Ngày về tiếp quản Thủ đô


Bác sỹ Trần Duy Hưng (đứng), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954 (Ảnh TL)

          Nhà báo Ngô Thi, sinh năm 1928, tại Hà Tĩnh, năm 1946 ông làm Thư ký văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến Nghệ An. Sau đó ông ra công tác tại cơ quan Bộ Công an và công an Hà Nội. Đầu năm 1954 ông là cán bộ Ban Tuyên giáo, sở Văn hoá Hà Nội, rồi chuyển sang làm phó phòng thư ký biên tập báo Nhân dân. Nghỉ hưu năm 1993 ông tiếp tục tham gia cấp uỷ chi bộ đường phố, vẫn thường xuyên viết báo và vừa xuất bản hai tập thơ “Hương quê” và “Bút chẳng tà” để ca ngợi Thủ đô và tặng bạn hữu.

         Mùa thu năm ấy, chúng tôi về thăm ông trong con ngõ nhỏ của phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội yên tĩnh, râm mát và rập rờn hoa nắng. Trong phòng khách giản dị, khi hỏi về ngày giải phóng Thủ đô, ông như trẻ lại, sôi nổi và hào hứng:

         Những ngày đầu tháng 10 năm 1954, Thủ đô vẫn nằm trong sự chiếm đóng của quân Pháp nhưng chúng đã co cụm lại, ta cũng làm chủ một số làng xã ngoại thành. Cơ quan Thành uỷ chuyển từ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên qua sông Hồng sang huyện Thường Tín. Về tiếp quản Thủ đô, Ban Tuyên giáo sở Văn hoá thành phố chia làm 5 tổ, tôi làm Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền xung phong gồm hơn hai chục người được lên đường trước một ngày. Đêm mồng 9 tháng 10, trời mờ mịt hơi sương, xóm làng yên tĩnh, ai cũng rùng mình vì lạnh, Tổ Tuyên truyền chúng tôi đóng giả làm dân tản cư gồng gánh tài liệu, loa đài giấu lẫn trong quần áo, gạo muối chia làm nhiều nhóm từ làng Cố Chế hành quân vào nội thành. Đúng kế hoạch, 5 giờ sáng đã có hai thanh niên là người của cơ sở và một chiếc xe con sơn đen có sẵn loa phóng thanh và các thiết bị tuyên truyền chờ chúng tôi tại phố Cổ Ngư gần hồ Trúc Bạch. Đó là một buổi sáng giao thời lịch sử, quân Pháp đang chuẩn bị rút đi, đại quân ta sắp trở về, một nền hoà bình đang đến với Thủ đô. Hồi hộp lắm. Chiếc xe tuyên truyền chạy chậm, quanh co qua những con phố, chúng tôi gọi loa truyền đi những: “Nhật lệnh”, “ Tám chính sách của Chính phủ đối với các thành phố mới giải phóng” và “ Mười điều kỷ luật tiếp quản Thủ đô”. Bà con đi đường dừng lại, nhiều người từ trong nhà bật cửa chạy ra, phút chốc từng đoạn đường chật người, ai cũng phấp phỏng mừng vui, có người bật khóc khi nghe tin bộ đội sắp trở về.

         Cũng đêm 9 tháng 10, cả Hà Nội thức như thức trắng. Công nhân nhà máy điện, nhà máy nước thay nhau túc trực đấu tranh không cho địch phá hoại hoặc tháo máy móc chuyển đi. Các chị lao công cần mẫn thu dọn cho đường phố được sạch đẹp hơn. Trên những căn gác, nhất là ở phố Đồng Xuân, Tràng Tiền tiếng máy may đổ dồn, rộn rã may cờ đỏ sao vàng và băng rôn biểu ngữ. Trong các con hẻm, đình chùa từng tốp thanh niên miệt mài tập múa, ca hát các bài ca cách mạng. Dưới ánh đèn đường, từng phố bắt đầu dựng cổng chào đón quân ta. Mỗi Hàng phố làm cổng chào theo một nét riêng; Cổng chào phố Hàng Thiếc làm bằng tôn gò vững chắc, cổng chào phố Hàng Bông trang trí bằng bông trắng muốt phập phồng trong gió, cổng chào phố Hàng Đào làm bằng gấm và lụa đỏ như một bông hoa không lồ, cổng chào phố Hàng Nón treo hai chiếc đèn lồng đung đưa mờ ảo, cổng chào phố Hàng Khay cao 7 mét mô phỏng cổng thành Hà Nội… tất cả đều mang dòng chữ: Việt Nam Độc lập Thống nhất Dân chủ muôn năm. Vào lúc 5 giờ 45 phút, ngày 9 tháng 10, các sĩ quan liên lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam lịch thiệp và cương quyết gặp đại diện Liên hiệp Pháp để tiến hành nhận bàn giao. 8 giờ 15, ta tiếp quản ga Hàng Cỏ, 9 gìơ 15 tiếp quản Phủ toàn quyền, 11 giờ 30 vào Thành nội…

         Đúng 8 giờ 30 phút ngày 10 tháng 10, quân ta từ các cửa ô tiến vào nội thành. Cả hàng quân trùng trùng đội mũ nan trùm vải và phủ lưới, có anh buộc thêm vải ngụy trang, chân đi dép cao su hoặc giày vải. Trên vai khoác ba lô có chăn chiên và chiếc ca uống nước cùng vũ khí, cuốc xẻng. Nhiều tổ mang đại liên, ba-dô-ca hoặc cứ hai anh bộ đội khiêng một bộ phận vũ khí  như pháo cối được buộc vào đòn tre dài. Ai cũng tươi vui hớn hở. Cánh quân thứ nhất từ Ô Cầu Dền đến chợ Hôm, lên Bờ Hồ, qua chợ Đồng Xuân rồi vào tập kết trong Thành. Cánh quân thứ hai từ Ô Cầu Giấy, qua Cửa Nam, tập kết tại Bờ Hồ trước khi về sân Cột Cờ dự lễ chào cờ mừng chiến thắng. Hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và các vùng phụ cận ăn vận đẹp, mang cờ hoa đứng dọc hai bên hè phố. Đoàn quân đi tới đâu, tiếng hò reo như sấm dậy và vẫy hoa tươi tới đó. Mỗi đường phố là một rừng hoa, cả Hà Nội là một ngày hội lớn. Nhiều người mang hoa chạy ra đường trao tận tay bộ đội. Những nụ cười tươi, ánh mắt mừng, bàn tay vẫy và giọt nước mắt lăn dài trên má mừng ngày trở về. Cả đường phố ngất ngây xúc động trong niềm vui lớn.

         15 giờ chiều hôm ấy, Lễ chào cờ lịch sử được tiến hành tại sân Cột Cờ. Khi lá cờ Tổ quốc kéo lên đỉnh Cột cờ Hà Nội thì còi Nhà hát lớn nổi một hồi dài. Cả nước hướng về Thủ đô. Chúng tôi cũng rưng rưng xúc động, vừa thấy vinh tự tự hào vừa nhớ những đồng đội đã hy sinh trong chín năm dài kháng chiến gian khổ.

           Gần 60 năm đã trôi qua, tôi luôn nhớ và tự hào về ngày ấy. Ngày hội lớn của Thủ đô.

                      Đoàn bộ binh hành quân trên phố Hàng Gai (Ảnh TL)

                    Những người lính trẻ được người dân Hà Nội hân hoan chào đón trên đường Đinh Tiên Hoàng (Ảnh TL)

                     Đoàn văn công Hà Nội (trưởng đoàn Hoàng Cầm) trên đường phố Huế, (Ảnh TL)

                                   Nhân dân Thủ đô vui mừng đón Đoàn quân Giải phóng (Ảnh TL)

                         Thiếu nhi Hà Nội vui mừng đón chào Đoàn giải phóng quân (Ảnh TL)

                                                                  Tô An Huy