Họ Tô thôn An Trường phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi


Giờ học theo mô hình trường học mới của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Phổ Ninh (Ảnh TL).

          Họ Tô thôn An Trường, phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có 1 quyển kỷ yếu xuất bản năm 2010, chủ yếu là nói về tình hình chi họ hiện nay, còn phần xa xưa thì không có. Điều này cũng là tất yếu vì Quãng Ngãi là vùng kinh tế khó khăn, lại trải qua 30 năm chiến tranh, con cháu Họ Tô ly tán khắp nơi. Mãi đến năm 1995 mới tìm về quê hương tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên để cũng cố lại việc họ. Lúc đó các cụ cao tuổi hiểu biết về việc họ đều đã qua đời, lớp người cao tuổi nhất còn lại lúc đó cũng tuổi 70 - 80 nhưng xa quê gần nửa thế kỷ, các tài liệu của họ nếu có cũng bị thiên tai, địch họa phải hủy hết nên việc tìm về cội nguồn là rất khó khăn.

          Mở đầu cuốn kỷ yếu viết: Tồn tại qua nhiều thế kỷ, từ đời này sang đời khác, Họ Tô con trưởng gồm ba phái, phái trên, phái giữa, phái dưới, cư ngụ theo từng cụm dân cư kéo dài từ phía Bắc thôn (bờ Nam sông Trà Câu) đến phía Nam thuộc các thôn Vĩnh Bình, Vĩnh Lạc.

          Hội nghị đại biểu Họ Tô An Trường lần thứ nhất ngày 4-4-1995 đã quyết định hợp nhất ba phái Họ Tô thành Họ Tô An Trường  thống nhất.

          Đến hội nghị đại biểu Họ Tô An Trường lần thứ hai ngày 18-4-2010 quyết định tổ chức Họ Tô An Trường  thành 10 nhánh họ và lấy nhánh họ làm cơ sở để viết gia phả.

          Thủy tổ chi họ tên là gì, từ đâu đến thôn An Trường, con cháu hiện nay không biết. Còn thời gian Thủy tổ đến An Trường có thể vào giữa thế kỷ 17. Ở 2 phường  Phổ Ninh và Phổ Văn cùng trong thị xã Đức Phổ cũng có 1 chi Họ Tô khá lớn mà Thủy tổ là người miền Bắc vào Quảng Ngãi đầu thế kỷ 17. Hai bên cũng đã liên lạc chắp nối nhưng chưa có đủ căn cứ để nhận nhau là cùng một gốc.

          Tuy Thủy tổ đến Thôn An Trường đã hơn 300 năm nhưng không còn tài liệu ghi chép lại, nên hiện nay chi họ mới đến đời thứ 8.

          Chi họ có 40 nhánh  sống ở quê An Trường hiện nay là các nhánh 3, 5, 6, 8, 9, 10 với 45 hộ, 128 nhân khẩu.

          Các nhánh 1, 2, 4, 7 và một số gia đình của các nhánh ở quê do chiến tranh ly tán, do đi làm ăn định cư ở các địa phương như Thành phố Quảng Ngãi, Thành phố Hố Chí Minh, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nghệ An, Bình Định, Bến Tre số hộ, số nhân khẩu khá đông chưa thống kê được cụ thể.

          Số sống ở quê chủ yếu là làm nông nghiệp, một số ít buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, công nhân, viên chức đời sông đủ ăn.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Họ Tô thôn An Trường có 12 người tham gia lực lượng vũ trang, có 2 liệt sỹ. Số người tốt nghiệp đại học khá  nhiều nhưng định cư ở nơi khác không nắm được, chỉ nắm được số ở quê là 5 người.

          Nhà thờ cũ chi họ đã có từ lâu, nhưng trong kháng chiến chống Mỹ bị giặc đốt phá, việc thờ phụng Tổ tiên phải làm ở nhà Trưởng tộc. Năm 1995 ông Tô Hòa thuộc Nhánh 1, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng về đã hiến tặng mảnh vườn rộng 758m­2 trên đất có ngôi nhà rộng 48m2 để làm nhà thờ. Giỗ Tổ hàng năm vào ngày Thanh Minh ngày 6 tháng Ba âm lịch từ năm 1995 đến nay được tổ chức trọng thể, con cháu ở xa nhiều người cũng về dự.

           Tô Hòa (Nhánh 1) và Tô Công Trình (Nhánh 8)