“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”


Nghệ sỹ Hồ Thanh Hương và chồng - cố nhạc sỹ Thuận Yến. Ảnh: TL.

            Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm xúc vô tận của các văn nghệ sĩ. Chỉ riêng “làng Nhạc” đã có hàng trăm ca khúc, giữ một vị trí quan trọng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, được cất lên từ những trái tim của người nhạc sĩ và sống mãi trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đó là những bài: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường; "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng" của Phong Nhã; "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của Lưu Hữu Phước; “Đôi dép Bác Hồ” của Văn An (thơ Tạ Hữu Yên); “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của An Thuyên; “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận; “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Văn Cao; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục; "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên" của Lê Lôi; “Bài ca Hồ Chí Minh” của Quang Hào; "Chúng con bên giấc ngủ của Người" của Nguyễn Đăng Nước; “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Thăm Bến Nhà Rồng” và “Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của Trần Hoàn…

Riêng với Đại tá, Nhạc sĩ Thuận Yến (1932 - 2014) có tới 26 ca khúc vềChủ tịch Hồ Chí Minh và giữ “kỷ lục” về nhạc sỹ có nhiều sáng tác nhất về Bácnhư: “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình” (thơ Phạm Ngọc Cảnh), “Người về thăm quê”, “Tấm áo Bác Hồ"… Trong đó ca khúc “Miền Trung nhớ Bác” được Thuận Yến viết sau khi đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, trong một lần ông về thăm quê hương Quảng Nam được đề nghị viết một bài về tình cảm Bác Hồ đối với người dân quê hương. Thuận Yến biết Bác Hồ chưa khi nào về Quảng Nam nhưng khi đọc cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng thì thấy hai chi tiết: Bác Hồ về Bình Khê (Bình Định) thăm cha khi ông Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện ở đây; sau đó Bác vào Phan Thiết (Bình Thuận), ở lại làm thầy giáo tại trường Dục Thanh, sau đó mới rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Thế là ca khúc “Miền Trung nhớ Bác” ra đời với những cảm xúc sâu lắng, nặng nghĩa tình của một vùng đất nằm giữa non sông, đất nước:

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt
Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc tới miền Trung
Để sớm nay con đi giữa đoàn quân
Trong gió biển chan hoà đi theo dấu chân Bác.

Đường miền Trung non xanh nước biếc
Xin hỏi đường nào Bác đã qua đây
Khi Bác tìm đường cứu nước ai hay
Trời miền Trung mưa tuôn nắng cháy
Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm đường
Để bây giờ đất gọi nỗi nhớ thương.

Trái tim phương Nam luôn hướng về ngoài Bắc,
Ở đó Bác Hồ Người gọi : Ơi Miền Nam!
Đường cách xa bao la đất miền Trung,
Không biết hồi bây giờ quê ta trong tim Bác.

Trời Bình Khê trong xanh bát ngát.
Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha
Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa.
Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát.
Lúc tiễn đưa lưu luyến bến nhà Rồng,
Để bây giờ hát mãi nỗi nhớ thương”.
(Bài hát “Miền Trung nhớ Bác)

Tổ quốc thống nhất thì Bác đã đi xa, đồng bào miền Nam không được đón Bác vào thăm. Ngay từ lời mở đầu bài hát, biết bao kỷ niệm ùa về gắn chặt với nỗi đau của một đất nước chìm trong đêm dài nô lệ, nhưng vẫn không một thế lực nào ngăn cản được tình cảm nhân dân miền Trung đối với Bác Hồ. Nối niềm bùi ngùi, tiếc thương trào dâng trong mỗi ca từ:

"Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt,

Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm miền Trung”.

Nhạc sĩ Thuận Yến đã vận dụng các làn điệu dân ca để chắp cánh cho tác phẩm của mình. Bài hát càng được bay xa khi người nghệ sĩ vận dụng thành công các loại khí nhạc, nhạc cụ dân tộc để làm đẹp hơn ca từ, đặc biệt là làm đẹp hơn những giai điệu âm thanh hòa tấu từ tiếng đàn bầu thánh thót và tiếng đàn tam thập lục sâu đậm nghĩa tình quê hương. Do đó người nghe không chỉ được “thẩm thấu” sâu sắc nội dung bài hát mà còn được hòa nhịp vào những âm sắc sâu lắng, ngọt ngào của tiếng đàn bầu thánh thót:

 “Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha

 Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa”.

 Cung thanh réo rắt tiếng đàn bầu hòa vào nỗi đau dân tộc và tan chảy trong trái tim đồng cảm của đồng bào miền Trung ngày đưa Bác lên đường. Cung trầm của tiếng đàn bầu vang lên sau đó, chở nặng nỗi niềm da diết của người dân:

“Đường cách xa bao la đất miền Trung

Đâu biết hồi bấy giờ quê ta trong tim Bác”.

Bài hát thăng hoa một lần nữa khi có thêm dàn nhạc đệm của đàn tam thập lục:

Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát.

Lúc tiễn đưa lưu luyến bến nhà Rồng,

Để bây giờ hát mãi nỗi nhớ thương”.

Ca khúc “Miền Trung nhớ Bác”, nhạc sỹ Thuận Yến lại đưa người nghe theo bước chân của Bác Hồ đi dọc miền Trung, từ Huế nơi Bác học trường Quốc học, qua Quảng Nam đến Bình Khê thăm người cha làm tri huyện… trước khi Người đến bến nhà Rồng tìm đường cứu nước. Để rồi, cuối bài, nhạc sỹ đã nói hộ tiếng lòng của người dân miền Trung, khi nhớ về Bác:

“Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường

Để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương…”.

Trước khi trở thành nhạc sĩ, Thuận Yến là một người lính. Ông tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935, tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1949, chàng thanh niên Đoàn Hữu Công tham gia cách mạng làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách ở Khu ủy Liên khu V. Chính những cuốn sách về âm nhạc trong kho sách đã giúp Công mày mò tự học và tập sáng tác; niềm đam mê âm nhạc còn được nuôi dưỡng qua những buổi ngồi xem các nghệ sĩ đóng kịch, hát bài chòi, rồi được học đàn guitar với những nốt nhạc đầu tiên. Năm 1953, Đoàn Hữu Công biệt phái sang quân đội. Trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, ông theo Khu ủy mở mặt trận Bắc Tây Nguyên và được giao nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và dân công. Do có năng khiếu âm nhạc nên năm 1961, ông được cử ra Bắc học Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).

Năm 1965, Thuận Yến xung phong đi chiến trường, về Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. Thời gian này ông mới quyết định chọn bút danh là “Thuận Yên” ghép từ các chữ Duy Thuận (tên quê cha) và Duy Yên (tên quê mẹ). Nhưng khi gửi tác phẩm ra Hà Nội, người biên tập và phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đều tưởng là “Thuận Yến”, nên đọc là “Thuận Yến”. Ông cũng để nguyên như vậy. Các tác phẩm của Thuận Yến phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân nơi chiến trường; những bài hát của Thuận Yến cũng có thể coi là một phần của cuốn biên niên sử Liên khu V như: “Mỗi bước ta đi” , “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, “Hát mừng quê ta giải phóng”, “Chia tay Hoàng hôn” (thơ Hoài Vũ )… Khi đất nước thống nhất, ngoài những ca khúc viết về tình yêu được nhiều người yêu thích, Thuận Yến còn có những ca khúc hay về đề tài người lính như: “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ Dương Soái); “Màu hoa đỏ” (thơ Nguyễn Đức Mậu)…

Năm 1971, Thuận Yến được trở lại miền Bắc, theo học chuyên ngành sáng tác hệ Đại học tại Nhạc viện Hà Nội; vừa học ông vừa hoàn thành tác phẩm Giao hưởng “Khúc ruột miền Trung” gồm 5 chương. Tốt nghiệp Nhạc viện, ông về công tác tại Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng (sau này là Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2). Năm 1993, ông làm Trưởng ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông mất ngày 24 tháng 5 năm 2014.

Trong quãng đường dài hoạt động âm nhạc của mình, Đại tá, Nhạc sĩ Thuận Yến được tặng nhiều giải thưởng của Bộ Văn hóa (năm 1984 và 1987), Bộ Quốc phòng (năm 1999); giải Nhì cuộc thi ca khúc nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Mười; giải Ba cuộc thi nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992 - 1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thuận Yến được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I. Ngày 19- 4- 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật với chùm ca khúc: “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Chia tay Hoàng hôn” và “Người về thăm quê”.

Những tác phẩm của Thuận Yến có sức sống vượt thời gian, mang giá trị rất cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội. Thuận Yến được coi là một trong những "cây đại thụ" của nền âm nhạc Việt Nam, người dìu dắt và tạo cảm hứng cho nhiều ca sĩ, nghệ sĩ lớn sau này như Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, ca sĩ Việt Hoàn, Quang Linh, Tùng Dương...

                              Tô Kiều Thẩm