Nhớ ơn Người sâu nặng quê hương


           Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên (1949 - 2015)

Thiếu tướng, Nhạc sĩ An Thuyên được đánh giá một trong những nhạc sĩ hàng đầu của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam. Sự sâu nặng ân tình với quê hương cùng với sự thăng hoa của cảm xúc đã giúp ông viết nên những ca khúc sống mãi với thời gian. Ông còn được ví là cây đại thụ tỏa bóng mát cho không chỉ những công chúng yêu mến âm nhạc, mà cả những người sáng tác, biểu diễn và đào tạo nghệ thuật.

Nhạc sĩ An Thuyên,tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên (ngày 15 tháng 8 năm 1949 - ngày 3 tháng 7 năm 2015), quê ở huyệnQuỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Những khúc ví, giặm mang cả cuộc sống, nỗi lòng con người xứ Nghệ như dòng sữa nuôi lớn tâm hồn ông từ những năm tháng tuổi thơ. Lên 11 tuổi An Thuyên đã thổi sáo, kéo nhị trong nhà hát. Năm 1967 An Thuyên về công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Trong vòng năm năm, ông cùng Đoàn nhạc sĩ của Viện nghiên cứu Âm nhạc đi dọc dải sông Lam, ghi chép, sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Những làn điệu đó lại càng thấm vào người An Thuyên, trở thành một phần máu thịt của ông. An Thuyên bắt đầu sáng tác khoảng năm 1971, với nhạc phẩm “Em chọn lối này”. Từ đó, các ca khúc ra đời đều đặn. Phần lớn sáng tác nổi tiếng của ông mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ thành công khi khai thác, vận dụng vốn âm nhạc dân gian. Năm 1975, sau khi học xong Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông nhập ngũ rồi về  làm việc ở Đoàn Văn công Quân khu 4. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị và tháng 8 năm 1992, ông về lại Trường Văn hóa Nghệ thuật quân độii, làm tới chức Hiệu trưởng, là nhạc sĩ đầu tiên được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2007.  Ông còn là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.

Phần lớn sáng tác nổi tiếng của An Thuyên mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ thành công khi khai thác, vận dụng tài tình vốn âm nhạc dân gian. Hay nói cách khác, những ca khúc của An Thuyên góp phần vẽ nên sự đẹp đẽ, nên thơ, thắm đượm tình người ở những miền quê nghèo xứ Nghệ. Ông đã đưa những chất liệu trong cuộc sống đó vào sáng tác của mình để nó đến được với mọi người. Rồi từ đó phản ánh con người, tâm hồn của nhạc sĩ - một con người dù đi suốt đời cũng không ra khỏi những điệu dân ca, dù sống ở đâu cũng đau đáu nhớ về quê hương xứ Nghệ.Hầu hết các ca khúc đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng, nhiều tác phẩm có chất lượng và đã có sức lan toả rộng lớn. Những giọng hát phù hợp với dòng nhạc của ông có thể kể đến Lê Thanh, Thanh Hoa, Thu Hiền, Quang Linh, Lê Anh Dũng, Anh Thơ, Hà Linh, Bùi Lê Mận… Một số tác phẩm tiêu biểu: “Em chọn lối này”, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương”, Neo đậu bến quê”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Ca dao em và tôi”, “Chiều sông Thương” (thơ Hữu Thỉnh), “Du xuân”, “Dương cầm thu không em”, “Tiếng đàn”, “Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam”, “Tình làng quê”, “Ở rừng nhớ anh”, “Pác Bó hát mãi tên Người”, “Khúc hát ru của người mẹ lính”, “Về miền Trung”… viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều Đoàn Văn công như “Trương Chi”, “Đôi đũa kim giao”, “Biển tình cay đắng”, “Đất nước đứng lên” (kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Ngọc). Ngoài ra, ông còn sáng tác cho khí nhạc, đáng chú ý có Concerto cho sáo và dàn nhạc giao hưởng; viết nhạc cho phim và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo... đoạt Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985 “Tiếng đàn balalaica trên sông Đà” (phỏng thơ Quang Huy).

Nhạc sĩ An Thuyên được tặng các Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: “Hành quân lên Tây Bắc” (1984), “Thơ tình của núi” (1994). Giải Nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam "Khi xe tăng qua miền Quan họ” (1985), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (1995). Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam “Chín bậc tình yêu” (1992). Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007; Huân chương lao động hạng III; Huân chương chiến công hạng Nhất.

An Thuyên là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng và có nhiều đóng góp nhất cho Âm nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc bất hủ. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong cho dòng dân gian đương đại tại Việt Nam. Nhắc đến nhạc sĩ An Thuyên là nhắc đến nhạc sĩ của công chúng. Khán giả thường chỉ nhớ đến ca sĩ hát bài hát hay mà ít khi nhớ đến tác giả. Nhưng với nhạc sĩ An Thuyên, những người yêu nhạc dân gian ai cũng biết và dành cho ông tình cảm rất trân quý, kính trọng. Khán giả cũng hiểu nhạc sĩ An Thuyên qua ca từ, ca khúc của ông. Nó bắt nguồn từ con người ông; những hiểu biết và những điều ông chắt góp trong cuộc sống dân dã, giản dị và thật lòng. Từ người xuất thân miền quê đến khi trở thành Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên vẫn giữ được cốt cách đó. Ca từ của ông luôn luôn là điều gần gũi, đó là lý do những người yêu nhạc dân gian nhớ đến ông. Do đó gần 45 năm qua, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian văn hóa làng quê xứ Nghệ, tác giả đã khắc họa hình ảnh bậc vĩ nhân lớn lên cùng câu hò, điệu ví, với tiếng lòng của nhân dân lao động.

“Một khúc dân ca sâu lắng quê nhà.
Đêm Sông Lam dạt dào sóng nước,
Vọng câu đò đưa…Tình người mộc mạc…
Bát ngát nhớ thương mà thoảng hương giữa đời….

Đêm trăng lên nghe tiếng đò đưa ngân rất gần…
Nhớ chuyện Người thời xa xưa,
Bác lớn lên trên quê đất mẹ hiền…
Bác theo phường đi nghe hát, quần xắn gối đứng đầu sân…
Dân mất nước mới lầm than mà nên lời ca nghe càng xót xa.

Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa
Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca
Đêm Kim Liên ấm áp… Ngày xưa hay hát phường.
Ấy ngày hội những danh nhân.
Đất nước đau thương nên đến luận bàn.

Bác theo phường đi nghe hát… Trăng đứng bóng trăng tà thôi
Bao thơ hay gỡ tơ rối mà trước cuộc đời đành bó tay.
Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa
Tuổi ấu thơ bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca
Rồi từ ấy, ơ… Bác tìm đường cứu nước non.
Một khúc dân ca sâu lắng ơ quê nhà.
Đêm Sông Lam dạt dào sóng nước, ơ…
Vọng câu đò đưa…Tình người mộc mạc…
Bát ngát nhớ thương mà thoảng hương giữa đời.

Đêm quê hương nhớ Bác, lòng ta thêm ấm lòng,
Vườn nhà ngát hương cau, mái tranh quê xôn xao mấy tình đời.
Xưa theo phường đi nghe hát, nay Bác đã cho đời ta,

Ơi câu ca “Độc lập Tự do” mà nay toàn dân ta hát vang.

Nỗi ước mong thủa xưa ,đã đến rồi ngày rạng rỡ
Nay hát câu đò đưa thấy đời đẹp mênh mang.
Càng nhớ Bác ơ, nhớ… ơn Người… sâu nặng… quê hương…”

              (“Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của An Thuyên)

Sinh thời ông kể: Tôi sáng tác ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” năm 1973, mới 24 tuổi và Bác Hồ đã mất được 4 năm. Lúc đó tôi đang làm ở Đội Tuyên truyền văn hóa của Ty Văn hóa Nghệ An. Khi Bác mất, Ty Văn hóa tổ chức Lễ truy điệu Bác tại xã Kim Liên, tôi là một trong những nhạc công của dàn nhạc chơi trong Lễ truy điệu. Sự ra đi của Bác là một sự mất mát rất lớn đối với dân tộc ta và luôn ám ảnh tôi. Đến khi tôi cùng Đoàn cán bộ đi sưu tầm dân ca ở Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn), bà con đến hát và tôi thu âm các bài hát dân ca, hát phường vải. Trong khi thu âm thì có một người phụ nữ khoảng 40-45 tuổi, đứng ngoài ngõ rất chăm chú và như chờ đợi. Khi tôi xong việc, đóng máy thu âm lại, chị bảo “anh đi với tôi”. Với sự tò mò của người làm sưu tầm, tôi vội mang máy đi theo chị. Về đến trước nhà, chị vừa “kẹt” cái cổng tre lại thì đã nghe tiếng bà cụ trong nhà nói “mi đi mô từ đầu hôm đến giờ mà để con khóc nhiều rứa”. Rất nhanh chị ôm chầm đứa con đang khóc và hát một bài hát ru rất hay. Tôi vội vàng bấm máy thu âm. Đấy là bài hát ru sưu tầm theo tôi là rất thành công vì nó rất thật. Tiếng võng đưa qua đưa lại, lúc đầu con khóc nhiều thì chị hát rất khỏe, to và dần dần con dịu đi thì chị hát nhỏ. Bài hát ru cứ chậm dần, chậm dần theo không gian đó. Chị đã thiếp ngủ lúc nào không biết và bỏ quên tôi. Sớm hôm sau, tôi quay lại thì chị đi làm đồng. Tôi mở cửa bước vào và bắt gặp hình ảnh một bà cụ rất già với mái tóc trắng ngồi đó khiến tôi không thể quên. Tôi bật máy ghi âm để bà nghe bài hát ru do chính con dâu bà hát. Nghe xong, bà bảo “Ngày xưa Bác Hồ cũng hay nghe hát phường vải lắm”. Từ chi tiết này tôi đã viết bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.

Khi viết mọi người có thể không tưởng tượng được vì đó hoàn toàn là một bài hát dặm, trước đó là một câu ví. Với bài hát này, tôi lấy nguyên nhịp 7/8 - nhịp lẻ rất lạ, đậm đặc và tinh túy đến mức 5 năm sau đó, tôi viết bài nào dường như cũng giống như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.  Đến bây giờ, sau nhiều năm sáng tác, tôi nhớ mình đã có ba lần viết nhạc bằng nước mắt: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê” và “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ngay sau khi ra đời, bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” mang đậm chất dân ca xứ Nghệ của ông đã nhanh chóng lan đi trong khu vực qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thanh ở Đoàn Văn nghệ xung kích Tỉnh đội Nghệ An. Tiếp đó, nó lại được chắp cánh bay xa tới mọi miền Tổ quốc nhờ giọng hát ngọt ngào của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông cho biết thêm: “Dân ca Nghệ Tĩnh đã cho tôi tất cả, cuộc sống, sự nghiệp, sự dâng hiến và tư cách làm người”.

                                                                     Tháng 5 năm 2017

                                                                       Tô Kiều Thẩm