HỌ TÔ XÃ VĨ THƯỢNG, HUYỆN QUANG BÌNH, HÀ GIANG


                     Mô hình trồng dâu nuôi tằm thoát nghèo của nhân dân xã Vĩ Thượng

          Theo lời ông bà truyền lại: Thủy tổ chi Họ Tô xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình, Hà Giang), là cụ Tô Văn Nhì. Người từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào Lạng Sơn, qua Tuyên Quang, rồi đến xã Vĩ Thượng định cư năm 1830, lúc đó cụ Nhì 34 tuổi. Cụ Nhì kết duyên với cụ bà Hoàng Thị Kim, dân tộc Giáy, người cùng xã Vĩ Thượng. Sau 10 năm chung sống, làm ăn khấm khá, cụ Nhì mới có tiền tậu ruộng, tậu trâu để vợ con làm ruộng. Cụ chuyên làm nghề buôn bán lợn thịt. Hai cụ sống với nhau được 30 năm.

          Cụ ông Tô Văn Nhì, sinh năm 1796, mất 1865; cụ bà Hoàng Thị Kim sinh năm 1817, mất năm 1890. Hai cụ được suy tôn là Thủy tổ của chi Họ Tô Vĩ Thượng, thuộc đời thứ nhất của chi họ.

          Hai cụ sinh được 2 người con: Con cả Tô Văn Giang, sinh năm 1836, mất năm 1893; con thứ hai là Tô Văn Eng.

          Ông Tô Văn Giang sinh được 2 người con (1 gái, 1 trai). Con trai Tô Văn Thông sinh năm 1870, mất năm 1930. Tô Văn Thông sinh được 9 người con (5 trai, 4 gái).

          Ông Tô Văn Eng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái); 3 người con trai là Tô Văn Lành, Tô Văn Đốc và Tô Văn Cương.

          Chi Họ Tô xã Vĩ Thượng hiện nay phát triển đến đời thứ 8, có 79 hộ, 289 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính của chi họ từ trước đến nay là làm ruộng. Một số thoát ly làm công chức nhà nước, làm nghề dạy học và các nghề khác như buôn bán, dịch vụ. Hiện nay, số tốt nghiệp đại học có 18 người, trong đó có gia đình ông Tô Văn Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Vĩ Thượng có 5 người tốt nghiệp đại học.

          Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Hà Giang, con cháu các thế hệ Họ Tô xã Vĩ Thượng đã tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ những năm 1940 – 1945, ông Tô Văn Cương, đời 3 đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1946 – 1947 ông là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Vĩ Thượng, Chủ tịch Huyện bộ Việt Minh huyện Bắc Quang. Hội trưởng Hội Liên Việt huyện Bắc Quang.

          Đời thứ 4 có ông Tô Văn Phúc, sinh năm 1908, tham gia cách mạng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948 tại xã Vính Phúc, huyện Bắc Quang. Sau đó được phái về xã Vĩ Thượng xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở đây.

          Chi họ có một Thượng tá là Tô Đình Tuấn – Trưởng ban Trinh sát Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Nhiều người con Họ Tô xã Vĩ Thượng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

          Do kinh tế còn khó khăn, chi họ chưa xây dựng nhà thờ riêng. Hằng năm vào các ngày mùng 1, 2, 3 Tết Nguyên đán, con cháu đều thắp hương tưởng nhớ cụ Thủy tổ Tô Văn Nhì và cụ bà Hoàng Thị Kim cùng tổ tiên tại các gia đình đời thứ 5 của chi họ.

          Vào ngày chính tiết thanh minh hằng năm, các gia đình trong chi họ đóng góp tiền mua lễ vật, viếng mộ cụ Tổ, ngôi mộ gốc của chi họ ở “Khuổi Rò”, thôn Hạ Sơn, xã Vĩ Thượng.

          Chi Họ Tô xã Vĩ Thượng tuy sống ở nông thôn miền núi, thuộc vùng sâu vùng xa, nhưng con cháu trong chi họ có truyền thống của cha ông là lao động cần cù; biết đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, lúc khó khăn, lá lành đùm rách. Do đó các hộ trong chi họ có công việc lớn, đột xuất xảy ra, chi họ đều giải quyết được nhanh chóng, suôn sẻ và đầm ấm.

                                                                    Tô Văn Phượng (đời thứ 5)