TRANG NGHIÊM LỄ DÂNG HƯƠNG KỶ NIỆM 843 NĂM HÚY NHẬT DANH NHÂN TÔ HIẾN THÀNH (12/6 KỶ HỢI, NĂM 1179 – 12/6 NHÂM DẦN, NĂM 2022)


         Dòng Họ Tô Việt Nam dâng chúc văn chầu Tổ

          Ngày 12/6 năm Nhâm Dần (tức ngày 10/7/2022), tại Đền Văn Hiến, xã Hạ Mộ, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  (MTTQ) xã Hạ Mỗ và Hội đồng Họ Tô Việt Nam đồng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 843 năm húy nhật Danh nhân Tô Hiến Thành (12/6 Kỷ Hợi, năm 1179 – 12/6 Nhâm Dần, năm 2022).

       Ông Tô Lâm (bên phải, hàng trái) cùng lãnh đạo xã Hạ Mỗ và Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam dâng hương Đền Văn Hiến ngày 9/7/2022

          Về dự có bà Phạm Thị Kim Oanh – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng; ông Nguyễn Hữu Mạnh – Bí thư Đảng ủy xã Hạ Mỗ; ông Lê Hữu Công – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; ông Bùi Tất Thêm – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ; ông Tô Quang Mậu – Phó chủ tịch Thường trực và ông Tô Văn Thặm – Phó chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trong huyện, lãnh đạo 16 xã, thị trấn của huyện Đan Phượng, các chi Họ Tô ở Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh… cùng đông đảo các thày cô giáo, Ban Quản lý di tích, nhân dân xã Hạ Mỗ và khách thập phương.

          Sau khi Ban Chấp sự của làng Hạ Mỗ đại tế, Lễ dâng hương diễn ra với gần 100 tổ chức, dòng họ, tập thể, gia đình và cá nhân với những nén hương thơm, lẵng hoa tươi cùng lòng thành kính dâng lên Danh nhân Tô Hiến Thành - vị đại thần nổi tiếng dưới triều Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài được ghi chép trong sử sách, truyền thuyết và thần tích.Sau khi mất, Tô Hiến Thành được các triều đại sắc phong và ông được nhiều làng thờ làm phúc thần, thành hoàng làng. Tương truyền, cả nước có khoảng 200 đình, đền thờ Tô Hiến Thành. Trong đó có Đền Văn Hiến tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

          Tiếp theo Hội đồng Họ Tô Việt Nam cùng bà con dòng Họ Tô dâng văn chầu Tổ. Dưới sự chủ sự của ông Tô Văn Thặm, con cháu Tô tộc quỳ trước hương án, lính cẩn dâng lễ lên bậc cao Tổ, với lời chúc văn thành kính:

    NHỚ LINH XƯA

          Núi non sừng sững công cha, sông nước dạt dào nghĩa mẹ

              Nào kình nghê, hổ báo, bệnh tật, bão dông không cản bước anh hùng cái thế

              Đất Ô Diên địa linh nhân kiệt còn lưu danh muôn thủa một thành Hoàng

             Tô Thái Sư phát tích nhi Kim

             Văn Hiến Đường Người là Thần Chủ…

              CHÚNG CON NAY

              Nâng bát cơm ăn nhờ oai linh Thần Tổ

              Rót chén rượu uống phải nhớ về cội rễ

              Hơn bốn trăm chi họ một gốc sinh ra nở cành xanh ngọn

              Một cội, một nguồn trăm ngả về đây, trăm anh em nghìn cháu chắt một nhà hội ngộ yêu thương nhau như anh em ruột thịt

              Nguồn gốc tứ phương không phân biệt mà yêu thương gắn bó

             Có gì chưa rõ xin Người đại xá dẫn lối đưa đường cho con cháu hướng về nguồn cội.

          Buổi lễ dâng hương kỷ niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm và lòng thành kính của các con cháu thế hệ mới, thế hệ xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên như Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo đã viết: “Mặc dù đã cách ngày nay hơn 800 năm lịch sử, nhưng những gì mà Danh nhân Tô Hiến Thành đóng góp cho lịch sử quốc gia và quan trọng hơn bài học nhân cách về làm người, làm tôi trung với nước của ông vẫn còn nguyên giá trị. Các di tích, truyền thuyết, lễ hội về ông vẫn sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, và quan trọng hơn, việc nhận diện không gian văn hóa có liên quan đến Thái úy Tô Hiến Thành càng chứng minh sức mạnh, sức lan tỏa của ông trong lịch sử quốc gia, dân tộc”.

        Tháng 10 năm 1991 Đền Văn Hiến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Đền, được sự đồng thuận của UBND huyện Đan Phượng và Sở Văn Hóa, Thể thao Thành phố Hà Nội, UBND xã Hạ Mỗ đã lập Đơn đề nghị xếp hạng Đền Văn Hiến là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tại buổi Lễ Ban Quản lý Di tích kêu gọi toàn thể nhân dân và quý khách thập phương gia tâm công đức, ủng hộ việc dịch thuật, hiệu đính và xuất bản Bộ sách Cổ kim truyền lục đang lưu giữ tại Đền hàng trăm năm nay.

        Hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi, Hội đồng Họ Tô Việt Nam công đức 10 triệu đồng; anh Tô Vĩnh Diện (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) công đức 50 triệu đồng; ông Bùi Tất Thêm (Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) công đức 2 triệu đồng; anh Nguyễn Văn Trường (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) công đức 2 triệu đồng; anh Lê Văn Tĩnh (Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) công đức 2 triệu đồng… Rất nhiều người hảo tâm công đức từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng. Tổng số tiền ngay sau buổi Lễ ước khoảng 100 triệu đồng và thời gian công đức vẫn còn đang tiếp tục.

Buổi Lễ dâng hương kỷ niệm 843 năm húy nhật Danh nhân Tô Hiến Thành đã thành công tốt đẹp.

         Ban Tổ chức Lễ dâng hương và các đại biểu

          Đoàn Họ Tô tỉnh Thanh Hóa trước tượng Tô Hiến Thành

           Đoàn Họ Tô tỉnh Phú Thọ trước tượng Tô Hiến Thành

           Đoàn Họ Tô Thành phố Hà Nội tại buổi Lễ

          Những người hảo tâm công đức đầu tiên

                     Bài và ảnh:Tô Kiều Thẩm