Tái hiện nghi thức Tiến Xuân Ngưu tại lễ hội đền Bạch Mã


 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tại đền.

          Ngày 3-3-2023 (tức 12 tháng hai năm Quý Mão), tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Bạch Mã (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long, UBND quận Hoàn Kiếm long trọng tổ chức Lễ khai hội đền Bạch Mã. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn dự.

          Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông thành Thăng Long, nơi thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La. Truyền thuyết dân gian và thần phả tại đền ghi lại, vào năm 1010, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, đã cho đắp thành, nhưng hễ đắp lên lại sụp đổ. Vua sai biện lễ cầu thần phù hộ thì ngay trong đêm đã được thần Long Đỗ báo mộng, chỉ hướng theo vết chân ngựa mà đắp thành, dựng lũy. Từ chỉ dẫn này, việc xây thành, đắp lũy tại kinh đô mới được hoàn thành. Để tạ ơn, vua cho tạc tượng ngựa trắng để thờ, đồng thời ra sắc phong thần Long Đỗ là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”, hằng năm mở hội để tưởng nhớ công ơn.

          Theo đó, Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra trong hai ngày 12 đến 13 tháng Hai âm lịch, với các nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, như: Lễ rước kiệu với các đội múa sư tử, rồng, trống, chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; nghi thức dâng hương, tế lễ và đặc biệt là lễ Tiến Xuân Ngưu - tái hiện một nghi lễ quan trọng của Lễ hội đền Bạch Mã từ xa xưa, thể hiện tinh thần trọng nông của cha ông ta, với hình ảnh mục đồng, mô hình trâu có kích thước bằng trâu thật, quan tri phủ và hai quan tri huyện thành Thăng Long, cùng các lính hầu…

          Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm Trần Thị Nga, Lễ hội là hoạt động văn hoá trọng tâm của quận Hoàn Kiếm, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tấm lòng thành kính với công đức của cha ông và tôn thờ thần Long Đỗ - vị thần có công trong việc xây dựng và bảo vệ kinh thành Thăng Long.

                                   Nhiều nghi thức cổ truyền được tái hiện tại lễ hội.

          “Lễ hội đền Bạch Mã còn gắn liền với lễ tiến Xuân Ngưu (lễ hội dâng trâu mùa xuân) của đất Thăng Long. Nghi lễ này có ý nghĩa là tống tiễn mùa đông và đón nhận mùa xuân. Nhưng trong thực tế sản xuất, con trâu còn là "đầu cơ nghiệp", là sức kéo cơ bản trong nông nghiệp nên rước trâu còn có ý nghĩa khuyến nông. Như vậy, lễ tiến Xuân Ngưu vào ngày lập xuân là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình, lại vừa có tính tín ngưỡng dân gian của Kinh thành Thăng Long, góp phần làm giàu thêm giá trị di sản Lễ hội đền Bạch Mã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, bà Trần Thị Nga nói.

          Nguyễn Thanh (Hà Nội mới)