Bông hoa lan từ lửa đạn chiến tranh


            Đĩa nhạc Tô Lan Phương

Trong danh sách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 9 (tháng 8 - 2019) có hai cái tên: Ca sĩ Tô Lan Phương và Rơ Chăm Phiang. Không phải bây giờ mà hơn 50 năm trước, tiếng hát của những ca sĩ này, đặc biệt là Tô Lan Phương đã nổi tiếng trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam và trên chiến trường chống Mỹ lửa đạn.

Những người đã trải qua chiến tranh chống Mỹ vẫn nhớ đến một đại đội của Sư đoàn 9, vùng miền Đông Nam Bộ có phiên hiệu “Đại đội Tô Lan Phương”. Đó là vì khi nghe cô ca sĩ Hà Nội vào tận chiến trường Nam Bộ hát phục vụ mình, các chiến sĩ say đắm giọng hát của nàng, nên đồng thanh đặt tên đại đội anh hùng của mình là “Đại đội Tô Lan Phương”. Có một chi tiết rất cảm động là cuối tháng 5-1975, ca sĩ Tô Lan Phương tìm tới đại đội thì được biết họ đã hy sinh gần hết, riêng Đại đội trưởng nằm xuống cánh rừng bên sông Đồng Nai. Nữ ca sĩ xúc động đặt bó hoa bách hợp trắng muốt lên mộ anh, vừa như tri ân vừa chia tay vĩnh viễn một thời bi tráng của chiến tranh. Đây là kỷ niệm xúc động nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ.

Ca sĩ Tô Lan Phương sinh năm 1948 tại Thái Bình (quê gốc ở Văn Giang, Hưng Yên), là cháu nội của nhà cách mạng Tô Hiệu. Mẹ là nghệ sĩ đàn tam thập lục của Đài Tiếng nói Việt Nam nên từ bé, Lan Phương đã được những âm thanh nâng niu vào giấc ngủ. Hơn 10 tuổi, Lan Phương đã tham gia đội ca nhạc Sơn Ca của Đài. Với điều kiện như thế, cô ca sĩ nhí được chăm lo rất chu đáo: Học trường Âm nhạc Việt Nam, được mời đi du học nước ngoài. Nhưng trên tất cả, với năng khiếu bẩm sinh, lại thêm có nhan sắc nên Tô Lan Phương thực sự là ngôi sao nổi trội từ khi rất trẻ. Điều đáng nói, nếu như nhiều người coi đi du học là cơ hội phát triển thì Tô Lan Phương lại chọn chiến trường. Năm 1967, khi đó vừa tròn 19 tuổi, cô ca sĩ trẻ đã vào tới tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng các binh đoàn tiến vào tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân.

Tô Lan Phương có giọng nữ trung, nhưng âm vực chị thể hiện rất lảnh lót vang vọng như lời hiệu triệu của tiếng kèn xung trận qua các bài hát: Lên ngàn, Tình ca, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Nổi lửa lên em… Có chi tiết rất cảm động và thể hiện sự say đắm của những chiến sĩ, là khi ngay cả con dốc - nơi ca sĩ đứng hát cũng đặt tên là: Dốc Tô Lan Phương. Điều đó để thấy giá trị lan tỏa và khích lệ của nữ ca sĩ với quân và dân Nam Bộ lớn như thế nào. Ngay cả Đoàn Văn công Giải phóng mà Tô Lan Phương là thành viên, cùng với Trưởng đoàn là nhạc sĩ Xuân Hồng năm 2019 cũng được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc của họ.

Sau những giờ phút sôi nổi bi tráng trên chiến trường, Tô Lan Phương trở lại với đời thường cùng thanh sắc càng đằm thắm hơn. Nhắc tới Tô Lan Phương không thể nhắc đến những bài hát do chị thể hiện thành kinh điển của thanh nhạc: Câu hát bông sen, Đường tàu mùa xuân, Chúng tôi bắc cầu, Khúc hát người Hà Nội, Khát vọng mùa xuân, Bài ca hy vọng… Sau giải phóng, tại các liên hoan âm nhạc ở các nước xã hội chủ nghĩa như: Tiệp Khắc, Cuba… chị đều giành giải thưởng lớn. Trong nước, chị giành những Huy chương Vàng đầu tiên của các liên hoan nhạc nhẹ Việt Nam. Chị được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên năm 1984.

Vậy, vì sao hơn 35 năm nữ danh ca mới được phong tặng nghệ sĩ nhân dân? Có lẽ khác với nhiều ca sĩ khác, sau giải phóng, chị có tham gia Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ít tham gia các hoạt động âm nhạc lớn. Có vẻ như chị muốn nhường cho lớp sau mình nên vô tình tiếng hát vang lừng đó ẩn khuất ở một góc phố nào đó giữa Sài Gòn hoa lệ và cả sự vô tình của những người làm quản lý văn hóa “quên” Tô Lan Phương. Vào mùa thu cách mạng tháng 8 - 2019, tiếng hát sơn ca từ thời Trường Sơn được Chủ tịch nước phong tặng: Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương.

Chúng ta hôm nay vẫn được nghe rất nhiều bài hát trên không gian điện tử với cái tên Tô Lan Phương.

                                  Dương Trang Hương (Khánh Hòa)