
Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện (Ảnh TL)
Câu nói “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo" của đồng chí Tô Vĩnh Diện là lời hô, lời động viên và sự hy sinh quên mình của người anh hùng liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Anh Tô Vĩnh Diện sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ anh đã phải cùng mẹ lên núi Nưa lấy củi kiếm sống, năm 15 tuổi làm tá điền cho địa chủ Mậu Thôn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên toàn quốc, đã đưa Tô Vĩnh Diện đến với cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập Tổ quốc.
Năm 1946 khi mới 22 tuổi anh tham gia vào dân quân địa phương, sớm bộc lộ năng khiếu quân sự, có tinh thần, trách nhiệm kỷ luật cao. Năm 1949, anh xung phong vào bộ đội, chiến đấu ở nhiều vị trí, nhiều đơn vị, luôn gương mẫu, đi đầu, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 5/1953 Quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ đầu tiên để chuẩn bị cho đánh lớn. Đồng chí Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ.
Cuối năm 1953, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động một lượng lớn pháo lên đường, phối hợp đánh hiệp đồng bộ binh và pháo binh, quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch quan trọng này. Suốt chặng đường hành quân anh luôn hăng hái nhận mọi việc nặng nhọc, động viên đồng đội đưa pháo đến nơi tập kết an toàn. Khi kéo pháo qua những chặng đường khó khăn gian khổ, đồng chí Tô Vĩnh Diện luôn xung phong lái pháo, dọc đường hành quân và lúc nghỉ ngơi đồng chí đều nhắc nhở và chủ động kiểm tra tỉ mỉ xe pháo, đường sá để tránh những nguy hiểm bất ngờ xảy ra.
Sau khi những khẩu pháo 105mm và 37mm được kéo vào chiếm lĩnh trận địa chờ thời cơ nổ súng, để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ được chắc thắng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phải thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “Đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội ta được lệnh kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu để đảm bảo an toàn cho pháo. Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối, địa hình nơi đây vô cùng hiểm trở, đường hẹp cua cong gấp, lúc này đồng chí Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Ty lái pháo, các đồng chí khác dùng dây tời và gỗ chèn pháo. Đường dốc nguy hiểm, khẩu pháo nặng nhích dần từng cm. Quá trình di chuyển pháo hai lần dây tời bị đứt, khẩu pháo đang đà lao nhanh xuống vực. Đồng chí Ty lái pháo bị hất xuống suối. Tình thế lúc này ngàn cân treo sợi tóc, anh Tô Vĩnh Diện hô anh em “thà hy sinh quyết bảo vệ pháo” và ngay lập tức anh lao tới để cứu pháo, khẩu pháo khựng lại, nhưng hàng tấn sắt thép ấy đã đè lên người anh và anh đã hy sinh.
Anh Tô Vĩnh Diện hy sinh đêm 01/2/1954, đồng đội tiễn đưa anh trong tiết trời lạnh giá, không một nén nhang, không một tiếng súng tiễn biệt, bởi chiến dịch ta chưa bắt đầu. Anh Tô vĩnh Diện hy sinh, tên tuổi anh gắn liền với nhiệm vụ kéo pháo và con đường kéo pháo bằng tay huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu nói cuối cùng của đồng chí Tô Vĩnh Diện khắc sâu vào tâm trí đồng đội anh, còn là lời nhắc nhở, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra an toàn và tiếp tục xây dựng trận địa để thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”./.
Hoàng Thoa (Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ)
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
- Đang còn tới 2.805 công trình dự án có nguy cơ gây lãng phí
- Tô Thị Yến Trinh - Người cán bộ Mặt trận khu phố tâm huyết
- TS. Tô Văn Trường: Cần có khung pháp lý kiểm soát và định hướng phát triển AI
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Binh chủng Tăng thiết giáp
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Sáp nhập tỉnh không phải "2 cộng 2 bằng 4" mà "2 cộng 2 lớn hơn 4"
- Tinh gọn bộ máy: Trung ương ban hành đồng bộ các văn bản, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ
- Tổng Bí thư trả lời câu hỏi về lựa chọn cán bộ khi sáp nhập tỉnh, xã
- Tổng Bí thư gợi mở miễn phí bữa trưa cho học sinh, Hà Nội nên tiên phong
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



