Chúng tôi phục vụ Lễ tang Bác Hồ


                         Đoàn nghi lễ trong một buổi đón khách quốc tế (Ảnh TL)

Bây giờ thì Trung tá Phạm Duyên đã thành người thiên cổ, sinh thời ông có 36 năm phục vụ trong Đoàn Nghi lễ quân đội, Bộ Tổng Tham mưu; nghỉ hưu năm 1990, ông lại là Đoàn trưởng Đoàn nghệ thuật, Nhà văn hóa Hội  Cựu chiến binh (CCB) thành phố Hà Nội, ông thường tự hào kể:

          Từ cuối tháng 8 năm 1969, trời mưa liên tục, nước sông Hồng lên cao, quân và dân thủ đô Hà Nội vừa sẵn sàng chiến đấu với máy bay Mỹ vào ném bom vừa dàn thế trận phòng chống lụt bão từng ngày, căng thẳng lắm. Đoàn Nghi lễ thời gian này có 4 đội, đang sơ tán ở bốn xã Đông Mỹ, Thanh Liệt, Đại Từ và Hoàng Liệt huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai), Hà Nội. Chúng tôi nghe đài thông báo về tình hình sức khoẻ của Bác Hồ rất yếu thì ai cũng bắt đầu lo lắng. Đến ngày 1 tháng 9, Đội 2 được vào Quảng trường Ba Đình phục vụ Lễ kỷ niệm 24 năm ngày Quốc khánh (2-9-1945 – 20-9-1969) trở về nói không thấy Bác trên lễ đài thì cả đơn vị ăn ngủ không yên, có người cứ lảng ra ngồi lặng lẽ một mình. Sang cuối ngày mồng 2, chúng tôi được quán triệt sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặc biệt số 1 là phục vụ lễ tang Hồ Chủ tịch, hạn chế ra ngoài doanh trại, tập trung làm công tác chuẩn bị thì ai cũng khóc. Không khí đau buồn lan đến từng gia đình chúng tôi đóng quân. Ngày mồng 3, Đội 1 và Đội 3 được lệnh tổ chức thu thanh bài “Quốc tế ca” và bài “Hồn tử sĩ” để phục vụ cho các buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đơn vị chọn lựa những nhạc công có chuyên môn giỏi, bản lĩnh chính trị và phẩm chất tốt để thành lập 4 đội mới, mỗi đội 36 người. Tôi được biên chế vào Đội 1. Sáng ngày mồng 4, chúng tôi chuyển vào tạm trú tại Bộ Tư lệnh Thủ đô (số 33 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm) để làm nhiệm vụ. Khi xe từ từ chuyển bánh, một cụ ông người thôn Bằng A chạy theo vừa khóc vừa vái gọi: “Bác Hồ mất rồi, trời cũng thương khóc mà mưa, các chú được về tiễn Bác, cũng là thay mặt bà con dân làng, hãy làm cho tốt để thỏa vong linh Bác, dân làng chúng tôi xin mang ơn các chú ”...

            Sáng ngày mồng 5, chúng tôi được lệnh mang mặc đại lễ, cài băng tang trên ngực, tập trung lên Hội trường Ba Đình để tập thực địa. Quang cảnh quảng trường Ba Đình khi ấy thật trầm mặc và uy nghiêm. Một bức chân dung Bác Hồ cỡ lớn gắn đèn màu rực hồng được đặt đúng chỗ Bác vẫn thường đứng vẫy đồng bào trong những ngày lễ tết. Phía trên là hai lá Quốc kỳ và Đảng kỳ mang dải băng đen dài uốn lượn trong gió. Phía trước, một chiếc lư đồng cỡ đại nghi ngút khói sương. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi không cầm nổi nước mắt, có người rên lên thành tiếng. Từ đêm hôm ấy, 120 chiến sĩ danh dự của Đoàn Nghi lễ quân đội cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và thành phố Hà Nội thay nhau túc trực bên linh cữu Bác. Chúng tôi thao thức, bồi hồi nhớ những lần gặp Bác, được Bác dặn dò hoặc cho quà bánh. Ai cũng tranh thủ luyện tập từng động tác để phục vụ lễ tang, ai cũng quyết tâm không để sai sót điều gì, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

          Ngày mồng 6 tháng 9, ngày mở đầu tuần tang và Lễ viếng Bác được tiến hành. Theo mệnh lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Đội 1 của tôi được làm nhiệm vụ đầu tiên. Chúng tôi đứng thành một khối ở giữa Hội trường cách linh cữu Bác Hồ khoảng 4 mét, người cách nhau 0,40 mét, hàng cách hàng 1 mét. Khói hương trầm vờn bay thơm ngát, Bác nằm thanh thản trong linh cữu bằng kính pha lê dày trong suốt, dưới chân là đôi dép cao su đã đi vào huyền thoại. Những vòng hoa lớn được xếp gọn hai bên. Thế rồi, ngày qua ngày, đêm qua đêm, bốn đội chúng tôi thay nhau tấu nhạc. Nhạc “Hồn tử sĩ” cất lên như khóc, như than, ai oán và tiếc thương. Nhạc “Lãnh tụ ca” trầm hùng xen với điệu trống tang luôn luôn điểm nhịp, không một giây ngừng nghỉ. Từng đoàn, từng đoàn cỏn bộ, chiến sĩ, nhân dân khắp nơi, bạn bè quốc tế hàng ngũ chỉnh tề lần lượt vào viếng Bác. Những khách quốc tế, người nước ngoài thường lịch lãm và lặng lẽ nhưng với bà con ta thì khóc gọi từ bên ngoài. Nhiều người chợt thấy Bác đã ngã xuống vật vã hay ngất lịm. Những lần như thế, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội liền tới gần, an ủi rồi cho người đỡ ra nơi yên tĩnh. Nhưng nhiều lần như thế, ông cùng chúng tôi cũng òa khóc, nước mắt tràn vào môi mặn chát, tiếng kèn tiếng sáo như tha thiết hơn.

            Ngày 9 tháng 9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đau thương đưa tiễn Bác về cõi vĩnh hằng bằng Lễ truy điệu trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Một đội hình lớn của Đoàn Nghi lễ chúng tôi đứng trước lễ đài tấu nhạc hoà nhịp cùng 21 phát đại bác ầm vang. Trời hôm ấy mưa tầm tã, nước mắt lẫn trong nước mưa, tiếng khóc lẫn trong tiếng mưa. Đất trời và lòng người như cùng đau thương vô hạn. Bốn mươi hai năm đã trôi qua, những ngày được phục vụ lễ tang Bác Hồ tôi vẫn cảm thấy như vừa mới hôm qua và tự hào kể lại cho con cháu, người thân. Một kỷ niệm cũng là một vinh dự không thể nào quên của đời tôi.

                                                    Mùa thu 2009

                                                      Tô An Huy