Nhà máy điện rác thứ hai của Hà Nội bắt đầu xây dựng


Nhà máy điện rác Seraphin vừa khởi công tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội sẽ có công suất xử lý rác 2.000 tấn/ngày đêm. Theo lãnh đạo thành phố (TP) Hà Nội, đây là một trong những dự án góp phần hiện đại hóa công tác xử lý rác thải, giảm tỷ lệ chôn lấp.

Dự án điện rác thứ hai của Hà Nội do Tập đoàn AMACCAO xây dựng tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ lò ghi cơ học vừa đốt rác, vừa phát điện do chính doanh nghiệp Việt đầu tư. Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nhà máy điện rác Seraphin có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, tương đương khoảng 1.800 tấn rác tươi. Với công suất này, nhà máy sẽ góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp rác của Hà Nội từ 100% hiện nay xuống 3% trong tương lai.

“Seraphin khi đưa vào vận hành cơ bản sẽ xử lý rác trên địa bàn thành phố theo hướng đốt rác phát điện thay cho chôn lấp, coi chất thải là tài nguyên, vì một thành phố xanh sạch đẹp hơn”, ông Nguyễn Trọng Đông phát biểu.

Đại diện Tập đoàn AMACCAO, ông Tô Văn Nhật - Phó Chủ tịch Tập đoàn nhấn mạnh, doanh nghiệp này đã tìm ra được loại hình nhà máy và công nghệ phù hợp đối với việc xử lý rác thải sinh hoạt của Hà Nội. Đó là xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp bằng phương pháp đốt phát điện với công nghệ lò ghi cơ học xuất xứ từ châu Âu, nhưng đã được các tập đoàn Châu Á cải tiến 30 năm nay cho phù hợp với rác thải châu Á (rác không phân loại, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp).

Công nghệ đã được 564 nhà máy đang vận hành thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan, Srilanka, Bangladesh, Ấn Độ, các nước Ả Rập… là những khu vực có tính chất rác thải sinh hoạt tương đồng với chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam.

Thông tin thêm về dự án, lãnh đạo AMACCAO cho biết, nhà máy điện rác Seraphin sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu để đốt rác tận thu nhiệt phát điện với chỉ tiêu khí thải, khói thải sau đốt đạt tiêu chuẩn khí thải EU 2010/75/EC an toàn; chỉ tiêu nước thải xử lý đạt cột A 2014/BTNMT được tuần hoàn và tận thu, không thải ra ngoài nhà máy; không phát tán bụi, tiếng ồn, mùi… ra môi trường bên ngoài.

"Tiêu chuẩn này sẽ được gửi trực tuyến theo thời gian thực đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và chúng tôi sẽ đặt bảng hiển thị công khai tại cổng nhà máy để cơ quan chính quyền và nhân dân địa phương cùng giám sát", ông Tô Văn Nhật khẳng định.

Ngoài ra, để xây dựng nhà máy điện rác Seraphin, AMACCAO sử dụng 100% vốn đầu tư xã hội hoá, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ông Nhật cũng cho biết, hiện nay, đa số các dự án về điện rác tại Việt Nam do các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài là nhà đầu tư hoặc tổng thầu có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài hoặc vốn vay ODA. Một số dự án do các doanh nghiệp Việt Nam trước đây thực hiện vì chưa khảo sát, nghiên cứu kỹ về công nghệ, vì điều kiện kinh tế hay vì những lý do khác nên vẫn còn nhỏ lẻ, công nghệ không phù hợp, xử lý không triệt để.

Tập đoàn AMACCAO cam kết dự án sẽ được đảm bảo tiến độ. Đại diện chủ đầu tư cũng thông báo đã ký xong hợp đồng mua sắm thiết bị, sau khởi công sẽ thi công khẩn trương phần vỏ và thân nhà máy tại hiện trường. Sau 20 tháng triển khai, nhà máy Seraphin sẽ đi vào vận hành.

Tập đoàn AMACCAO tiền thân là Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Hiện tại, AMACCAO có 5 cụm công nghiệp, 16 nhà máy được đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu và 22 Công ty thành viên.

               Thu Thảo  (Điện rác Hà Nội 31/3/2022)