Họ Tô thăm chùa thanh tước


Lời Ban Biên tập: Ngày18 tháng 6 năm 2017 (tức ngày 24 tháng 5 năm Đinh Dậu) tại Đền Văn Hiến thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội - nơi thờ Đức Tô Hiến Thành; với sự có mặt đông đủ của Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam dưới sự dẫn đầu của ông Tô Đa Mạn, Trưởng Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam có lễ vật dâng lên ban thờ Tổ họ Nguyễn Trí xã Hạ Mỗ để báo cáo các cụ, các ông, các bà trong họ Nguyễn Trí cho phép từ giờ phút này, Họ Tô Việt Nam được nhận họ Nguyễn Trí xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội là họ ngoại.

Nhân dịp Lễ nhận họ ngoại của Đức Tô, Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam trân trọng giới thiệu một số bài viết liên quan đến Thiền sư Nguyễn Trí Bảo - là em (hoặc là anh) của cụ Nguyễn Thị Đoan, thân mẫu của Đức Tô Hiến Thành.

 

THĂM CHÙA THANH TƯỚC(1)NHỚ THIỀN SƯ NGUYỄN CHÍ BẢO

 

Thôn Thanh Tước thuộc xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, vốn xưa thuộc tổng Thanh Lâm, phủ Yên lãng, tỉnh Phúc Yên. Sau này, Thanh Tước cùng các thôn Lâm Hộ, Thanh Vân và Yên Vinh nhập làm thành xã Liên Minh, thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, năm 1960 đổi làm xã Thanh Lâm thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Thanh Tước xưa kia là rừng cây âm u, đã từng là căn cứ của các cuộc khởi nghĩa và các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử?

Đồi Thanh Tước ngày nay trở thành đồi cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đường lên đỉnh đồi, nhân dân xây 79 bậc đá, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.

Trở lại nơi đây, hơn tám trăm năm về trước, tại chùa Thanh Tước có nhà sư trụ trì và trờ thành một Thiền sư, một nhà lý luận xuất sắc của đạo Thiền "nói ngang, nói dọc như lửa tóe trong đá". Ông đứng vào thế hệ thứ mười, dòng Thiền Quan Bích. Đó là Thiền sư Nguyễn Chí Bảo(2).

Theo Thiền uyển tập anh, lúc mới theo đạo Phật, Chí Bảo tu thiền 16 năm ở chùa Thanh Tước, hết sức trì giới khổ hạnh, nhưng vẫn không hiểu được những nguyên lý giản dị mà sâu xa của Thiền học. Một hôm, một thầy tăng ghé lại chùa, đem vấn đề sống và chết hỏi thử, ông không trả lời được. Thầy tăng bèn cười: "Chùa đẹp mà không có Phật" rồi ra đi. Chí Bảo cả thẹn, bèn đánh đường tìm đến sư Đạo Huệ(3) để học hỏi.

Sau khi được Đạo Huệ giảng giải cho những vấn đề then chốt trong triết học Thiền Tông, như vấn đề sống chết, ông chủ động rút ra câu thơ với tiêu đề: "Tạ Đạo Huệ Thiền sư". Được dịch nghĩa như sau:

          Cảm tạ Thiền sư Đạo Huệ

          Không nhờ gió cuốn sạch mây mờ,

          Sao thấy trời xanh muôn dặm thu?

          Quen biết khắp gầm trời

          Tri âm nào nào mấy ai?

Sau lần cảm tạ Thiền sư Đạo Huệ. ông đã từng đi giảng giải cho Phật tử trong vùng.

Có lần, trả lời người hỏi về hai chữ "tri túc"(4), ông nói: "Phù xuất gia tại gia, chỉ ư tri túc. Nhược năng tri túc, ngoại bất xâm nhân, nội võ tổn ngã. Thảo diệp vi tế, bỉ sợ bất dữ, ngã bất đương thủ. Huống tha vật thuốc tha, khởi tha vật tưởng, chung bất ư thử nhi sinh đạo tâm. Nãi chí tha thế thiếp, khởi tha thê thiếp tưởng, diệc bất ư thử nhi sinh dâm tâm. Chư nhân thính ngô kệ ngôn:

Bồ Tát tư tài, tri chỉ túc,

Ư tha từ thứ bất xâm dục.

Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ

Bất tưởng tha vật đức như ngọc

Bồ tát tự thê phương tri túc,

Như hà tha khế khởi tham dục?

Ư tha thê thiếp tha sở hộ,

An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc.

Dịch nghĩa:

"Xét lẽ thì người xuất gia cũng như kẻ tại gia (đều phải) dừng lại ở chỗ "tri túc". Nếu đã biết thế nào là "tri túc" thì bên ngoài không xâm phạm đến người mà bên trong không hại đến mình. Dù nhỏ mọn như ngọn cỏ thôi mà người không cho, thì mình cũng không nên lấy. Huống chi vật khác là thuộc người khác (sở hữu), nếu ta tơ tưởng tới nó thì rốt cuộc không từ đó mà sinh lòng trộm cắp hay sao? Cho đến vợ con của người, nếu ta tơ tưởng tới họ thì cũng chẳng cũng từ đó mà sinh lòng tà dâm hay sao?

Ai nấy hãy nghe bài kệ của ta:

Bồ tát đối với tiền phải biết dừng, biết đủ

Trong quan hệ với người thì nhân từ tha thứ không sinh lòng tranh đoạt.

Một ngọn cỏ mà người không cho, ta cũng chẳng lấy,

Không màng của người, đức sáng như ngọc

Bồ tát đối với thê thiếp cũng phải biết dừng, biết đủ,

Sao lại sinh lòng thèm muốn vợ người khác?

Vợ của người thì người đùm bọc,

Nỡ nào mình lại nảy tà dâm".

Bài kệ trên của Thiền sư Nguyễn Chí Bảo đã được Phật tử trong vùng truyền tụng như một quan niệm sống của cuộc đời.

Thiền sư mất năm Canh Tuất, niên hiệu Thiên tư gia Thụy thư năm (1190) đời vua Lý Cao Tông, cách ngày này 810 năm.

Chùa Thanh Tước đã góp phần đào tạo cho nền Phật học Việt Nam một thiền sư, một nhà lý luận xuất sắc.

Với ý nghĩa đấy, Thanh Tước chẳng những là một khu di tích quý với hiện tại mà còn là một di sản quý báu của Vĩnh Phúc xưa (nay là Hà Nội) nói riêng, của đất Việt nói chung.

                                                                                             NGUYỄN TỌA

 

----------------------

Chú thích:

(1) Chùa Thanh Tước xưa trên núi Du Hí, thuộc hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc

(2) Thiền sư Nguyến Chí Bảo là cậu ruột danh nhân Tô Hiến Thành, quê hương ở Ô Diên, quận Vĩnh Khang, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

(3) Đạo Huệ thiền sư họ Âu, người hương Chân Hộ, đất Như Nguyệt (xưa thuộc huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc nay là tỉnh Bắc Ninh). Ông là một thiền sư có tiếng thời Lý. Năm 15 tuổi, theo học thiền sư  Ngô Pháp Hoa, ở chù Phố Minh rồi đến trụ trì ở chùa Quang MInh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, trở thành người đứng đầu thế hệ thứ chín dòng Thiền Quan Bích.

(4) "Tri túc": Bắt nguồn từ câu nói của Lão Tử "Tri túc bất nhịc, tri chỉ bất đãi" nghĩa là "Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết dừng lại thì không nguy".