Thơ bay trong đời… nhà thơ Tô Duy Thạch


                         Nhà thơ Tô Duy Thạch.

          Một người làm thơ hơn 60 năm, từ năm mười sáu tuổi nghêu ngao tập ghép vần đến nay xấp xỉ tám mươi mà không in một tập thơ nào cả thì có kỳ cục không? - Kỳ cục… kỳ nhông gì! Mình làm thơ là để… thơ bay trong đời.

          Tô Duy Thạch trả lời tỉnh queo. Anh tự hào làm xong bài thơ, đọc cho bạn bè nghe trong lúc nâng ly thù tạc, xong là quên, là để gió cuốn thơ bay trong cõi đời chứ không cần lưu giữ. Không còn bản nháp, không còn bản lưu, cũng không còn bản in những bài thơ đã giới thiệu trên các tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn, Hà Nội hay ở các tỉnh và quê nhà.

          Chẳng lẽ anh không còn cái gì để trên bàn thờ sau bao năm dan díu với thi ca? Tôi đánh bài chót nhưng anh vẫn không nao núng, vẫn trung thành với ý tưởng… thơ bay trong đời.

          Nhưng Tô Duy Thạch đã nghĩ lại sau một lần nằm bệnh viện. Nguyễn Hồ Nam mổ cò bàn phím với anh ngồi bên nhăn mày, nhíu trán lục lọi từ ký ức những vần điệu, khi thì anh đọc, khi thì ngâm ư ử, rồi rên rỉ đứt quãng vì câu nhớ câu quên. Cuối cùng bản thảo tập thơ “Rừng Biển tương tư” của Tô Duy Thạch cũng hoàn chỉnh, sau nhiều lần anh chợt nhớ đạp xe đến nhà Nam bổ sung. Và “Rừng Biển tương tư” đã chào đời.

          Tôi gặp anh Tô Duy Thạch lần đầu vào những năm 1980. Đêm đó, mấy anh em văn nghệ Phan Thiết ra Phan Rí chơi, ngủ đêm tại nhà anh Huỳnh Hữu Võ gần ngôi chùa ở cầu Nam. Khoảng 2 giờ sáng, anh Thạch ra về. Tôi ngạc nhiên sao anh Thạch không đợi sáng uống cà phê cùng anh em rồi hãy về, anh Võ cười: Nó về cỡi ngựa gỗ. Mãi sau tôi mới hiểu cách cỡi ngựa gỗ của Tô Duy Thạch.

          Khi ta vừa sửa soạn yên cương

          Là lúc ngươi sẵn sàng phóng tới

           Cùng ta lao suốt qua đêm dài

           Cơm áo đời người không thể đợi

          Cơm áo đời người đợi được sao

          Phi mau! Ngươi hãy cố phi mau.

          Lúc này Tô Duy Thạch làm bánh hỏi cho vợ bán để nuôi đàn con lít nhít non chục đứa. Con ngựa gỗ là đồ nghề làm bánh hỏi gồm một cái băng ghế dài có cột cây đòn gỗ dùng để ép bột. Anh cỡi con ngựa gỗ hằng đêm từ khoảng hai đến sáu giờ sáng để bánh hỏi kịp ra lò cho người ăn bữa điểm tâm.

          Cỡi hoài con ngựa gỗ

          Chạy hoài không tới nơi

          Bốn vó câu rục rã

          Đường xa khói bụi mù.

          Bốn vó câu rục rã hay hai cánh tay anh rệu rã vì phải liên tục ép bột? Và đúng là Đường xa khói bụi mù vì lò hấp bánh đốt bằng tre vụn của các trại làm rổ cá hấp thải ra nên un khói mù mịt. Nhà thơ thi vị hóa công việc mưu sinh nặng nhọc của mình một cách thật tài tình.

          Trước khi về quê làm bánh hỏi, Tô Duy Thạch làm nghề ảnh. Anh làm thợ cho các tiệm ảnh, chuyên chụp ảnh và tráng rọi ảnh, ở nhiều nơi. Một lần anh em văn nghệ Tuy Phong đi chơi Bến Tre, anh gọi xe ôm chở đi tìm một tiệm ảnh mà anh xa mới… năm mươi năm chưa một lần trở lại. Anh muốn tìm thăm ông bà chủ tiệm ảnh hồi xửa hồi xưa. Khi trở về, anh buồn rầu kể cho chúng tôi nghe điều mà ai cũng đoán biết trước: tiệm ảnh cũ không còn, ông bà chủ cũ và cả các con của họ cũng không còn ở góc phố đó. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của anh, chúng tôi lây nỗi bùi ngùi thương cảm của anh, một người sâu đậm ân tình. Tôi chắc rằng nếu có điều kiện, anh sẽ đi tìm thăm lại nhiều nơi mà thời trai trẻ anh đã từng đến và ở lại một thời gian với nghề thợ ảnh: Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa, Sài Gòn, La Gi… hay ở Dục Mỹ, nơi có một người con gái tên Phượng. Cô Phượng ngày xưa anh đã tặng thơ:

           Mai rời Trung tâm Tiếp nhận

         Lòng ta Phượng nở nghìn bông

          Em còn sớm chiều quán nhỏ

          Đời ta trăm bước long đong…

          Tôi nghi ngờ khi nhận thơ tặng, tất nhiên cô Phượng rất cảm động nhưng thế nào cô cũng rủa thầm: Đời lính sống nay chết mai, bày đặt thơ với thẩn. Vì lúc này Tô Duy Thạch đang nằm ở Trung tâm Tiếp nhận Dục Mỹ chờ khóa nhập quân trường sau khi cạn đường trốn lính. Vô tư sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào là một “đức tính” giúp Tô Duy Thạch an nhiên tồn tại.

          Mồ côi cha rất sớm, chú bé Thạch mỗi chiều ngồi trước nhà nhìn ra lớp lớp biển nhòa nhòa tan… Với lòng nhớ thương hiu hắt không lời nói ra đối với người mẹ:

          Ngoài ba mươi tuổi mẹ tôi!

          Một thân góa bụa nuôi đàn con thơ

nhưng anh chỉ nghe: Ngọn nồm trở gió buồn vây đất trời, và:

          Biển chiều ai bước lê thê

          Mẹ ơi! Sao mẹ chưa về chiều nay.

          Bài thơ Biển và đời mẹ tôi được Tô Duy Thạch kính dâng mẹ, không chỉ mẹ nhà thơ mà còn là tâm trạng người con đối với những bà mẹ ở vùng biển quê anh:

          Dấu chân mẹ bước thăng trầm

          Đường khuya lối xóm một thân dãi dầu

          Biển đời trong, đục, nông, sâu

          Vai gầy trĩu nặng thương đau một đời.

          Hoàn cảnh phải tự lực từ nhỏ nên nhà thơ sinh trưởng miền biển luôn dạt dào niềm thương cảm với những bất hạnh trong cuộc sống. Trong bài thơ Trường em biển lở, anh:

          Thương những đêm đêm em tôi ngồi học

          Bỏ dở chừng ra ngó nước mênh mông…

          Đời biển giả! Nên nỗi buồn có thật

          Em tôi ơi! Con chữ rớt lâu rồi.

          Và anh cầu nguyện:

          Cám ơn biển! Biển đã cho tất cả

          Con mực hồng, điệp đỏ, cá thu xanh

          Thì xin biển hãy xoay dòng nước lại

          Cát ven bờ xin hãy đắp bồi nhanh.

          Thơ Tô Duy Thạch ân tình ân nghĩa, máu thịt với những gì gắn bó, thân thiết quanh anh, trong cuộc đời anh. Tất nhiên không thể không có Thơ cho hiền nội:

           Em còn hơn bà Tú Xương

          Nuôi đủ bảy con với một chồng

          Khuya sớm không mòn thân liễu yếu

          Ngày mưa tháng nắng vẫn lo toan

          Mới hay số kiếp còn may mắn

          Xin cám ơn! Đời tôi có em.

          Thật không phải khi không nhắc đến tình bạn trong thơ Tô Duy Thạch. Anh có một người bạn:

          Nhà bạn ở cửa sông

          Bập bềnh con nước lớn

          Căn nhà sàn rung rinh

          Như cơn say vừa đến.

          Gặp nhau, bạn mời rượu:

          Uống bữa rượu chiều nay

          Lòng ta vui vô hạn

          Ôi, đời người hữu hạn

          Nỗi buồn lại khôn cùng

          Chiều sông nước mang mang

          Ôm nhau cười chuếnh choáng.

          Nhà bạn ở cửa sông

          Nước khi đầy khi cạn

           Tình bạn mãi mênh mông

          Mãi như là biển lớn.

          Không chỉ tình bạn mà tình mẹ cha, tình vợ chồng, tình yêu thời trai trẻ với Tô Duy Thạch đều mãi như là biển lớn, cả với Con ngựa gỗ vô tri anh cỡi lao qua đêm trường trong cuộc mưu sinh gắn bó với anh bao năm cũng có linh hồn, cũng là một người bạn mà anh dành cho tình cảm đặc biệt.

          Dù in thành tập hay không thì thơ Tô Duy Thạch vẫn lồng lộng… bay trong đời và những vần điệu thể hiện cảm xúc chân thành tinh tế của anh cũng sâu lắng bền bỉ trong lòng bạn đọc.

                     Hồ Việt Khuê (Bình Thuận)