"Đánh thức" vùng đất cổ bên sông Nhuệ


Tượng Thái úy Tô Hiến Thành ở trung tâm khuôn viên đền.

 

         “Đế vương đất cũ

          Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa

          ... Đất này là đất cố đô

           Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”.

Người dân Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tự hào vì quê hương có danh nhân - Thái úy Tô Hiến Thành, người được tôn vinh là Tể phụ và đời đời ngưỡng vọng.

Đền Văn Hiến ở đất văn hiến

Đền Văn Hiến (còn gọi là Văn Hiến đường) thờ chính hai vị đại hiền của làng là Thái úy Tô Hiến Thành (1102 - 1179) và Tiến sĩ Đỗ Trí Trung, đỗ năm 1475, đứng đầu “Kim Cương bát bộ” và tham gia vào Hội văn thơ Tao Đàn dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Nguyên thủy, Đền có từ xa xưa nhưng được quy hoạch, sửa sang vào năm Mậu Thân (1908).

Đền nằm trên khu đất cao đầu làng, bên hữu ngạn sông Nhuệ. Các kiến trúc chính của Đền đều nhìn hướng Đông. Từ ngoài đường đi vào, ở phía trên cổng có đắp nổi 4 chữ Hán lớn: “Thánh vực hiền quan” (Cõi thánh, cửa người hiền); hai bên là đôi câu đối: “Nhuệ thủy giang biên, Văn Hiến thiện đường kim thánh vực/ Ô Diên thành ngoại, Kim Sơn linh tích cổ hiền quan” (Bên bờ sông Nhuệ, Văn Hiến thiện đường nay là cõi thánh/ Ngoài thành Ô Diên, Kim Sơn linh tích xưa thuộc cửa hiền).

Đi vào qua sân lớn, phía trước là hồ bán nguyệt. Tượng danh nhân Tô Hiến Thành nằm ở trung tâm khuôn viên Đền, xung quanh là vườn hoa, cây cối tươi xanh.

Văn Hiến đường gồm có tiền tế, bái đường và hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian, xây gạch bít đốc, các vì mái thiên về bào trơn đóng bén, có diềm mái chạm trổ hổ phù, hoa dây. Đại bái xây bít đốc, kiến trúc vì mái kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”, mái lợp ngói mũi hài. Mặt trước đại bái thông ra tiền tế, phía sát tường có bệ gạch, trên bày long ngai, hương án, bia đá thờ Táo quân và các vị hậu hiền. Hậu cung là nhà dọc gồm 3 gian, nối với gian giữa đại bái, kiến trúc kiểu hai tầng tám mái giống như phương đình (nhà vuông). Phía trên cao là long ngai, có chân dung đức Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho.

Ở dưới là ba pho tượng Tam thánh gồm: Văn Xương Đế quân (thần chủ về văn học), Quan Thánh Đế quân (Quan Công) và Phu Hựu Đế quân (tức Lã Đồng Tân, một trong “Bát tiên quá hải”), tiếp đến là bài vị Thành hoàng làng, dưới cùng là tượng Thái úy Tô Hiến Thành và Tiến sĩ Đỗ Trí Trung. Tượng Thái úy Tô Hiến Thành cao 1,50m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, đặt trên bệ gỗ, ngai vàng. Ngài mặc áo thụng, mũ mãng cân đai chỉnh tề, hai tay nâng tấm thẻ bài gắn mặt gương tròn chiếu về phía trước, ở giữa đai in 3 chữ triện “phúc, lộc, thọ”.

Trong khuôn viên Đền, ở phía sau Đền, sát với hậu cung, có ngôi mộ thờ Tô Hiến Thành gọi là “Tô Vương lăng Thái sư mộ”. Phía trước là nhà bia “Văn Hiến đường bi ký”. Phía bên trái Đền có nhà mẫu xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX.

Trong Đền Văn Hiến còn lưu giữ được nhiều di vật quý như thần phả, hoành phi, câu đối, long ngai, hương án, bia đá, tượng gỗ, đồ sứ, đồ đồng... đặc biệt là bộ “Bia khoa tràng” ghi tên người làng đỗ đạt trong các khoa thi và bộ mộc bản in bộ sách Cổ kim truyền lục với trên 500 bài văn thơ do người làng sáng tác và in ấn vào đầu thế kỷ XX. Đó là những tư liệu khẳng định truyền thống văn hiến của làng Hạ Mỗ.

Tháng 11-1991, đền Văn Hiến được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Gắn kết vào tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì

Đền Văn Hiến (Văn Hiến đường).

Đền Văn Hiến là một trong 7 điểm Di tích lịch sử ở Hạ Mỗ gồm: Đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, 2 ngôi chùa là Báo Ân và Hải Giác, 3 ngôi đền là Văn Hiến, Chính Khí và Tri Chỉ. Đền được coi là tâm điểm của cụm di tích vì là nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành, một tài năng lỗi lạc về quân sự, chính trị, có đóng góp lớn về văn hóa (cải cách thi cử, trọng dụng hiền tài...) và kinh tế (tổ chức khai hoang, đắp đê lấn biển...). Sách Việt sử thông giám cương mục ghi lời vua Tự Đức (1847 - 1883) đánh giá về đại thần Tô Hiến Thành: “Sau Gia Cát Vũ hầu, chỉ có một người ấy thôi”. 

Trong số hơn 200 đình, đền thờ Tô Hiến Thành trong cả nước, Đền Văn Hiến ở Hạ Mỗ có sức hút rất lớn. Hằng năm, con cháu Họ Tô và đông đảo khách thập phương về đây dự lễ hội tưởng nhớ ông, vị phúc thần bảo trợ cho dân địa phương. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tọa - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, thì Đền Văn Hiến là nhà truyền thống về danh nhân Tô Hiến Thành, cần tiếp tục được đầu tư để bảo tồn, tu tạo nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, bồi đắp và phát huy các giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau.

Theo ông, nếu tổ chức tốt thì ở Hạ Mỗ hoàn toàn có thể vận hành một tour về văn hóa làng, không chỉ tham quan 7 di tích quý báu như nói trên mà còn tìm hiểu về lịch sử vùng đất từng có thành cổ Ô Diên vào thế kỷ VI, tìm hiểu vùng đất hiếu học, một cái nôi văn hiến lừng danh, đồng thời từng là một làng nghề thêu ren nổi tiếng.

Tuy nhiên, nhiều nội dung trong đề xuất ấy vẫn chỉ gắn với chữ “nếu”, để chuyển thành hiện thực thì cần có giải pháp tích cực của các cấp chính quyền, của ngành Văn hóa và sự chung tay góp sức của cộng đồng. Theo ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist thì Đan Phượng có tiềm năng du lịch phong phú nhưng cần phải tăng cường quản lý điểm đến, phát triển thành một nghề với một đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp, cùng với đó phải kết hợp hài hòa với các doanh nghiệp lữ hành để phát triển đúng sản phẩm tiêu biểu của địa phương và giới thiệu các sản phẩm đến khách hàng.

Phải đặc biệt lưu ý việc tìm ra sản phẩm cốt lõi thông qua khảo sát kỹ lưỡng, từ đó gắn kết sản phẩm của địa phương vào tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì theo trục đường 32, trở thành một trong các điểm đến của tuyến du lịch này. Đó là sự gợi mở một hướng đi để phát huy giá trị di sản, gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch ở địa phương.

                                             Lam Điền (Hà Nội Mới)