HỌ TÔ THƯỢNG TẦM: CHUYỆN CHI BA- PHÁI ĐỆ NHỊ

Giữa Thế kỷ 15, cụ ông Tô Huyền Thông cùng cụ bà Từ Hạnh đã từ Đồ Sơn về lập nghiệp tại làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh (nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và trở thành Thủy tổ của Họ Tô Thượng Tầm. Một trong số những hậu duệ đời thứ chín của hai cụ là cụ Tô Húy Trứ, người đã cùng cụ bà Phí Thị Hòa, hiệu là Đức Mậu, lập nên Chi Ba- Phái Đệ Nhị của Họ Tô nơi đây từ cuối Thế kỷ 18.

        Trải qua hơn hai trăm năm, Chi Ba đã phát triển thêm được 8 đờì, từ đời thứ 9 đến đời thứ 16 với số hậu duệ lên tới hơn 500 người. Địa bàn sinh sống chủ yếu của Chi Ba là xóm Cộc (nay là xóm Hưng Hà) và xóm Mả Hiêu. Ngoài ra, từ đời thứ 13 đến đời thứ 15, nhiều người thoát ly địa phương, học tập, công tác và định cư tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương khác, vươn ra các nước Nga, Đức, Hungari, Anh, Mỹ, Canada, Cu Ba, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc.

        Sự tồn tại và phát triển của Chi Ba trước hết là kết quả của tình đoàn kết, của sự gắn bó giữa các phân chi, các gia đình và các thế hệ. Xóm Cộc và xóm Mả Hiêu tuy hai mà là một. Mọi việc lớn nhỏ đều có sự tham gia của mọi người trong chi, vui niềm vui chung, buồn nỗi buồn không của riêng ai. Nhường nhau bát gạo, củ khoai là hình ảnh quen thuộc trong những tháng ba ngày tám, khi gặp thiên tai hoặc lúc giặc giã tràn về. Sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau tạo thêm sức mạnh cho từng người, từng gia đình vượt qua những khó khăn, thử thách nhất thời.

        Trên tất cả những gian nan, vất vả là cuộc sống yên bình sau lũy tre làng. Tiếng sáo diều vi vu trên cánh đồng Đầm Phát như khúc hát tâm tình, như tiếng mẹ ru mỗi buổi chiều hè. Đến ngày hội lớn, bà con Chi Ba lại được xem cụ Tô Văn Khoanh (đời 12), cụ Tô Văn Lạp (cụ Trương Chí, đời 12), cụ Tô Văn Ky (đời12) và cụ Tô Văn Củng (đời 13) đấu võ gậy với trai tráng các làng khác, nhiều lần đoạt giải. Những buổi tối liên hoan văn nghệ “cây nhà, lá vườn” với những tiết mục “tự biên, tự diễn” trên sân khấu thô sơ tự tạo còn ghi mãi dấu ấn trong lòng những người xa quê. Trong đội tế của họ Tô Thượng Tầm có sự tham gia tích cực của nhiều người con gái, con dâu Chi nhà. Con cháu Chi Ba cũng đóng vai trò chủ chốt trong sự ra đời và hoạt động của Đội Thiếu nhi Tháng Tám mang tên Anh hùng La Văn Cầu là một trong 4 đội thiếu niên đầu tiên của cả tỉnh Thái Bình được trao khăn quàng đỏ và có vinh dự được tham gia buổi lễ mừng chiến thắng, tổ chức tại Thị xã Thái Bình (nay là Thành phố Thái Bình).

        Bên cạnh công việc nội bộ, nhiều người con Chi Ba còn đảm đương những công việc chung, góp phần phát triển Họ Tô Thượng Tầm thành một trong những dòng họ có danh tiếng. Năm 1920, cụ Tô Húy Đĩnh (còn có tên khác là cụ Tô Tấn Hốt, thường gọi là cụ Đồ Đĩnh, đời thứ 11) đã có công sao lại bản Tộc phả của Họ Tô làng Thượng Tầm bằng chữ Hán-Nôm do các đời trước truyền lại và viết bổ sung đến đời thứ 12. Tổ tiên chúng ta cũnggóp công, góp sức xây dựng, quản lý và điều hành các mặt hoạt động của địa phương, làm nên vị thế của  làng Thượng Tầm được nhiều người xa gần biết đến. Ngay cả ở nơi quê xa, đất lạ, người Chi Ba cũng biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, tích cực tham gia và gánh vác công việc chung của cộng đồng dòng họ.

        Cùng với các chi họ khác, thế hệ trước qua thế hệ sau, bà con Chi Ba đã góp phần khai phá đất hoang, biến vùng đầm lầy thành những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật”, xây dựng nên xóm thôn trù phú, yên bình. Hầu hết những người Chi Ba sinh ra và lớn lên ở quê nhà đều khởi nghiệp bằng nghề làm ruộng, trồng lúa, trồng khoai. Tư liệu sản xuất chủ yếu là cánhđồng Đầm Phát, nơi đầu tiên đón nắng mới mỗi buổi sớm mai, cũng là nơi mồ hôi của nhiều thế hệ Chi Ba đã từng đổ xuống để mang về những mùa vàng bội thu. Không chỉ cần cù, lam lũ, bà con ta còn sớm áp dụng những kinh nghiệm canh tác tiên tiến. Sinh thời, cụ Tô Văn Thống (đời 11) đã có công tổ chức đào ngòi Đầm Vối, tạo nguồn nước cho vụ lúa chiêm trên khoảng 300 mẫu ruộng. Những luống đất ải xếp cao, những thửa ruộng dầy bèo hoa dâu, những hàng lúa thẳng tắp đã từng là hình ảnh ấn tượng về kỹ thuật thâm canh của bà con Chi nhà. Đây cũng là một trong những nơi đầu tiên đạt danh hiệu “Cánh đồng 5 tấn” trong kháng chiến chống Mỹ, nơi sản sinh ra “thóc không thiếu một cân” để gửi ra tiền tuyến. Chăn nuôi cũng được coi trọng. Nhiều gia đình nuôi gà, nuôi lợn, cũng có nhà chăn nuôi cả trâu, bò. Ngoài ra, một số gia đình còn trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều cơ sở thủ công nghiệp được mở mang như xưởng thảm len, xưởng dệt khăn mặt của Hợp tác xã thủ công nghiệp Đông Thịnh, thu hút hàng trăm lao động.

         Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, lớp lớp người Chi Ba đã nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc. Sau khi đỗ Cử nhân và được chính quyền bảo hộ của Pháp bổ nhiệm làm Tri huyện, cụ Tô Văn Thống (đời 11) đã từ chối, không hợp tác với chúng, về nhà mở trường dạy học và tham gia các phong trào yêu nước. Trước năm 1945, các cụ Tô Văn Thạc, Tô Văn Phấn và Tô Vũ Tuấn (đời 13), các cháu nội của cụ Tô Văn Thống, là học sinh, sinh viên tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội, đầu năm 1945, về quê và tiếp tục hoạt động Việt Minh tại huyện nhà. Đầu năm 1945, cụ Tô Kim Chủy (đời 13) từ Hà Nội về quê tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương và được phân công phụ trách thôn Thái Hòa. Cùng với hàng nghìn người dân nô lệ thuộc địa khác, sáng 18.08.1945, đông đảo bà con Chi Ba đã nhất tề đứng lên, với dáo mác, kiếm đao, gậy gộc, hăng hái tham gia cuộc biểu tình tuần hành rầm rộ tới phủ lỵ Thái Ninh, lật đổ bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyề về tay nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Tô Văn Thủy (đời 12) là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời xã Thượng Tầm. Những năm 1947-1948, cụ Tô Văn Phấn (đời 13) là Ủy viên Ủy ban Hành chính-Kháng chiến phủ Thái Ninh (sau này là huyện Đông Quan). Trong thời gian từ những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến ngày chiến thắng, quê hương giải phóng, hòa bình lập lại, cụ Tô Văn Bàng (đời 13) gánh vác trách nhiệm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính-Kháng chiến xã Thượng Phương (nay là hai xã Đông Hoàng và Đông Á). Cùng với cả Họ Tô và các họ khác, Chi Ba tích cực đào hào, đắp lũy, rào làng, xây dựng thôn trang chiến. Nhiều người con trai và cả con gái Chi Ba tham gia lực lượng dân quân, du kích, hăng say tập luyên, góp phần bảo vệ quê hương.Trong những chiến công của quân và dân xã Đông Hoàng có phần đóng góp của Chi nhà, đặc biệt là trong trận phối hợp với một đơn vị của Đại đoàn Đồng Bằng (320) chiến đấu thắng lợi chống cuộc càn quét của giặc Pháp vào đầu năm 1953, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 30 năm ròng, hàng chục người con của Chi Ba đã lên đường nhập ngũ, “quân không thiếu một người”, tham gia đánh đuổi giặc Pháp, rồi giặc Mỹ trên khắp các chiến trường.Trải qua quá trình rèn luyện bền bỉ, chiến đấu ngoan cường, 6 chàng trai Chi Ba đã trở thành các sỹ quan cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tá Tô Ngội (đời 13) có thành tích cải tiến phương pháp giảng dạy của bộ đội Pháo binh, được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Đại tá Tô Bỉnh (đời 13) đã chế tạo thành công súng bắn thay pháo (trên sa bàn), cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công và là một trong những chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba trong những năm nước bạn gặp rất nhiều khó khăn. Vì dân, vì nước đã có 8 người con trai yêu quý của Chi Ba anh dũng hy sinh nơi tiền tuyến trước mũi súng quân thù, được suy tôn là Liệt sỹ.

        Truyền thống nổi bật và lâu bền của các thế hệ người Chi Ba là tinh thần hiếu học. Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, những người con trai, con gái luôn luôn nêu cao quyết tâm học thầy, học bạn, vươn lên giành những kết quả cao nhất. Đời thứ mười có hai người đỗ Nhiêu học, một người đỗ Nhị trường và một người đỗ Cử nhân. Sang đời thứ mười một, Chi Ba ghi nhận ba người đỗ Nhị trường và một người đỗ Cử nhân. Nổi bật về sự ham học là cụ Tô Văn Độ (đời thứ 12). Nhà nghèo, ban ngày cụ phải đi cày, đêm về mới có thời gian để học. Nhờ siêng năng đèn sách, dùi mài kinh sử cụ đã đỗ Tú tài và được bà con trìu mến gọi là “Tú Cày”.

         Kể từ đầu thế kỷ 20, thanh niên Chi Ba đã kịp thời thích nghi với những biến đổi sâu sắc cả về chữ viết, mục tiêu đào tạo, nội dung và phương pháp dạy học của nền giáo dục nước nhà. Các phong trào truyền bá quốc ngữ,  xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ đã thu hút hàng chục người tham gia. Trong những năm giặc Pháp tạm chiếm Thái Bình, trường công phải tạm thời đóng cửa, nhà riêng của cụ Tô Văn Lệnh (cụ Cửu Định, đời 12) và cụ Tô Văn Giám (cụ Ký Lam, đời 12) đã trở thành lớp học dành cho con cháu trong Chi. Các bác, các chú, các anh, các chị lớp trên dạy các cháu, các em lớp dưới. Nhờ vậy, con cháu Chi Ba không bị thất học và  khi nhà trường kháng chiến mở ra, học sinh Chi Ba đều được sắp xếp vào các lớp tương xứng với trình độ học lực thực chất của mình. Hình ảnh các cô, các cậu học sinh đầu đội mũ rơm, vai đeo túi sách ngày ngày hăm hở tới trường sẽ mãi mãi gợi nhớ về những năm tháng chống chiến tranh phá hoại cùa giặc Mỹ.

         Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay Chi Ba đã có hơn 120 người là Cử nhân, Kỹ sư, Bác sỹ, 19 người là Thạc sỹ, 10 người đoạt học vị Tiến sỹ. Gia đình cụ Tô Văn Bàng, tất cả 12 người con gồm  trai, gái, dâu, rể và 25 cháu nội ngoại đều đãhọc qua bậc đại học, 12 người có bằng Thạc sỹ và 7 con cháu là Tiến sỹ.

         Dạy học cũng là một nghề truyền thống của Chi Ba. Sau khi đỗ đạt, các cụ Tô Húy Thống, Tô Húy Đĩnh và Tô Húy Phúc (đời 11) đã mở trường lớp dạy chữ Nho cho con cháu họ nhà và các họ khác. Các đời sau đều có những người làm nghề dạy học ở các cấp học và địa phương khác nhau, trong đó có 2 người được phong chức Phó Giáo sư  và 3 người đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

         Học vấn là một trong những tiền đề quan trọng đưa những người con Chi Ba đi vào các lĩnh vực hoạt đông khác nhau của đời sống xã hội, qua đó nhiều người đã phấn đấu, rèn luyện và trở thành cán bộ lãnh đạo-quản lý từ nhà trường phổ thông đến cấp Vụ.

         Thờ phụng tổ tiên là một nét văn hóa đẹp trong truyền thống của Chi Ba. Năm nào cũng vậy, bà con ta đều tổ chức trọng thể cúng giỗ cụ tổ ông Tô Húy Trứ vào ngày 9 tháng 4 và cụ tổ bà Phí Thị Hòa vào ngày 25 tháng 7 (âm lịch).Vào những ngày ấy, cùng với bà  con sinh sống ở quê nhà, nhiều người đang học tập, làm ăn nơi xa cũng trở về thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên. Ban đầu nhà thờ cụ tổ Tô Húy Trứ tọa lạc tại khuôn viên nhà cụ Tô Văn Lộ (cụ cả Lộ, đời 12). Do tác động của thời tiết và thời gian, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, với sự đóng góp công sức và tiền bạc của nhiều người, ngôi nhà thờ mới đã được xây dựng gần con đường 39 (tên cũ là đường 218). Gần đây, ngôi nhà thờ lại được trùng tu, nâng cấp. Đây cũng là nơi con cháu sum họp, hàn huyên, trò truyện tâm tình trong những ngày lễ tết.

         Là thành viên tích cực của Họ Tô Thượng Tầm, Chi Ba- Phái đệ Nhị cũng là nơi xuất thân của những con người chăm chỉ cần cù, quyết chí bền gan, năng động sáng tạo, giầu lòng nhân ái, tâm huyết với dòng họ. Vượt qua khó khăn, gian khổ, dày công rèn đức, luyện tài, người Chi Ba đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần tô thắm và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu mạnh.