Nhà thơ Tô Hoàn
Tô Hoàn sinh năm 1949, quê ở Việt Yên, Bắc Giang. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường vùng Trung Trung Bộ. Trải qua những gian khổ hy sinh, thơ ông nặng nợ với đề tài chiến tranh, người lính.
Tô Hoàn tự bạch: “Người làm thơ tự tìm kiếm cho mình một giọng thơ riêng. Người thơ cần có tri âm, tri kỷ để sẻ chia, giãi bày. Nhưng thơ lại không hợp với ồn ào lòe loẹt. Theo tôi nghĩ, thời nào cũng vậy, với thơ, chỉ cần một từ HAY là đủ”.
Những tác phẩm chính của ông đã xuất bản: “Có một lời ru” (1989), “Phía nào cũng gió” (2004), “Giấc mơ của nắng” (thơ thiếu nhi, 2007), “Đã cuối mùa em” (2014). Ông từng nhận được các giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải thưởng thơ 5 năm của tỉnh Bắc Giang lần thứ II, lần thứ III; Giải nhì cuộc thi thơ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2014) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU giới thiệu
Với xa xăm
Im tiếng súng, người lính về với mẹ
Bước như say trên cánh đồng chiều
Màu áo bạc cánh rừng săng lẻ
Khuôn mặt gầy như đá màu rêu.
Người lính ấy có một thời để nhớ
Cùng bạn bè hát chót đỉnh Trường Sơn
Chung cơn sốt rung bom tọa độ
Trận đói dài xiêu vẹo cả hoàng hôn.
Người lính ấy có một thời để nhớ
Tuổi hai mươi vuốt mắt bạn binh nhì
Giá ngày ấy có chừng vài lon gạo
Nhúm muối hầm chắc bạn chửa ra đi
Dù núi đổi sông rời, quên sao được
Măng đắng A-lon, sắn dẻo A-Sầu
Đường tải đạn mùa nào em cũng ướt
Sông Thu Bồn cuốn xác bạn về đâu?
Im tiếng súng, người lính về với mẹ
Ngôi nhà mưa tí tách chỗ anh nằm
Ngày giáp hạt rau đồng muối bể
Đêm chong đèn thao thức với xa xăm.
----------
Phía nào cũng gió
Nhớ năm nao
sông núi chửa yên bình
lửa cháy đỏ
mắt hoàng hôn ngóng đợi
thời gian nhòe
những lá thư đứt nối
Ngày anh về
em quá tuổi ba mươi
Đất gặp trời
giường chiếc bỗng có đôi
tuần trăng mật
đêm nào trăng cũng ấm
đời vợ lính
hạnh phúc cầm rất mỏng
trăng đương đầy
nguyệt thực phía người đi
Trái đất tròn
đầm nước mắt chia ly
trăng vò võ
nhớ thương mòn bậu cửa
Đêm dậy trở
phía nào cũng gió
---------
Tôi gọi rừng già
Thế mà đã mấy mươi năm
Ánh cây bóng cỏ bạn nằm giờ đâu?
Rừng hoang rờn rợn một màu
Cây nằm dây đứng đan nhau rối bời
Hỏi chim-chim lặn vào trời
Hỏi mây-mây xõa tóc trôi trắng ngàn
Gió còn mải với lang thang
Nắng thì tham chút sắc vàng nơi xa
Thắp hương, tôi gọi rừng già
Rừng im. Tiếng gọi rụng qua tay mình
-----------
Có một lời ru
Bố về hưu tuổi bốn mươi
Lần đầu cất tiếng ơi hời ru con
Ơi hời con ngủ cho ngon
Về hưu bố được ru con... ơi à
Cái thời con chửa sinh ra
Cái thời cha mẹ còn là... à ơi
Đôi mươi mười tám tuổi đời
Sáng trong như ánh sao trời và con
Nín đi con, ngủ đi con
Bao nhiêu trăng khuyết trăng tròn bố qua
Đói cơm, đói cả thư nhà
Người nằm lại khắp rừng già rừng non
Ăn trong đạn, ngủ trong bom
Áo sờn cùng với áo sờn... à ơi
Bố về hưu tuổi bốn mươi
Ru con lòng bố rối bời bên con
Ngủ đi con ngủ cho tròn
Mảnh vườn của bố vẫn còn không cây
Nhà ta mưa nắng vào đầy
Mẹ con lặn lội tối ngày đồng xa
Ngủ ngoan con ngủ ơi à
Mai rồi con sẽ nhận ra cuộc đời
Bố về hưu tuổi bốn mươi
---------
Nhớ lắm rừng ơi
Xa rừng rồi nhớ lắm rừng ơi!
Đêm vẫn mơ đầy trời săng lẻ
Cây cõng gió làm ta thêm nhớ mẹ
Qua nắng mưa cây xanh tháng xanh ngày
Nhớ con đường cây mòn vẹt bàn tay
Tên bạn khắc đầy cánh rừng thương nhớ
Những cánh võng mắc vào trăng vào gió
Mắc vào vai ta-vai bạn-vai rừng
Nhớ những chiều rừng trắng nước mênh mông
Tiễn bạn đi phải khiêng rừng đổ nước
Đêm vắng bạn-rừng trống hoang gió buốt
Thương bạn nằm đất lạnh ngập mưa giăng
Trường Sơnơi trút lá mấy mươi năm
Xin đừng lấp bạn ta như lấp cỏ!
|
|
Chúng con được sinh ra từ mẹ
Người mẹ nghèo thắt đáy lưng ong
Chiếc nón lá che mưa rừng bão bể
Mẹ gánh phù sa nuôi sông Mã sông Hồng
Chúng con được lớn lên từ lúc
Uống lời ru mặn ngọt vị tương cà
Mẹ ru cánh cò, mẹ ru hạt gạo
Mưa nắng thì gần, mơ ước thì xa
Chúng con lớn, thế rồi đều xa mẹ
Xa ngôi nhà mưa nắng có rêu xanh
Bậc thềm và những bước chân sứt mẻ
Nơi mẹ ngồi thương nhớ trắng năm canh
Đời chúng con đâu cũng là phía trước
Làng quê xanh, biên thùy trắng hoa lau
Biển tràn gió thổi rạc gầy dáng mẹ
Mẹ-cội nguồn-lặng lẽ phía sau.
-----------
Vành trăng - mắt bạn
Ánh đèn rụng sáng qua tay
Đêm đêm nhớ bạn cay cay mắt mình
Bạn ta như nắng thủy tinh
Hiền như cổ tích mà thành cỏ cây
Bạn treo cơn sốt rạc ngày
Miên man rừng phủ lá đầy miên man
Đêm đêm sông núi nhoáng nhoàng
Bầu trời nháo nhác những tàn lửa ma
Bạn reo khi gặp rừng già
Bao năm bạn vẫn chưa qua khỏi rừng
Bốn mùa đất nước trên lưng
Vắt cơm muối trắng neo từng giấc mơ
Buồn vui ngày ấy-bây giờ
Dễ tan như sóng, dễ mờ như gương
Cạn đèn ta thắp trăng suông
Vành trăng-mắt bạn chiến trường nhìn ta.
---------
Góc chiều
Đời mải vui thường quên hết sự đời
Lời chúc tụng va nhau trào miệng cốc
May còn có một góc chiều lặng phắc
Nếu vui tràn ta hóa kẻ vô tâm
|
|
Hẹn nhau mùa Giêng Hai
Hẹn nhau mùa Giêng Hai
Đôi bờ cong mướt gió
Người đi làm bến lở
Cỏ may gầy chân đê
Giêng Hai-Giêng Hai về
Thời gian thao thiết chảy
Anh vẫn anh ngày ấy
Em có còn em xưa?
Ngày gầy qua lối mưa
Bàn chân mềm trong cỏ
Bến sông nhòa những gió
Nôn nao em không về
Giêng Hai xanh câu thề
Em còn mơ cổ tích?
Vắt mình qua trong đục
Sông vơi đầy ca dao.
-----
Minh họa: MINH ĐỨC
Theo QĐND
- Phẫn nộ câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” của giới tài xế xe tải
- Về Ðông Môn nghe nhịp phách, trống chầu...
- Cúng rằm tháng 7 năm 2024 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?
- Nhà thơ Tô Hà và “mối tình si” với Thơ
- Tết Đoan ngọ 2024 là ngày nào?
- “Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa
- Chùa Tam Thanh và nàng Tô Thị làm du lịch
- Tết Thanh minh năm 2024 là ngày nào?
- Gặp Nàng Tô Thị ngỡ người làng ta
- MƯA BỐN MÙA
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 1003
Tháng hiện tại : 9022
Tổng lượt truy cập : 2613541