NHÀ BÁO - LIỆT SỸ TÔ CHỨC HY SINH TRÊN ĐẤT THÔN TRẰM NGANG- XÃ QUẢNG THÁI


            Sáng 27.8.2019, Ban liên lạc hưu trí Đài Tiếng nói Việt Nam gia đình và bè bạn tổ chức ra mắt cuốn sách Nhà báo liệt sĩ Tô Chức (1936 -1968) thơ văn nhiều tác giả Trần Phương Trà chủ biên. Cuốn sách viết về Nhà báo- Liệt sỹ Tô Chức - Người chiến sỹ Hà thành đã hy sinh vào ngày 16/8/1968 trên đất Trằm Ngang- xã Quảng Thái.

- Họ và tên: Tô Chức

- Chức vụ: Phóng viên biên tập.

 - Đơn vị: Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Ngày, tháng, năm sinh: 25-8-1936

 - Quê quán: xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

 - Chức vụ, đơn vị công tác trước khi hy sinh: Phóng viên biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Ngày, tháng, năm tham gia công tác: 1950

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Phóng viên, biên tập.

 - Ngày, tháng, năm vào Đảng chính thức: 28-4-1965

 - Ngày, tháng, năm hy sinh: 16-8-1968

              Trang bìa cuốn sách Nhà báo- Liệt sỹ Tổ chức

         Khi còn sống tại quê nhà, Tô Chức - người con trai thứ hai của gia đình, là một thiếu niên hoạt bát, thông minh, học giỏi. Mới 14 tuổi đời, anh đã vào học tại Trường Thiếu sinh quân, rồi Trường Sĩ quan Lục quân, và sau đó nhập ngũ vào Đại đoàn 316 Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tô Chức nhận công tác tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, làm phóng viên chương trình phát thanh Công nghiệp “Từ nhà máy đến công trường”. Là một phóng viên giỏi, kiên định, xông xáo và trung thực, anh được Ban Biên tập Đài Phát thanh tin tưởng và chuyển sang làm phóng viên chiến trường. Với cương vị mới, anh đã vào những vùng đất lửa để lấy tư liệu viết bài như: Khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Hải Phòng, cầu Hàm Rồng, tỉnh Quảng Bình và lên đến tận đỉnh Phu Khút trên đất nước Lào anh em.

         Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, chiến trường miền Nam nói chung và Trị - Thiên - Huế nói riêng càng trở nên khốc liệt. Bọn Mỹ, ngụy rải quân càn quét, lùng sục khắp nơi. Năm 1968, mặc dù sức khỏe không tốt (bị viêm bàng quang và sỏi thận) nhưng đồng chí vẫn tình nguyện vào chiến trường Trị - Thiên. Vừa vào đến Khu ủy Trị - Thiên - Huế, đồng chí Tô Chức đã đề nghị được xuống ngay vùng giáp ranh Quảng Điền cùng bám trụ, sống và chiến đấu với các đội du kích và nhân dân địa phương, bất chấp gian khổ và hiểm nguy.

        Trong khoảng thời gian ở Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên), đồng chí đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với một đơn vị du kích, cùng ra đồng cấy cày, sản xuất với nhân dân địa phương. Cứ có thời gian rảnh, đồng chí lại dạy chữ cho du kích tại địa phương. Khi địch đến càn quét, đồng chí trực tiếp cầm súng cùng du kích chiến đấu chống lại kẻ thù. Bị thương phải nằm dưới hầm nóng, chật chội, nước rỉ ra nhớp nháp, thiếu ánh sáng, muỗi bọ nhiều, lại bị sốt cao do vết thương nhiễm trùng nặng, nhưng cứ cắt cơn sốt mê man là đồng chí lại cố gắng gượng dậy viết bài gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường, giữ đất, giữ lúa, giữ làng của bà con xã Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên)… Do không an tâm với sức khỏe của Tô Chức, Khu ủy Trị - Thiên - Huế cử giao liên đến đưa đồng chí về hậu cứ, nhưng vì quyết tâm bám trụ, thực hiện tốt nhiệm vụ, Tô Chức đã xin tiếp tục ở lại. Các tác phẩm báo chí của Tô Chức luôn luôn thể hiện niềm tin chắc chắn vào thắng lợi của cách mạng miền Nam, một trong nhiều tác phẩm đó đã được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 18 giờ ngày 01-01-1968 với nhan đề: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”.

        Với tình cảm yêu thương, cảm phục, người dân nơi đây ai ai cũng gọi đồng chí Tô Chức là “Chú Hai đài Bác Hồ”. Ngày 16-8-1968, như thường lệ, khi ngơi tay cày tay cấy, trong lúc đang dạy học cho du kích thì quân địch dùng xe tăng, máy bay, pháo hạng nặng tiến công quy mô lớn… Lớp học phải giải tán, mọi người nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Đồng chí Tô Chức cùng du kích ra ngay vị trí tiền duyên, vừa cầm máy ảnh, vừa cầm súng chiến đấu chống lại quân thù. Địch liên tục tổ chức hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác, đại bác từ biển bắn vào, rốt két từ máy bay bắn xuống, xe tăng địch dàn hàng ngang tiến vào… Dù lực lượng ít, mỏng, có thể hy sinh, nhưng Tô Chức cùng với du kích đã dũng cảm, ngoan cường đánh địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Nhưng khi lực lượng quá chênh lệch, để bảo toàn lực lượng, Tô Chức cùng với du kích phải rút xuống hầm bí mật. Trên mặt đất, quân địch đông, lùng sục khắp nơi, phát hiện được cửa hầm, bủa vây xung quanh và gọi quy hàng. Chúng ném lựu đạn xuống, Tô Chức nhanh trí ném trả lại, địch xô nhau tránh. Thừa cơ địch lúng túng, Tô Chức bất ngờ bật nắp hầm, xông lên chiến đấu, dùng súng ngắn bắn những viên đạn cuối cùng tiêu diệt giặc. Nhưng do quân địch đông, bắn lại từ nhiều phía, Tô Chức - “Chú Hai đài Bác Hồ” đã anh dũng hy sinh. Tô Chức đã giữ vững lời thề do chính tay mình viết ra và đọc trước Cờ Đảng ngày 28-4-1965: “Suốt đời phấn đấu tu dưỡng để trở thành người Đảng viên chân chính, chiến đấu vì lợi ích của cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, vì lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa - dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình”.

         Đồng chí Tô Chức hy sinh đã để lại trong lòng đồng đội, đồng nghiệp, nhân dân niềm tiếc thương vô hạn và sự cảm phục lớn lao. Thành tích và chiến công của liệt sĩ Tô Chức rất to lớn, thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của người chiến sĩ cách mạng - một nhà báo chiến sĩ dũng cảm, khi cầm bút, khi cầm súng, khi cầm cày, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hành động anh dũng chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng, viên đạn cuối cùng, tinh thần bất khuất trước kẻ thù của liệt sĩ Tô Chức đã làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của “Nhà báo Bộ đội Cụ Hồ”. Tấm gương hy sinh anh hùng đó là cơ sở, là niềm tin để những người làm báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và lớp lớp cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam học tập, noi theo, hăng hái thi đua hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; tình nguyện vào chiến trường, tuyến lửa đưa tin bài…, đóng góp nhiều thành tích xuất sắc vào sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà; góp phần đắc lực cùng Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Hành động chiến đấu anh hùng cùng phẩm chất, lối sống cao đẹp của Tô Chức mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên… của Đài Tiếng nói Việt Nam học tập, noi theo; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đài Tiếng nói Việt Nam anh hùng, truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

                                Phạm Công Phước