Chuyện tình của nữ quân báo


 

Cựu chiến binh ông Nguyễn Văn Đực và bà Vũ Minh Nghĩa (mặc quân phục) kể lại trận đánh để đời vào ngày giỗ chung mùng 1 Tết 2019 (Ảnh TL)

Hôm ấy, tại ngôi nhà trong hẻm 100/119c, đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Cúc kể lại kỷ niệm với người chồng - liệt sĩ biệt động Tô Hoài Thanh (tức Ba Thanh).

Với tuổi ngoài 80, năm tháng đi qua với những nhớ, quên lẫn lộn, nhưng ký ức về người chồng là liệt sĩ Tô Hoài Thanh (Ba Thanh - Chỉ huy trưởng đơn vị Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập Xuân Mậu Thân 1968) thì bà chẳng thể quên. Bà Cúc ngày đó còn có biệt danh Vũ Thị Thọ làm ở đơn vị Quân báo Sài Gòn - Gia Định.

Bà chậm rãi kể: Cuối năm 1967, tôi lên thăm ông. Ông Thanh nói, ông sắp có chuyến đi công tác. Sống thì lập công to, chết thì hy sinh cho nước. Tôi nói, ông nói chi nói hoài vậy. Tôi đoán ở đơn vị ông đang có dự định cho cuộc chiến, nói ra sợ bị lộ, sợ vợ buồn nên ông chỉ nói vậy. Vợ chồng bên nhau, nắm tay nhau thân thiết, rồi ổng đi. Đầu năm 1968, tôi có chuyện phải lên Sài Gòn. Tôi đi ngang qua Vườn Chuối (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu cắt ngang Cao Thắng), nghe mấy ảnh kể, lúc đó ông Ba Thanh chạy xe ngang thì thấy tôi bước qua. Sợ vợ nhìn thấy chồng mà gọi thì bị lộ nên ổng kéo nón che mặt. Nước mắt ảnh cũng chảy, nhưng tình cảm đành nén lại.

Đêm mùng 1 Tết Mậu Thân – 1958, 16 chiến sĩ Đội 5 biệt động (trong đó có ông Nguyễn Văn Đực và bà Vũ Minh Nghĩa) đi trên 3 ôtô xuất kích từ hầm vũ khí của ông Năm Lai hướng về Dinh Độc Lập. Xe vừa đến cổng Dinh Độc Lập ở đường Nguyễn Du, thì ông Bảy Hôn ngồi trên xe đi tiên phong hai tay dùng 2 súng hạ gục 2 lính gác cổng. Tiếp đó, một chiến sĩ đặt quả nổ phá cổng nhưng… không nổ. Một quả nổ khác được ném vào rồi ôtô tăng tốc húc vào nhưng không phá được cổng.

Lúc này trên nóc Dinh, đối phương bắn đạn xuống như mưa. Ông Ba Thanh, tức Tô Hoài Thanh - Đội trưởng chỉ huy Đội 5 hy sinh. Bốn chiến sĩ biệt động khác lọt được vào Dinh, họ chiếm trận địa bằng B40, nhưng chỉ được khoảng 10 phút sau thì đối phương củng cố lực lượng và phản công lại… Tất cả 7 chiến sĩ hy sinh khi chiến đấu. Lực lượng chi viện không thể vào trung tâm Sài Gòn do đối mặt với đối phương từ vòng ngoài. Đúng 5h30 sáng mùng 2 Tết, 8 chiến sĩ Đội 5 rút vào một cao ốc xây dở ven đường Nguyễn Du. Chỉ có ông Năm Lai, do làm nhiệm vụ chuyển quân, khi quay lại trận địa gặp phải vòng vây, không thể vào trong được.

Rạng sáng mùng 3 Tết, 7 người bám theo đường ống nước đột nhập vào nhà dân, trốn ở căn gác gỗ. Nhưng tất cả sa vào tay địch trong một cuộc lùng sục quy mô lớn.

Khi Hiệp định Paris ký kết, những thành viên Đội 5 được chuyển về các nhà tù ở Sài Gòn để chuẩn bị trao trả. Riêng ông Bảy Hôn tổ chức cuộc vượt ngục vào cuối năm 1973 ở nhà lao Hố Nai, Biên Hòa, số còn lại cũng được trao trả vào năm 1974.

Những ngày sau đó Bà Vũ Thị Cúc không có tin tức chi. Nhiều hôm nóng ruột, bà đi từ Bình Dương qua cầu Kinh Thanh Đa đến chỗ ổng hy sinh nhưng cũng không biết luôn. Năm 1973, trao trả tù binh mới biết tin ông mất. Tin này do anh Chín Rõ biệt danh Chính Nghĩa làm y tá trong trận Tổng tiến công cho hay: “Anh Ba Thanh hy sinh trên tay em. Đến phút cuối cùng anh còn phân công chiến đấu”!

Chị Tô Mai Hương là con gái duy nhất của bà Vũ Thị Cúc và liệt sĩ Tô Hoài Thanh. Nghe má kể chuyện ba hy sinh mà chị rơi nước mắt. Chị chào đời được hai tháng thì cũng xa ba, rồi xa mẹ. Chị được gửi nhà bà con ở Bình Dương. Ký ức của chị về ba chỉ được nghe qua lời kể của má. Ngày ba hy sinh chị mới lên sáu tuổi. Ngày đó, các gia đình có chồng, vợ hoạt động hầu như đều phải ly tán. Chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái gửi nhờ người thân nuôi.

Chị Tô Thị Mai Hương - con gái liệt sĩ Tô Hoài Thanh (ngoài cùng bên phải) xúc động khi nghe kể về giây phút cha minh hy sinh (Ảnh TL)

Trở lại quá khứ hơn năm mươi năm trước, bà Vũ Thị Cúc làm ở đơn vị Quân báo, ông Ba Thanh làm biệt động Sài Gòn, tôi thắc mắc tại sao lại quen nhau. Bà Cúc chỉ cười: “Hồi đó thấy tui chưa chồng còn ảnh thì cũng chưa vợ. Đơn vị “gài” tôi lên tập huấn. Anh Bảy Lớp (Nguyễn Văn Lém), anh Hồng Tươi, anh Hồng Khô... có ý định vun vén cho hai người. Tập huấn một tuần, anh Thanh hỏi ý kiến tôi có ưng ảnh không? Tôi trả lời dứt khoát là không. Tuy vậy, mình về đơn vị cũng nghĩ nhiều nhiều về chuyện đó. Ba bốn tháng sau anh viết thư xuống. Các anh chỉ huy đơn vị cũng thúc giục tôi. Tôi cũng định viết thư lại nhưng không biết viết sao. Cứ chần chừ lại thôi.

Hai tháng sau khi nhận thư, anh Bảy Châu thông báo với tôi, anh Ba Thanh sẽ cưới chị đó. Tôi mắc cỡ lắm. Nói chi, cưới thì cưới. Nói vậy rồi anh em cũng tổ chức đàng hoàng. Đám cưới tổ chức tại Củ Chi, cũng có tiền mừng, có hoa. Vợ chồng lấy nhau chưa quen hơi thì anh về đơn vị của ảnh, tôi về đơn vị mình”.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo lời kể lại của đồng đội, bà đã tìm được hài cốt của ông và đưa về nghĩa trang.

          Ngày 30 tháng 3 năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng Lễ truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Tô Hoài Thanh.

Sau 45 năm kể từ ngày ông Ba Thanh mất, bà kể lại câu chuyện của mình trong ngôi nhà nhỏ. Sự yên tĩnh của căn nhà như đang giữ lại kỷ niệm của một mối tình thời oanh liệt xưa.

                                                             Ngữ Kiều