HỌ TÔ VIẾT MINH THÀNH, YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN


         Nhiều gia đình ở Minh Thành phát triển kinh tế từ cây cam (Ảnh TL)

          Minh Thành thuộc miền núi của Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện 10km và cách thành phố Vinh 60km về phía Bắc.

          Họ Tô Viết, Minh Thành là chi họ lớn nhất xã, có nguồn gốc từ tỉnh Hà Tĩnh qua câu đối trong từ đường họ:

                    Canh Hoạch – Thái Bình nguyên đầu thủy

                    Vân Tụ - Đông Yên phái dẫn trường

          Nghĩa là từ tổng Cạnh Hoạch, thôn Thái Bình Đoài (nay là Thạch Bằng, Thạch Hà) tỉnh Hà Tĩnh ra làng Đông Yên, tổng Vân Tụ, huyện Đồng Thành, phủ Diễn Châu định cư lập nghiệp nay là Minh Thành, Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

          Theo gia phả ghi lại thì khoảng cuối thế kỷ 17, khi đất nước loạn lạc, Thủy tổ là ông Tô Viết Sáng và bà Nguyễn Thị Tứ ra vùng đất Đông Yên để khai cơ lập nghiệp.

          Trải qua hơn ba thế kỷ, nhờ hồng phúc Tổ tiên, Họ Tô Viết ngày càng lớn mạnh, nay đã đến đời thứ 13, có 7 phái với 120 hộ và hơn 600 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở Minh Thành. Ngoài ra có một số hộ làm ăn sinh sống ở địa phương khác như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắc Lắc, Gia Lai, Ninh Bình, Lào Cai.

          Số sống ở quê chủ yếu là làm nông nghiệp và ngày càng có nhiều người chuyển sang kinh doanh, dịch vụ. Đời sống kinh tế khá, một số hộ giàu có, không còn hộ nghèo.

          Chi họ có truyền thống yêu nước:

          Thời hậu Lê, đời thứ ba, ông Tô Nguyên Hậu có công đánh giặc ngoại xâm được triều đình phong từ Bá hộ lên Thiên hộ. Sau khi ông tử trận được lập mộ gió tại xứ Đồng Chùa và lập đền thờ ở Rú Làng, thường gọi là đền Ông Hậu. Ông được triều đình phong 4 chữ “Tráng – Tiết – Kiệt - Trung” và phong là “Dực báo trung hưng tôn thần”.

          Đến triều Nguyễn có Tô Viết Trác, sinh năm 1838, là một điền chủ giàu có nổi tiếng trong vùng và giàu lòng yêu nước. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đã hết lòng cung cấp quân lương cho nghĩa quân của ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn. Ông đã bố trí cho ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn và sau này cho ông Đình Nguyên Phan Đình Phùng lưu trú trong nhà thờ Họ Tô để cùng các ông đàm đạo văn chương và bàn việc nước. Ông đã được Phan Đình Phùng đổi tên là Tô Bá Ngọc. Ông đã bị giặc Pháp cho quân lính về vây bắt, khép vào tội “tàng trữ quan trên, hưng trung bạo nghịch”, đưa đi xử bắn ở đồn chợ Rỏi, thuộc xã Minh Thành để thị uy dân chúng.

          Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, nhiều người trong họ đã cống hiến cả cuộc đời. Chi họ có 60 đảng viên, có 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 người là Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Hàng trăm con em trong họ đã tham gia lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong họ có 3 liệt sĩ chống Pháp và 5 liệt sĩ chống Mỹ.

          Với tinh thần hiếu học, trong họ có 100 người có bằng đại học và hàng chục Thạc sĩ. Chi họ đã lập được gia phả bằng chữ Hán, do cụ Hồ Tùng Lâm biên soạn, ghi ngày 25 tháng Năm năm Tân Tỵ (1941), năm Bảo Đại thứ 16. Gia phả đã được dịch ra chữ quốc ngữ và bổ sung tiếp đến đời 13.

          Nhà thờ đại tôn đã có từ lâu đời, theo dấu khắc trên gỗ thì nhà thờ được xây dựng năm 1906. Năm 1976 theo chủ trương di dân lên đồi, nhà thờ được di chuyển đến địa điểm mới, tại Đội 6, xã Minh Thành. Năm 2013 lại được con cháu đóng góp công của tôn tạo, trùng tu có thượng điện, hạ điện, sân hành lễ và nhà tiếp khách, có đầy đủ đồ tế khí.

          Hằng năm chi họ có hai lần giỗ vào ngày 20 tháng Mười (âm lịch) giỗ cụ Thủy tổ Tô Viết Sáng và cụ bà Nguyễn Thị Tứ; ngày 15 tháng Năm (âm lịch) giỗ Tướng công Tô Nguyên Hậu cũng là ngày tưởng niệm các tiên liệt liệt sĩ hy sinh trong chống Pháp, chống Mỹ.

          Ngoài nhà thờ đại tôn còn các nhà thờ nhánh của các chi, trong đó có nhà thờ ông Tô Bá Ngọc được tỉnh Nghệ An cấp Bằng Di tích lịch sử cánh mạng.

                              Tô Hồng Hải (đời 11)