
Chị Tô Thị Mai Hoa (giữa) hiến máu tình nguyện tại Ngày hội hiến máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Từng trải qua các cương vị: Bí thư Đoàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nay là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, chị Tô Thị Mai Hoa chưa khi nào thôi nhiệt huyết với phong trào hiến máu tình nguyện. Bản thân chị 14 lần hiến máu và tuyên truyền, vận động được hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu tình nguyện. Năm 2020, chị vinh dự là 1 trong số 100 gương hiến máu tiêu biểu toàn quốc được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh tại Hà Nội nhân “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6”.
Trò chuyện với chị xoay quanh phong trào hiến máu tình nguyện của ngành Y tế, chị luôn miệng bảo: “Chị làm được gì đâu mà viết, thành tích này là của toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân”. Duyên hiến máu đến với chị tình cờ khi có trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần máu, lúc ấy chị còn là sinh viên Y khoa. Lần đầu tiên hiến máu cho người bệnh, chị cũng coi đây là chuyện bình thường khi mình có sức khỏe thì hiến cho bệnh nhân lúc họ cần. Có lẽ học trong ngành Y, am hiểu về máu nên chị không có cảm giác lo sợ khi hiến tặng máu cho người bệnh, mặc dù khi ấy phong trào hiến máu tình nguyện chưa được phát triển như hiện nay”.
Là người luôn năng nổ, nhiệt tình nên chị có duyên với các phong trào hoạt động của tổ chức Đoàn, nhất là phong trào hiến máu tình nguyện. Năm 2004, chị được bầu làm Bí thư Đoàn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Năm 2008, Hội Chữ thập đỏ tỉnh bắt đầu phát động phong trào hiến máu tình nguyện, với vai trò là thủ lĩnh Đoàn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị tuyên truyền, vận động đến toàn thể đoàn viên tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện và bản thân chị là người tiên phong.
Với số đơn vị máu còn khiêm tốn, chị luôn trăn trở làm sao để mọi người dân đều hiểu rõ được tác dụng, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện. Năm 2009 khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị luôn quan tâm, sát sao với phong trào, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền lưu động trước, trong ngày tổ chức hiến máu tình nguyện, treo tranh ảnh, pano, áp phích, phát tờ rơi cho người dân, người nhà bệnh nhân… Những năm tiếp theo phong trào hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dần đi vào nền nếp, ổn định, số đơn vị máu hàng năm ngày càng tăng. Từ những ngày đầu chỉ có đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện thì đến năm 2012-2014 các cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân, người nhà cán bộ, y, bác sĩ cũng đến tham gia khi có chương trình hiến máu tại bệnh viện. Đây được coi là bước thành công cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Năm 2015 khi ở cương vị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, phong trào hiến máu tình nguyện được chị đưa vào là một trong những hoạt động quan trọng hàng năm của ngành Y tế hướng tới kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Lễ hội Xuân hồng được phát động trong toàn ngành Y tế với sự tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện của hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ của tất cả các bệnh viện trong tỉnh, số đơn vị máu tăng dần hàng năm. Cụ thể, năm 2016, số đơn vị máu chỉ đạt hơn 100, năm 2017, đạt gần 1.000 đến năm 2020, đạt 1.400 đơn vị máu thu hút hơn 2.500 cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu tình nguyện.
Là người luôn hết mình vì phong trào Hiến máu-cứu người chị tâm niệm đó là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Chị tâm sự: “Thành công lớn nhất của phong trào hiến máu tình nguyện ngành Y tế Bắc Ninh chính là việc tuyên truyền, vận động đến cán bộ, y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân đạt hiệu quả để mọi người cùng thấy rõ mục đích, ý nghĩa và tác dụng của việc hiến máu tình nguyện. Bởi máu là một chế phẩm quý không gì có thể thay thế được, việc hiến máu tình nguyện theo đúng thời gian thì không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp người hiến máu có lượng máu mới dồi dào khỏe mạnh hơn. Đây cũng là dịp để mọi người kiểm tra sức khỏe của bản thân, còn được hiến máu có nghĩa là sức khỏe của mình vẫn bình thường…”.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia hiến máu, chị còn tích cực vận động bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khu phố cùng hiến máu tình nguyện, bản thân gia đình chị gồm chồng, con cùng tham gia hiến máu.
Trò chuyện với chị, tôi càng hiểu hơn về giá trị “Cho đi là còn mãi”, những giọt máu hồng nồng ấm được mỗi người tình nguyện hiến tặng sẽ được truyền cho những bệnh nhân cần máu để họ tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, hướng tới ngày mai tươi sáng hơn. “Người dân Việt Nam nếu có đủ sức khỏe đều nên có trách nhiệm tham gia hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được nhân lên cho xã hội thêm giàu lòng nhân ái.” Đó chính là ước nguyện của chị-người thuyền trưởng ngành Y tế Bắc Ninh.
Minh Hường (Bắc Ninh)
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
- Đang còn tới 2.805 công trình dự án có nguy cơ gây lãng phí
- Tô Thị Yến Trinh - Người cán bộ Mặt trận khu phố tâm huyết
- TS. Tô Văn Trường: Cần có khung pháp lý kiểm soát và định hướng phát triển AI
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Binh chủng Tăng thiết giáp
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Sáp nhập tỉnh không phải "2 cộng 2 bằng 4" mà "2 cộng 2 lớn hơn 4"
- Tinh gọn bộ máy: Trung ương ban hành đồng bộ các văn bản, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ
- Tổng Bí thư trả lời câu hỏi về lựa chọn cán bộ khi sáp nhập tỉnh, xã
- Tổng Bí thư gợi mở miễn phí bữa trưa cho học sinh, Hà Nội nên tiên phong
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



