Bỏ giá trị chạy theo giá cả, háo danh thay chính danh khiến nhiều người phạm tội


                  ĐB Tô Văn Tám

          Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 8/11 về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

          Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá số tội phạm có xu hướng giảm nhưng tội phạm có tính chất nguy hiểm, tinh vi, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm gây bức xúc (giết người, xâm hại trẻ em, buôn bán người, tham nhũng) vẫn có xu hướng gia tăng.

          Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn hay thù tức cá nhân. ĐB Tô Văn Tám phân tích: "Ở đây, cái tôi tiêu cực trong bản thân họ quá lớn, đã lệch chuẩn về nhận chân giá trị. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến một bộ phận mà theo đó bỏ giá trị, chạy theo giá cả, háo danh thay cho chính danh, lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, hệ lụy của lối sống buông thả, ma túy, cờ bạc đỏ đen...".

          Ông cho rằng cần phát hiện sớm và hóa giải những mâu thuẫn mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài, phát hiện, ngăn chặn và loại trừ các điều kiện, nguyên nhân phát sinh tội phạm ngay tại cơ sở. 

          Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB tỉnh Kon Tum cũng nhìn nhận tội phạm chống người thi hành công vụ, chống lực lượng công an tuy có giảm về số lượng nhưng hành vi của các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí. Thời gian qua, đã có 31 chiến sĩ hy sinh và gần 750 chiến sĩ bị thương, bởi vậy cần có cơ chế bảo vệ các lực lượng thi hành công vụ.

          Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh, tăng 143,98% số vụ, với tính chất phức tạp, nhiều thủ đoạn mới và tinh vi. Đối tượng phạm tội là những người có kiến thức và đam mê công nghệ, thông tin, họ liên kết và thông qua các diễn đàn trên mạng Internet để chia sẻ công cụ, phương thức phạm tội, vì vậy thủ đoạn rất tinh vi.

          Cũng nói về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, trong số nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt thì một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng. Đó là nhóm các loại tội phạm về trật tự xã hội liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội.

          Bà dẫn chứng, tội cưỡng dâm người từ 13-16 tuổi tăng cả số vụ và số đối tượng; tội dâm ô với người 16 tuổi cũng tăng cả số vụ và số đối tượng; tội giết người, tội giết người thân, mua bán người cũng tăng cả số vụ và số đối tượng.

                     ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

          Đặc biệt, nữ ĐB nhấn mạnh, là trong số các vụ mua bán người không hiếm những vụ mua bán trẻ em mà người thực hiện hành vi bán trẻ em lại chính là các bậc cha mẹ của các em.

          "Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối, khi tính mạng của con người bị coi thường, khi nhân phẩm của con người bị chà đạp, khi con người bị một số đối tượng hám lợi trước mắt, bất chấp quy định và đạo đức mua đi, bán lại như một món hàng thì hệ lụy khủng khiếp của nó không chỉ nằm ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế, về tính mạng con người mà còn là những tác động vô cùng xấu tới đạo đức và tâm lý xã hội", nữ ĐB nói.

          ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đặt vấn đề, lực lượng công an phải đảm nhiệm rất nhiều việc, trong đó có những việc phục vụ những lễ hội rất lớn. Ông nói về lễ khai ấn Đền Trần của địa phương cho biết tình trạng chen lấn, trèo qua hàng rào để xin ấn.

          ĐB cũng dẫn chứng vụ việc giẫm đạp ở Itaewon tại Seoul (Hàn Quốc) mới xảy ra khi Chính phủ Hàn Quốc đang rà soát lại xem khả năng và năng lực đáp ứng của lực lượng cảnh sát như thế nào. Từ đó, ĐB đề nghị Việt Nam cũng phải xem xét, rà soát lại năng lực của lực lượng cảnh sát khi ứng phó với những lễ hội tập trung đông người, những khu vực này phải leo lên núi dốc đứng rất nguy hiểm...

    ĐB Nguyễn Hải Dũng

          Nhắc đến những vụ cháy quán karaoke với hậu quả rất thảm thương, nhiều người chết, hiện nay nhiều địa phương đã đình chỉ hoạt động các quán karaoke, ông Dũng cho rằng đây là sự cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân.

          Nhưng theo ông các cơ sở tập trung đông người thì không chỉ có quán karaoke mà còn rất nhiều cơ sở khác như siêu thị, nhà hàng, khách sạn... ĐB Dũng cho rằng nên rà soát tổng thể xem những cơ sở này có đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy hay không.

                     Trần Thường (Vietnamnet)