Bác Hồ và tình yêu thương con người


          Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ năm 1958 (Ảnh TL)

Tình yêu thương con người là một trong những đức lớn của Bác Hồ. Tình yêu thương ấy được thể hiện qua từng câu nói, việc làm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

          Là một thanh niên yêu nước, thương dân, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân mà trở thành anh Ba bồi bếp. Những năm lưu lạc ở nước ngoài, Người luôn có một tâm hồn nhạy cảm, xót xa cho từng thân phận của những người cùng khổ, cô đơn. Lòng thương người của Bác đồng nghĩa với tình thương dành cho các dân tộc bị thực dân nô dịch, áp bức. Tình thương của Bác không chỉ là cảm thông mà còn chỉ dẫn cho người lao động và các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh để tự giải phóng cho mình.

          Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á ra đời, phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp do Pháp và Nhật gây ra và những khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”. Bác Hồ đã chủ trương vận động toàn dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Bản thân Người cũng gương mẫu mỗi tháng nhịn ăn ba bữa để góp gạo cứu đói cho dân. Bác đã trộn nắm gạo dành dụm của mình, của một Chủ tịch nước vào hũ gạo tiết kiệm của toàn dân, cùng toàn dân diệt giặc đói. Đi chiến dịch Biên giới, Người không chịu cưỡi ngựa mà cùng hành quân bộ với bộ đội, để ngựa thồ vũ khí, trang bị đỡ cho anh em. Đến thăm trại tù binh Pháp, thấy một tên quan ba run rẩy vì rét. Bác đã cởi chiếc áo khoác của mình mặc cho hắn.

          Tư tưởng yêu thương con người của Hồ Chí Minh rất rõ ràng, cụ thể, không trừu tượng chung chung. Đó là yêu người lao động, cần lao, cùng khổ, người bị bóc lột, những người bị đàn áp, yếu thế. Chống ai? Chống kẻ đàn áp người lao động, kẻ bóc lột người lao động, người độc ác, bọn xấu, kẻ sâu mọt dân, tham nhũng, đè đầu cưỡi cổ và xem thường nhân dân. Yêu thương con người của Bác rất đúng mực, thể hiện rõ quan điểm yêu và chống, nhằm vun đắp bồi bổ cho tình yêu thương con người. Điều này, được Bác kết luận: "Chỉ có một mối tình hữu ái thật mà thôi, đó là tình hữu ái vô sản", tình yêu thương con người cao đẹp đó được thể hiện rõ trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". (Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162).

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành một phẩm chất đạo đức cao đẹp. Tình yêu thương của Bác luôn rộng mở, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Bác cũng dành tình yêu thương đặc biệt cho những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột ở các nước trên thế giới.

Một lần, Bác Hồ đến thăm một cơ sở điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại. Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi. Đang lúc Bác thăm hỏi sức khoẻ thương binh bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng bên Bác. Đồng chí Ninh – phụ trách trại đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón. Đồng chí thương binh ôm chầm lấy Bác nghẹn ngào "Bác ơi"! Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.

Bác đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm. Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói:

- Để Bác quạt cho.

Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui. Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh.

Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì chịu sao được ? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:

- Các đồng chí có nước ngọt uống không?

- Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!

Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:

- Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc Hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm còn bao nhiêu.

Tiền tiết kiệm của Bác là do các tòa báo trả nhuận bút. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, Văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân.

Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng). Bác bảo:

- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Hội trường Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo toàn miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!

Tình yêu thương của Bác còn là sự tôn kính lớp người đi trước, kính trọng nhân dân, giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi riêng. Đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan. Đức tính đó không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hóa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Đặc biệt, tình yêu bao la ấy đã đi vào văn học - nghệ thuật đầy tự nhiên, giàu cảm xúc: Trong bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu có những câu thật xúc động:

“… Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già…”.

Trong Di chúc của mình, Bác Hồ viết: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế."

Vẫn nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ “Theo chân Bác” viết tháng 1 năm 1970, một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác đã ca ngợi, biết ơn tình yêu thương của Bác:

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa”…

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hy sinh tận hiến vì dân tộc. Tình cảm của Người đối với dân tộc và nhân dân cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ là học tập và làm theo lòng yêu nước, thương nòi, yêu dân, yêu con người và loài người. Cả cuộc đời của Người là cố gắng mang lại cơm ăn nước uống cho những ai đói khát, bênh vực cho những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ.

                                                                                           Tô Kiều Thẩm