ẤN PHẨM “HỌ TÔ VIỆT NAM” SỐ 25 THÁNG 12 NĂM 2022


 

          Như thường lệ, mỗi khi Tết đến, Xuân về Hội đồng Họ Tô Việt Nam lại xuất bản một ấn phẩm mới, lưu hành trong dòng họ. Năm nay đón Xuân Quý Mão là cuốn “Họ Tô Việt Nam” số 25 tháng 12 năm 2022.

          Ấn phẩm “Họ Tô Việt Nam” số 25 có bìa in 4 màu, 152 trang, gồm 58 bài, được chọn lọc từ gần 780 tin bài đăng trên Trang tin điện tử “Họ Tô Việt Nam” trong năm 2022. Ngoài Thư chúc Tết Quý Mão năm 2023 của GS.TS Tô Xuân Dân – Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam, sách có 5 phần là: Hoạt động dòng họ; Các chi Họ Tô cả nước; Người Họ Tô xưa và nay; Trao đổi thông tin và Văn hóa - xã hội.

          Trong phần “Hoạt động dòng họ” có bài “Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn – Đền Bạch Mã” nói lên sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ trung ương đến thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Buồm cũng như dòng Họ Tô Việt Nam về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Đây là điểm đến với du khách trong nước và quốc tế để Hà nội trở thành trung tâm văn hóa, trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam á. Trong phần này còn có bài “Lễ tuyên dương vận động viên Seagames 31 Tô Thị Trang” người con gái Họ Tô đã mang về Huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Seagames 31 tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tháng 5 năm 2022. Một vinh dự lớn của nền thể thao nước nhà, thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh cũng như dòng Họ Tô Việt Nam.

          Đáng chú ý trong phần “Các chi Họ Tô cả nước” có bài “Dòng Họ Tô trên đất Văn Giang” của phóng viên Hoa Phương báo Hưng Yên. Sau khi viết về các bậc cách mạng tiền bối, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dòng Họ Tô ở Văn Giang, bài viết cho biết: “Để giáo dục thế hệ sau truyền thống hào hùng của quê hương, tri ân, tưởng nhớ những đóng góp của các nhà hoạt động cách mạng, danh nhân văn hóa Họ Tô, ngày nay, huyện Văn Giang có một số công trình mang tên các nhà cách mạng Họ Tô như: Đường Tô Hiệu, Trường Tiểu học Tô Hiệu ở xã Nghĩa Trụ, Trường mầm non Tô Quyền, xã Nghĩa Trụ, Quỹ học bổng Tô Hiệu, Quỹ học bổng Tô Quyền...”.

          Có số bài nhiều nhất (38 bài) là phần “Người Họ Tô xưa và nay” viết về danh nhân lịch sử, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là con trai, con gái, con dâu, con dể Họ Tô; nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ quân đội, công an và các ngành nghề, lĩnh vực công tác, hoạt động ở mọi miền đất nước. Trong đó bài “Thái úy Tô Hiến Thành – từ di tích, truyền thuyết đến không gia văn hóa” là một công trình nghiên cứ khoa học lịch sử, văn hóa xã hội của Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài “Chuyện về những cô giá mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan” viết về Thượng úy chuyên nghiệp Tô Thị Kiều Chinh vượt lên khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Chị tự hào kể “Nhiều người có tiền cũng không mua được trải nghiệm. Tôi may mắn khi được giao nhiệm vụ và góp phần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Khi sinh con ra, tôi sẽ tự hào kể cho con nghe về điều này”. Bài “Nữ cán bộ công an 16 lần tham gia hiến máu tình nguyện” kể về Đại úy Tô Thị Hà, cán bộ Phòng Tham mưu, Công an thành phố Hà Nội, không chỉ công tác tốt mà còn có 16 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Điều này không chỉ thể hiện tình cảm, tấm lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng mà còn lan tỏa rộng rãi tinh thần sẻ chia với đồng chí, đồng đội…

          Bài “Tô Ngọc Vân – Nhà danh họa khả kính” tác giả Đan Thanh viết: “Tô Ngọc Vân (1906 – 1954) bút danh Tô Tử… Chất trí tuệ thể hiện ở phong cách nghệ thuật cộng hưởng với phẩm chất nhân văn cao đẹp của nghệ sĩ còn được thể hiện trong từng nét vẽ nhanh nhẹn xuất thần ở những bức ký họa kháng chiến của nhà danh họa yêu nước. Quan sát kỹ lại những bức ký họa kháng chiến đậm tính thời sự của họa sĩ Tô Ngọc Vân để cảm nhận cái tài và cái tâm của tác giả, ta rất dễ không tránh khỏi một thoáng ngậm ngùi cùng họa sĩ và những đối tượng được ghi lại trong tranh của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc, trong lòng đầy ắp tình người. Những nhân vật trong tranh ký họa của Tô Ngọc Vân dường như đều biểu lộ qua nét mặt và thái độ của họ những ưu tư, trăn trở không tránh khỏi, chẳng khác nào tác giả vì cả hai bên cùng ở trên một đỉnh cao vô cùng nhạy cảm của không gian thời cuộc trước năm 1954 trên đất nước ta…”.

          “Khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919)” nằm trong phần “Trao đổi thông tin” là một công trình nghiên cứu của GS.TS Tô Lê Cường. Ông đã tập hợp được các thể lệ khoa cử như thi Hương, thi Hội, thi Đình; sự ưu đãi với các vị đỗ khoa cử; những vụ việc tai tiếng liên quan đến khoa cử dưới thời phong khiến của nước ta. Đồng thời hoàn thành danh sách câc vị Tiến sĩ, Cử nhân, Hương tiến, Tú tài, Sinh đồ Nho học của Họ Tô thời kỳ 1075 – 1919. Cuối cùng ông kết luận: “Trải qua 844 năm với hàng trăm (?) cuộc thi Hương, thi Hội và thi Đình, gần 3 ngàn Tiến sỹ cùng hàng chục ngàn (?) Cử nhân, Tú tài là nguồn nhân lực đáng kể cho các cơ quan công quyền Nhà Nước. Số người đã đỗ khoa cử còn là lực lượng sĩ phu đóng góp phần lớn vào phát triển nền văn học, văn hóa nước nhà và là tài nguyên quý giá của dân tộc. Cụ thể hơn, tỷ lệ số các cụ Họ Tô đỗ Đại khoa  Nho học là 8/2.898 lượt vị, tỷ lệ đỗ Trung khoa là 35/9.785 và Tiểu khoa là 19/7.241 ứng với tỷ lệ rút gọn là l/362; 1/280 và 1/381…”.

          Cuối cùng là phần “Văn hóa xã hội” có bài “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta” thơ của Vũ Xuân Tửu, qua lời bình của Bùi Thị Mai Anh, đăng trong tập thơ “Miếng trầu xanh”, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1998. Có đoạn: “Khi nhà thơ khuyên: “Cho cháu về quê nội” thì “Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha”. Không ai tới thăm, đứng ngắm hình tượng nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng nơi xa xăm mà không động lòng thương cảm. Dãi dầu mưa nắng cùng thời gian, người phụ nữ thủy chung ấy có thêm hy vọng khi bồng con đứng trên đỉnh núi.  Vũ Xuân Tửu, là đàn ông, nhà thơ cũng chỉ có thể khuyên chị “cho cháu về quê nội” mà không thể hiểu hết lòng người đàn bà hóa đá kia: Dù sao chị cũng không đơn độc trong cuộc đợi chờ dài nhiều thế kỷ. Và chị mong khúc khải hoàn đón chồng trở về không chỉ có chị mà còn có cả con, tức là không phải chỉ có mình chị mong anh trở về mà là cả gia đình mong ngày đoàn tụ. Và nếu không có niềm tin mãnh liệt ấy, không thể có hành động của Tô Thị “Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha”.

           Phần này còn giới thiệu nhà thơ Tô Hoàn với bài thơ “Đêm mưa” cảm động và được nhiều người ưa thích:

                       Con về thăm mẹ chiều mưa,

                                         Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên

                          Hạt mưa sợi thẳng, sợi xiên,

          Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.

          Con đi đánh giặc một đời,

                                          Mà không che nổi một nơi mẹ nằm.

          Ấn phẩm “Họ Tô Việt Nam” số 25 tháng 12 năm 2022, tập hợp các bài báo, công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, đăng trên các ấn phẩm báo chí viết về dòng họ Tô và con người Họ Tô trong các thời kỳ lịch sử (nhiều nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay) trên khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó cho thấy các chi Họ Tô, Hội đồng Họ Tô, người Họ Tô ở các nơi đang cùng các dòng họ khác và toàn dân tộc lao động, công tác phấn đấu cho dòng họ và xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

             Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm