Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng


              Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới

Rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.

Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười).

Ba ngày Tết này mang các ý nghĩa khác nhau: Tết Thượng Nguyên là Tết hướng thiên cầu phúc an lành, Tết Trung Nguyên là địa quan xá tội, Tết Hạ Nguyên là thủy quan giải ách.

Ngày Rằm tháng Giêng theo Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh có ba ý nghĩa: ngày Vía Phật, ngày Tết Nguyên tiêu và ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới.

Thứ nhất, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Người ta cho rằng tất cả những may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. Vì thế, đối với người theo đạo Phật, trừ ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm. Họ thường lên chùa thắp hương cầu mong may mắn, an lành cho bản thân, gia đình.

                          Ảnh minh họa

Thứ hai, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu. Người xưa kể lại rằng, trong ngày này, có một vị vua luôn cho mời các trạng nguyên vào hầu triều, nói chuyện và thiết đãi yến tiệc nhân dịp đầu năm.

Vào buổi tối, vua và các trạng sẽ vào vườn Thượng Uyển để ngắm trăng và vịnh thơ. Từ đó, người ta coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu, là ngày Tết của các vị vua và trạng.

Thứ ba, Rằm tháng Giêng chính là ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Vào ngày này, người Việt thường đi lễ chùa và làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.

Ngày Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu còn được coi là "Tết muộn" vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, là cơ hội để đoàn viên với gia đình nào không may có người thân bị ốm, đi vắng vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm của người Việt, “đầu xuôi đuôi lọt” tức là thời khắc đầu tiên trong năm rất quan trọng. Ngày mùng 1 tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày 15 tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu và cả 2 đều mang hy vọng khởi đầu cho một năm mới hanh thông, an khang thịnh vượng.

Trong ngày này, tại nhiều địa phương vẫn lưu giữ tập tục ăn Tết, gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn. Thậm chí có nơi còn ăn Rằm to hơn cả những ngày Tết. 

Rằm tháng Giêng tại một số nước châu Á được xem là ngày Đức Phật giáng lâm tại các chùa. Với một số nhà tâm linh, ngày này còn là ngày vía thiên quan nên các đền chùa làm lễ cầu an, dâng sao giải trừ tai ách cho năm mới.

Chính vì vậy, từ sau Tết Nguyên đán, ngày 14, hoặc chính Rằm người dân thường tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc… cho cả năm.

    Ảnh minh họa

 - Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi, nếu cần có thể có xôi, chè chay...

- Lễ cúng gia tiên cũng gồm có hương hoa, đèn nến và kèm thêm trầu cau, rượu và mâm cỗ mặn hoặc chay gồm nhiều món như thịt gà luộc, đĩa giò, đĩa xào, bát canh.

Lễ cúng Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 tốt nhất là vào chính ngày rằm, thứ 3, ngày 15/2/2022 dương lịch. Theo lịch can chi là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỷ.

 

                                                Tô Kiều (tổng hợp)