LÀNG BA BƯỚC CHÂN GẶP MỘT … "RỪNG NGƯỜI" NỔI TIẾNG


Nơi đó, từng bờ ao, góc giếng, gốc cây, con ngõ làng đều in dấu những danh nhân.Đây là ao nơi Lê Văn Lương từng ra tắm, kia là nhà nơi Tô Hiệu từng dạy học hay đánh cờ, nọ là chốn mà Tô Ngọc Vân từng kê giá vẽ, kề bên đó là góc vườn của nhà văn Nguyễn Công Hoan…

NGƯỜI TÌNH CỦA TÔ HIỆU

Làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) không quá lớn, chỉ rảo bộ một lúc đã hết lượt. Bởi vậy, mật độ người nổi tiếng càng thêm đậm đặc, cảm tưởng cứ ba bước chân lại gặp một nhà người nổi tiếng. Bốn cái giếng đá gắn với lịch sử của làng từ 12 thế kỷ nay như minh chứng về một vùng đất của người Việt gốc Hoa di dân.

Dân làng thường tự hào rằng: “Làng tôi ăn nước giếng khơi. Xây toàn bằng đá nước thời trong veo. Ba thôn không có người nghèo. Có muốn lịch sự thì theo anh về”.

Làng Xuân Cầu cũng như nhiều làng quê khác trên miền Bắc những năm của thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước đã từng có những năm tháng lầm lỡ báng bổ thánh thần, chùa chiền khắp nơi bị biến thành các kho phân đạm của HTX, tấm bia văn chỉ của làng cũng bị cánh thanh niên phá ra định để nung vôi, có một ông lão tiếc rẻ mới xin về làm cái cầu giặt. Sau nhờ cánh sinh viên khoa sử của một trường đại học sơ tán về, tình cờ đọc được những văn tự trên cái cầu giặt đó mới giật mình bởi làng có 11 người đỗ đại khoa, gồm 9 tiến sĩ và 2 phó bảng.

Làng chia làm hai nghề rõ rệt là làm ruộng và đi buôn. Đã buôn là buôn lớn nên ở Hà Nội hay Hải Phòng đều có những tiệm sang trọng bắt đầu bằng chữ XUÂN. Cũng chính bởi sự ganh đua buôn bán, ganh đua học hành hay ganh đua đi làm cách mạng ở cái thuở “gươm kề cổ, súng kề tai” đã khiến cho người làng trở nên nổi tiếng.

Thế hệ thứ nhất có thể nói đến các nhà cách mạng, như: Tô Chấn, Tô Hiệu, Lê Giản, Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều - em của nhà văn Nguyễn Công Hoan) hay họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thế hệ thứ hai là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền (bố của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan)…

                      Nhà lưu niệm về Tô Hiệu

Làng có ba xóm, nhưng hầu hết những người nổi tiếng đều ở Tam Kỳ, tập trung quanh khu giếng đình Ba, nơi đất phát của dòng họ Tô. Ông Tô Ngọc Thực kể lại: Vào khoảng cuối mùa thu năm 1934, một buổi chiều nắng dịu, các bà, các cô gái đi chợ Nhiễm về hớn hở: “Anh Hiệu đã về. Anh Hiệu đã về”. Bác Tô Hiệu, người tầm thước, mảnh dẻ, gương mặt hiền hậu hay cười. Bác mặc quần áo tù màu xám, chân đi guốc mộc kèm theo là hai tên lính cơ đưa về cho lý trưởng làng Xuân Cầu quản thúc…và cũng từ ngày ấy, sân miếu cổ ngay trước cổng nhà Tô Hiệu đã biến thành một sân vận động nhỏ, tập thể dục, tập võ, lên xà đơn. Ngoài lập ra hội nông dân cứu tế, bác còn mở lớp dạy học ngay tại nhà rồi vận động thành lập trường kiêm bị Xuân Cầu.

                    Bà Gái (bên phải)-học trò của Tô Hiệu đang hát trống quân

Còn ông Lê Giản (Tô Gĩ) đầy cảm xúc của khi viết về Tô Hiệu: "Tô Hiệu là trạng cờ... Người ta đánh một ván cờ mất hàng giờ hay hơn nữa. Những người chơi là tướng cờ nổi tiếng trong vùng, bao nhiêu tâm trí tập trung vào ván cờ nên thường lườm nguýt những người chầu rìa hay tán chuyện. Nhưng Tô Hiệu thì cứ ung dung, nhiều lắm một nước đi cũng chỉ vài ba phút, vừa đánh cờ vừa tán chuyện đâu đâu với bọn cùng lứa tuổi nhưng cuối cùng ông đàn anh ba bốn chục tuổi vẫn thường phải cười nói cho đỡ ngượng: “Ban nãy mình tính nhầm một nước, biết là phải để phần thắng cho chú mà”.

Rảo bộ đến nhà bà Nguyễn Thị Gái - học trò của Tô Hiệu thuở nào để nghe những câu chuyện quá vãng và nghe hát trống quân, đến nhà người tình của ông Hiệu - bà Nguyễn Thị Vân Tường (tên thường gọi là bà Tì). Bà đã mất rồi, chỉ còn người cháu họ là tên Nguyễn Thị Sơn vẫn ngày ngày bên chái nhà cũ kể lại chuyện ngày xưa: "Ông Hiệu và bà Tì lúc còn ở làng hai nhà đã gán ghép cho nhau, khi ông đi tù ở Sơn La thì bà do hoạt động cách mạng cũng tù ở Hải Phòng. Ra tù, bà lên Sơn La thăm, ông thấy sức khỏe mình yếu, liệu không qua khỏi mới khuyên người yêu đi lấy chồng nhưng bà nào có chịu.

Về sau Tô Hiệu mất đi, khi nhận được tấm ảnh cũ kĩ còn lưu tại sở mật thám Pháp, bà cứ ôm lấy mà khóc rằng: “Cùng nhau xa cách đã bao đông. Nhìn ảnh càng thêm chạnh nỗi lòng. Cay đắng bất bình khi nhớ tiếc. Ngậm ngùi ly biệt lúc sầu tuôn. Tím gan tưởng nhớ lời giao ước. Nát ruột đành cam giọt lệ hồng. Nhà tù canh tàn ngơ ngẩn bóng. Xa xôi tình nghĩa chẳng vân mòng”.

Di ảnh của bà Nguyễn Thị Vân Tường

Bà Tì sống một đời phúc hậu nhưng cô độc ở làng. Trước khi chết, có một đoàn cán bộ đến thăm, hỏi bà cần gì không? Bà đáp: “Tôi không chồng, không con, sau này chết có được tiêu chuẩn hương khói gì không?”. Vị cán bộ đáp: “Có bà ạ”. Thế nhưng cứ như bà Sơn cho hay thì từ lúc mất đi, ngày giỗ, ngày tết không có một nén hương nào của chính quyền, nghĩ mà thêm tủi".


Ảnh của những người dòng Họ Tô làng Xuân Cầu

ÔNG LÊ VĂN LƯƠNG "BIẾT THÔI MIÊN" VÀ LY KỲ CỦA CHUYỆN TÔ GĨ

Mẹ ông Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều) là bà Tô Nhụ thường nói rằng: “Cậu Miều thôi miên giỏi lắm, nhìn vào mắt người khác là khiến được họ”.

Về chuyện ông Lê Văn Lương biết thôi miên, thì ông Quản Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trụ lại giải thích rằng, sở dĩ dân làng đồn thổi ông Lê Văn Lương biết thôi miên, là bởi mắt ông bình thường hay lim dim nhưng khi mở to thì rực sáng lạ thường; “Ông Lương thường ra khu Mả Giang Ao Trại khi mặt trời còn chưa mọc để tập thể dục. Mặt trời mọc, ông ngồi hướng thẳng nhìn về phía đó để luyện mắt…”.

Ngôi nhà cũ của dòng họ Nguyễn Công về sau bán cho một người cùng làng, nên giờ đây nhà tưởng niệm Lê Văn Lương dựng trên đất được chính quyền cấp. Trong cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, ông Tuấn cũng đã nhiều lần được tiếp kiến anh ông Lương là nhà văn Nguyễn Công Hoan và rất ấn tượng bởi dễ gần, nhất là thích… tổ tôm.

Chuyện về ông Lê Giản (Tô Gĩ) đoạn trước cách mạng rất kỳ bí. Khi đi hoạt động ông bị Pháp bắt đày ở nước ngoài, được chính quân đồng minh giải thoát, huấn luyện làm gián điệp để chống lại phát xít Nhật rồi thả xuống Việt Nam năm 1944. Có lẽ ông là người giữ kỷ lục thế giới khi là người đầu tiên nhảy dù từ pháo đài bay B29, trước khi tiếp đất là một hành trình bay thẳng gần 3.000km từ Ấn Độ đến Việt Nam !

Sau này ông làm công an, rất nổi tiếng với vụ án Ôn Như Hầu, ông đã chỉ huy phá tan âm mưu lật đổ của Việt Nam quốc dân đảng (năm 1946), Tô Gĩ được phong Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương.

Còn chuyện ông Nguyễn Tài, thì chính kẻ thù giam cầm ông cũng phải khiếp.

Số là trong kháng chiến chống Mỹ, chẳng may ông bị bắt, biết là cán bộ to nên áp dụng phương pháp tra tấn tinh thần mới nhất của CIA là nhốt trong một xà lim 4 métvuông sơn trắng toát và chiếu đèn cường độ cao. Không biết ngày đêm, không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì. Ông Tài đã vẽ một ngôi sao lên tường rồi ngày ngày chào cờ, hát lên, “viết” lên trong đầu để không rơi vào trạng thái quẫn trí mà phát điên.

Suốt 4 năm giam giữ như thế, các máy phân tích nói dối của CIA đều vô hiệu khiến cho người Mỹ phải gọi ông là "The Man in the Snow White Cell" - tức người đàn ông trong buồng ngục tuyết trắng. Kẻ tra tấn tinh thần ông, Frank Snepp sau này đã viết một cuốn sách về cuộc chiến trong đó dành trọn một chương để viết về ông Nguyễn Tài.

Tiền khởi nghĩa, làng Xuân Cầu có Tô Hiệu là Bí thư Khu ủy B (gồm các khu: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B).Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (năm 1951), làng Xuân Cầu có 5/158 đại biểu tham dự: Tô Duy, Lê Giản (Tô Gĩ), Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Ðẩu.Làng có hai Ủy viên Bộ Chính trị, là: nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tiến sĩ xưa có 9 người, còn nay làng Xuân Cầu đếm sơ cũng trên dưới 30 người có học vị Tiến sỹ.

 


                                                                                       DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG 

                                                                                       (Nông Nghiệp Việt Nam)