn trưởng Thế Linh yêu cầu nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh và nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác ngay một số tiết mục mới mang đi. Bài hát “ Quê ta nổi trống trăm vùng” có những câu rất thôi thúc, giục dã như:

Trong tim ta lửa đang nung sôi

 Đêm nay nổi trống trăm vùng

 Theo ta đánh trận cuối cùng…”

          Đoàn được chia làm hai tổ, với hai nhiệm vụ khác nhau: Tổ 1 do Đoàn trưởng Thế Linh phụ trách theo chân một đơn vị xung kích. Khi ta chiếm được đài phát thanh thì có chương trình phát thanh, ca nhạc để phát sóng được ngay. Tổ 2 do nhạc sĩ Thuận Yến phụ trách gồm 7 đồng chí làm nhiệm vụ cơ động phục vụ nhân dân trong thành phố.

          Khoảng một giờ sáng ngày 8 tháng 2 năm 1968, Tổ 2 được giao liên đưa đường về đến Trúc Lâm, huyện Hương Trà. Tuy mệt nhưng không ai ngủ được, cứ thao thức mong trời mau sáng để được nhìn thấy cánh đồng lúa đang thì con gái, những vườn cây trái xum xuê mà cả đêm chỉ hít hương thơm qua mùi gió đã thấy nôn nao mong nhớ. Hôm sau Tổ sang làng An Cựu, An Hoà, lội qua một con sông nhỏ, vượt đường Thống Nhất rồi tập kết tại số nhà 16, phố Hồ Xuân Hương. Hôm trước còn ở rừng, nay trong ngôi biệt thự sang trọng giữa thành phố nên mọi người ngồi đứng ở đâu cái cảm giác là lạ, ngỡ ngàng cứ nhen lên. Buổi biểu diễn đầu tiên của Tổ tại Trường trung học Gia Hội. Chiều hôm ấy trời nắng đẹp, khán gỉa đến mỗi lúc một đông, ngồi trật cả trong nhà, trên hè, đứng chen ngoài sân, nhiều người phải ngó qua cửa sổ. Có lẽ đây là lần đầu tiên bà con được nghe, được xem những bài ca, điệu múa của cách mạng nên lấy làm lạ lắm, không chủ động tiếp súc với ai trong Tổ. Buổi biểu diễn đang lúc hào hứng thì máy bay của địch gầm rít trên bầu trời, tiếng bom nổ ầm vang ở đâu đó. Trong lúc Tổ chờ biểu diễn tiếp, thì một bé gái khoảng 10 tuổi chạy vào chìa ra một lọ thuỷ tinh, lễ phép nói: “Con mời các cô chú văn công giải phóng ăn quả mứt me của má con làm, cho đỡ khát nước”. Đó là thông điệp thân thương đầu tiên của nhân dân thành phố Huế với Đoàn văn công giải phóng, mà ai cũng rơi nước mắt.

      Một buổi biểu diễn của Đoàn tại chiến trường Trị Thiên (Ảnh TL)

          Tin có Đoàn văn công giải phóng về biểu diễn lan nhanh khắp mọi nơi. Nhiều đơn vị cho người tới đón mà phải hẹn đi hẹn lại. Sáng ngày 11 tháng 2, Tổ ra ngoại thành phục vụ vùng Bãi Dâu, buổi chiều lại vượt cầu Đông Ba, qua khu phố 2 Huỳnh Thúc Kháng biểu diễn tại Hội quán Quản trị, người đến xem chật cả hội trường lớn. Khi ca sĩ Hải Hà trình bày xong bài “ Hát bên dòng sông Hương”, có câu:

… vượt mấy dặm đường về bến Văn Lâu

 Trong tiếng reo vui chào Xuân giải phóng…”

 thì mọi người nhất loạt đứng dậy hoan nghênh. Một ông lão bước lên sâu khấu, vừa gỡ chiếc đồng hồ đeo trên tay, ông vừa nói: Đây là tấm lòng của dân, xin bộ đội giải phóng vui lòng nhận cho; khiến Hải Hà bối rối. Ngày 17 tháng 2, địch đã chặn cửa Đông Ba, không cho ta rút quân theo đường về Hương Trà, Tổ 2 được giao liên và khán giả của mình giúp đỡ qua đò Chợ Dinh, về Phú Vang. Sáng 19 tháng 2, tại An Truyền, Tổ lại biểu diễn ở giữa chợ cho hàng ngàn người dân đứng xem. Một cụ già yếu cố len tới chỉ để sờ tay, vuốt má các ca sĩ Kim Yến, Hồng Nhung và Thu Hồng… rồi khen văn công giải phóng đẹp, múa dẻo, hát hay. Ngày 22 tháng 2, Tổ biểu diễn phục vụ thanh niên và sinh viên tại Mỹ Lam, khi chia tay mọi người đều ký lưu niệm vào sổ tay. Một thanh niên tặng Tổ một máy ảnh, anh nói: “Để các anh, các chị giải phóng ghi lại những hình ảnh đẹp và để nhớ chúng em”.

          Trong 25 ngày làm chủ thành phố Huế, hai Tổ của Đoàn văn công giải phóng Trị Thiên Huế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không quản hiểm nguy, phức tạp trong vùng mới giải phóng đã biểu diễn gần hai mươi buổi, phục vụ hàng ngàn người dân thành phố Huế. Những kỷ niệm, tình cảm của nhân dân Huế trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 sẽ còn lại mãi với thời gian.

                                                                                 Tô Kiều

                                                   (Theo Thừa Thiên Huê-Hồi ức chiến trường)