Với tình cảm yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ giáo sư Trần Văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký, tôi ghi đôi dòng về tình bạn thân thiết của hai ông mà tôi được nghe nhiều anh chị kể lại, cũng như biết qua sách báo, để tỏ lòng thành kính, nhớ ơn hai ông.
Giáo sư Trần Văn Giàu: Anh Sáu, Chú Sáu, Bác Sáu, Ông Sáu là tên gọi trìu mến, thân thương, kính trọng và ngưỡng mộ của các tầng lớp xã hội, của mọi lứa tuổi người Việt Nam khi nói chuyện trực tiếp hay gián tiếp với ông. Giáo sư Trần Văn Giàu quê ở tỉnh Long An thuộc vùng Đồng Tháp Mười của Nam Bộ, là một trong những người Việt Nam nổi tiếng của thế kỷ XX, là bạn tù vong niên, trong nhà tù nằm sát vách nhau với nhà cách mạng Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng năm 1935, đã cùng tâm sự, trao đổi chuyện lớn của Đảng, của cách mạng, của đất nước đến chuyện nhỏ riêng tư của mình tại khám nhỏ nằm trong Khám lớn Sài Gòn, chuyên nhốt riêng vài ba người tù chánh trị mà chúng cho là nguy hiểm đặc biệt. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng là bạn tù đồng niên, ở chung khám tại nhà tù Côn Đảo với đồng chí Lê Đức Thọ, sau là Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Giàu - ông là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà tri thức lớn, nhà khoa học xã hội uyên bác, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
Thiếu tướng Tô Ký quê ở Củ Chi - Hóc Môn, Mười tám thôn Vườn Trầu thuộc tỉnh Gia Định nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là một chiến sĩ cách mạng lúc vào Đảng Công sản mới có 18 tuổi. Về tài năng đạo đức của ông, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, người bạn vong niên của ông, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ đã tôn vinh ông là “Kẻ sĩ của đất Gia Định”. Thiếu tướng Tô Ký có người còn nói ông là nhà dân vận, đầy lòng bao dung nhân ái, thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết, Thành công, Thành công, Đại thành công”. Ông có rất nhiều bầu bạn, họ là nông dân chí cốt “tay lấm, chân bùn”, là công nhân thợ máy,lái xe, là lính - “anh bộ đôi cụ Hồ”, là chị tiểu thương bán cá ngoài chợ, em bán báo, cháu đánh giày, thậm chí cả người ăn mày cho đến những thân sĩ, phú hào, nhà doanh nghiệp, nhà trí thức, nhà cách mạng, người thủ trưởng chỉ huy, người đồng chí, người Bác, người Chú, người Anh, người bạn thân thiết như ruột thịt trong gia đình như Bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình, thượng tướng Trần Văn Trà, đồng chí Dương Bạch Mai, đồng chí Nguyễn Thị Thập, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Giáo sư bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Giáo sư viện sĩ Nguyến Khánh Toàn, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Lương Đình Của, v.v… Thiếu tướng Tô Ký cũng là anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về tình bạn của Giáo sư Trần văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký cũng hết sức đặc biệt. Đây là tình bạn vong niên, cùng lý tưởng đi làm cách mạng, gặp nhau, thân nhau, quý nhau trong nhà tù đế quốc, thực dân. Giáo sư Trần Văn Giàu lớn hơn Thiếu tướng Tô Ký tám tuổi nhưng hai người rất hợp nhau, thương quý và nể phục nhau, coi nhau như anh em ruột thịt và giữ trọn tình nghĩa cho đến ngày qua đời.
Giáo sư Trần Văn Giàu thuộc lớp người nhà giàu, con của điền chủ nhưng rất yêu nước và ghét Tây. Thế hệ ông cha, họ hàng của ông từng là nghĩa binh của cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân và nhiều người trong họ đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu ngay tại quê nhà. Ông có điều kiện học hành bài bản, học các trường danh tiếng trong nước, ngoài nước như trường Chasselouplaubat ở Sài Gòn, học trung học ở Toulouse miền Nam nước Pháp, học trường Đại học Phương Đông ở Mát-cơ-va nước Nga (Liên Xô). Ông là người nhiệt huyết, thông mình, tài giỏi thương nước, thương dân và yêu nghề, yêu ngành, giàu nghị lực kiên trì, bình tĩnh trước mọi vấn đề để làm việc lớn, việc cách mạng, ích nước lợi dân.
Thiếu tướng Tô Ký thuộc lớp nhà nghèo, con của nông dân lao động, giàu lòng yêu nước. Cha ông, chú ruột ông đều là Đảng viên Cộng sản, tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, bị địch bắt tra tấn dã man, đem giam ở Khám lớn Sài Gòn rồi chuyển nhốt xuống xà lan cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác, đục xà lan nhấn chìm ở cửa sông Sài Gòn, giáp sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp năm 1941. Tới nay vẫn không tìm được hài cốt, đã được truy tặng liệt sĩ. Em ruột ông cũng là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cũng chưa tìm được hài cốt. Vì hoàn cảnh nhà nghèo nên ông học ở trường ít, chỉ tới lớp nhứt (Cours Superieur) tương đương lớp 4 hiện nay, mà học ngoài đời nhiều. Do vốn có tư chất thông minh, có chí khí anh hùng, lúc nào, hoàn cảnh nào ông cũng ham học, ham đọc, ham hiểu biết. Ông nói: “Tôi học trong cuộc sống, đi làm thuê, làm mướn, nhứt là khi ở tù và làm những nhiệm vụ do cách mạng giao cho”. Ở trong tù giáo sư Trần Văn Giàu dạy ông học chủ nghĩa Mác - Lê Nin, triết học duy vật biện chứng. Đồng chí Trần Văn Vi, Bí thư Thành ủy Sài Gòn năm 1935 dạy ông về cách mạng tư sản dân quyền. Ông còn học thêm tiếng Pháp, học cả chữ Nho, học văn hóa…học đâu, ông tiếp thu chắc chắn đó, đặc biệt hiểu về nghĩa rất sâu. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, người gần gũi chơi thân với ông, tôn ông là người anh lớn của mình, đã nói: “Đừng nghĩ, anh Tô Ký là một chỉ huy nông dân ít học. Anh nói thông thạo tiếng Pháp và thuộc lòng nhiều bài văn Pháp, còn sách cổ, sách Tàu anh khá thành thạo, có thể đọc thao thao những đoạn bằng chữ Hán mà anh thích thú nhứt ”.
Trong lịch sử Việt Nam ta và cả thế giới, có biết bao người vì hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác, không có điều kiện học ở nhà trường nhưng bằng tất cả nghị lực, ý chí, lòng quyết tâm và sự cần mẫn theo con đường tự học mà đã trở thành những hiền tài cho đất nước, cho xã hội và nhân loại.
Từ khi bước vào nhà tù Tà Lài, anh Sáu Trần Văn Giàu, anh Ba Tô Ký và các chiến sĩ yêu nước khác đã nhận rõ bản chất, âm mưu thâm độc của kẻ thù, giam giữ, cầm tù các đồng chí cốt là để tách các đồng chí ra khỏi dân, như tách cá với nước để cho chết dần chết mòn nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng. Nhưng kẻ thù đã nhầm. Với Trần Văn Giàu, Tô Ký và các chiến sĩ cách mạng đâu phải dễ; chúng có thể giam cầm thể xác của họ được, nhưng làm sao giam cầm được tinh thần ý chí cách mạng gang thép của họ. Lòng và chí của họ lúc nào cũng nao nao và mãi theo đuổi buổi tung hoành. Chính vì vậy đến Tà Lài, anh Sáu Trần Văn Giàu, anh Ba Tô Ký và các chiến sĩ cách mạng đã tính ngay đến kế hoạch vượt ngục để sớm tiếp sức với các đồng chí, đồng bào của mình chiến đấu. Vượt ngục thì có nhiều cách, nhiều phương pháp nhưng Trần Văn Giàu và Tô Ký xác định việc đầu tiên là công tác dân vận, phải tuyên truyền vận động ráo riết lính mã tà đứng về phe cách mạng đánh Pháp, giành độc lập; tuyên truyền vận động cho đồng bào thiểu số địa phương thương và phục những chiến sĩ cách mạng bị giam ở nhà tù. Công việc rất khó vì đồng bào ít biết tiếng Việt, ngược lại các chiến sĩ cách mạng chưa biết tiếng Mạ, mình phải tiếp xúc với bà con bằng ánh mắt, nụ cười thân thiện, phải học tiếng của họ dù là nói lõm bõm, đặc biệt phải biết làm một việc gì cụ thể, thiết thực có ích cho họ để họ thấy được sự tốt bụng, nhiệt tình và lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng.
Đồng bạo Mạ có bầy trâu trong đó có con trâu cồ đực, to lớn, dữ dằn, ai đụng tới nó là chém đổ ruột như chơi, nên đồng bào ai cũng sợ, chưa dám xỏ vàm cho nó, thành ra trâu cồ vô dụng không kéo cày, kéo gỗ được, chỉ có phá phách, nên đồng bào định giết thịt. Trần Văn Giàu bàn với Tô Ký xỏ vàm con trâu cồ này cho đồng bào để vừa giúp cho đồng bào, vừa thực hiện mục đích chánh trị của mình. Bằng tài trí, sự thông minh, gan dạ Tô Ký đã xỏ vàm cho con trâu cồ dễ ợt. Bằng cách cho lùa cả đàn trâu xuống sông, trâu chen chúc nhau nên trâu cồ cũng không quậy phá được. Nhanh như chớp ông nhảy qua lưng các con trâu, tới chỗ con trâu cồ liền nhảy lên cổ nó, dùng hai chân kẹp cổ con trâu, mình trượt dài lên đầu con trâu, nằm giữa cặp sừng dài nhọn của nó, với tay ra trước, nắm mũi trâu, lấy dây mây đã vuốt nhọn đâm một cái sựt, kéo nhanh dây mây, cột chặt vào quay tai nó, thế là xong. Mấy trăm dân trong buôn đứng coi vô cùng thánh phục, hoan hô nhiệt liệt; Xếp Tây, đội cai, lính cũng vỗ tay rần rần: “gan hết cỡ, mưu trí quá cao, cừ thật”. Sau đó, độ mấy tháng Trần Văn Giàu, Tô Ký và một số đồng chí khác đã vượt ngục. Địch treo thưởng cao cho đồng bào ai bắt được Trần Văn Giàu, Tô Ký, và các chiến sĩ cách mạng vượt ngục. Những mọi người vẫn an toàn trong rừng. Trần Văn Giàu về Nha Trang, Sài Gòn và một số nơi khác tiếp tục gây dựng phong trào, được bầu làm Bí thư Xứ ủy và trở thành Tổng công trình sư cho cuộc khởi nghĩa giành chánh quyền về tay nhân dân trong cuộc Cách mạng tháng 8 long trời, lở đất tại Sài Gòn, ngày 25 tháng 8 năm 1945.
Tô Ký lên tới Đà Lạt, bảy ngày sau bị địch bắt giải về Sở mật thám Sài Gòn tra khảo dã man nhưng không khai một lời, nhờ đó Trần Văn Giàu và các đồng chí của mình vẫn an toàn. Điều này Trần Văn Giàu càng phục và quý trọng Tô Ký vô cùng. Tại Sở mật thám Sài Gòn, Tô Ký uất nghẹn khi tận mắt thấy cha mình và một số đồng chí khác bị địch tra khảo dã man trong phòng hỏi cung. Tô Ký bị nhốt ở Khám lớn Sài Gòn, sau chuyển lên giam ở nhà tù Tây Ninh. Lợi dụng Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Tô Ký trốn thoát nhà tù về tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Định (Tỉnh ủy giải phóng) và tham gia Ban cán sự liên tỉnh Miền Đông Nam Bộ, cướp chánh quyền ở Hóc Môn. Nam Bộ kháng chiến, ông lập ra bộ đội Tô Ký và theo chỉ đạo của Xứ ủy ông đã cùng các đồng chỉ Đảng viên Cộng sản Trần Văn Trà, Hoàng Dư Khương, Huỳnh Văn Một, Huỳnh Tấn Chùa… thành lập bộ đội giải phóng quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa do ông làm chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Văn Trà làm chính trị viên, sau đó ông làm Chi đội trưởng Chi đội 12 - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 312, Tư lệnh phó khu7, Tư lệnh khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Gia Định - Ninh (tỉnh Gia Định - tỉnh Tây Ninh). Sự hoạt động của hai ông Trần Văn Giàu và Tô Ký nổi tiếng vang dội. Nhiều người nói: “Hễ nói đến Cách mạng tháng 8, cướp chánh quyền ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại Sài Gòn, chánh quyền về tay nhân dân là nói đến Trần Văn Giàu”; “Hễ nói đến người chiến sĩ cách mạng ở Nam Bộ là nghĩ ngay đến Tô Ký, nói đến Tô Ký là nhớ về Nam Bộ” hoặc “Hễ nói đến người diễn thuyết hay nhứt, viết sách nhanh nhứt, nhiều nhứt, có giá trị lớn là giáo sư Trần Văn Giàu” “Hễ nói đến người có nhiều huyền thoại, chuyện kể lý thú, trong sáng về mình nhứt thì đó là Thiếu tướng Tô Ký”.
Đời thường của hai ông khi còn ở Miền Bắc hay khi về Miền Nam, tình bạn của Giáo sư Trần Văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký rất gần gũi thân thiết. Hai người thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, giữa khách và chủ không có khoảng cách, đến nhà bạn cũng như về nhà mình, rất tự nhiên thoải mái trao đổi, tâm sự, chia sẻ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện củ khoai, hạt gạo, con cá, nồi canh chua đến chuyện “quốc gia đại sự, chuyện thế giới chiến tranh, hòa bình, đảo chánh, lật đổ v.v…” Giáo sư Trần Văn Giàu mỗi khi có sách mới của mình viết đều đem tặng cho Thiếu tướng Tô Ký với dòng chữ ghi “Tặng chú Ba Tô Ký” và ký tên “Anh Sáu Trần Văn Giàu” nghe rất thân thương, gần gũi như ngày nào còn ở trong trại giam Tà Lài. Năm 1960, Giáo sư Trần Văn Giàu bị ngất trên bàn làm việc. Sau khi được cứu chữa và tỉnh lại, Giáo sư viết một chúc thư thành hai bản, một bản đưa cho Thiếu tướng Tô Ký và một bản giao cho Bí thư chi bộ cơ quan để tâm sự, dặn dò một số việc sau khi Giáo sư qua đời. Thiếu tướng Tô Ký khi đi thăm Nông trường của anh em bộ đội Miền Nam tập kết, Tập đoàn sản xuất Miền Nam, khi có bó rau, mớ cá, cân thịt, nhúm ớt đều đem chia đều cho Anh Sáu Giàu và các đồng chí Miền Nam lão thành, già yếu đã về nghỉ hưu. Đặc biệt Giáo sư Lương Đình Của cũng là bạn thân của Thiếu tướng Tô Ký tặng vài trái dưa lê do chính mình lai tạo giống và tự sản xuất ra hay Tỉnh ủy Hòa Bình tặng cân trà, đồng chí Phan Điền Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho vài cân khoai lang Hoàng Long, là đặc sản thơm, ngon thì Thiếu tướng Tô Ký cũng đêm chia sẻ cho Giáo sư Trần Văn Giàu và các bạn già Miền Nam và các cháu học sinh Miền Nam. Khi có hũ mắm niêm, gói mắm ruốc, có khi là lọ mắm xắt đặc sản của Miền Nam hay một lọ nước tương, một chai nước mắm, một gói tiêu, vài nhúm bột ngọt… Thiếu tướng Tô Ký cũng đem chia cho Giáo sư Trần Văn Giàu. Tình cảm quả thật là chơn chất, chân thành, sâu sắc. Có lần vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu đến nhà Thiếu tướng Tô Ký, tự ông đi nấu cơm, nấu canh theo kiểu Miền Nam canh chua cá lóc, cá kho. Nồi canh chua vừa nấu xong chưa kịp nhắc xuống, chưa bỏ rau thơm vào, một chị nữ cũng đến chơi lật đật xắc hành bỏ vô. Thiếu tướng Tô Ký vừa đi tới thấy vậy nói to: Hư rồi! Hư rồi!. Mấy người đứng xung quanh bếp giựt mình, ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra - ông nói tiếp! Phụ nữ hư! Phụ nữ hư! Nồi canh chua mà cũng không biết nấu. Té ra ông rầy, nấu canh chua là phải bỏ rau thơm ngò om chứ không phải bỏ hành, nó làm mất hương vị của canh chua. Chị phụ nữ ấy đỏ mặt, vì mắc cỡ. Chuyện chỉ có vậy, rất là nhỏ trong đời thường nhưng nó phản ánh tính cách của Thiếu tướng Tô Ký ngay thẳng, bộc trực, chân thành và mang đậm tính giáo dục cao.
Giáo sư Trần Văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký là người làm việc không biết ngơi nghỉ, từ lúc tóc xanh đến lúc bạc đầu, đến ngày nằm xuống, trút hơi thở cuối cùng. Năm 1989, đã 78 tuổi Giáo sư Trần Văn Giàu còn làm Chủ tịch Hội đồng khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, giúp cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố quản lý các hoạt động và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Đến lúc 95 tuổi “tóc đã bạc mà lòng vẫn son” đầu óc vẫn còn hết sức minh mẫn, vẫn còn viết sách dể lại cho đời, cho con cháu nhứt là thanh niên “Sự nghiệp đất nước Việt Nam hôm nay nằm trong tay các cháu”.
Thiếu tướng Tô Ký vốn giàu lòng nhân ái và tinh thần nghĩa hiệp thì nói “Công toại thân thoái thiên chỉ đạo, Trung tâm nặc ứng trọng thiên kim”. Tức “xong việc rồi ta lui bước, đó là dạo trời. Lấy lòng thành mà đối xử, điều đó quý ngàn vàng”. Trên 70 tuổi đời Thiếu tướng Tô Ký còn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh và còn là người hết sức sốt sắng tâm huyết, đã cùng các đồng chí cách mạng lão thành đề xuất và tham gia tích cực Tổng kết lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam Bộ kháng chiến và xây dựng Tượng đài Ngã ba Giòng tưởng niệm các lãnh tụ và các chiến sĩ cách mạng bị địch giết trong Nam Kỳ khởi nghĩa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thé hệ đời sau. Thiếu tướng Tô Ký vẫn còn đi nhiều, nghe nhiều, giúp tháo gỡ nhiều việc bức xúc của anh chị em cựu chiến binh, của mọi người dân khi yêu cầu đến ông hoặc những việc oan trái của họ mà ông biết được, ông đều coi như việc của chính bản thân mình. Khi thì ông vô Thành ủy gặp đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy, khi tới Ủy ban nhân dân gặp đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch thành phố, khi ra tận Trung ương gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải v.v… Thiếu tướng Tô Ký nhiều lần trăn trở tâm sự với Giáo sư Trần Văn Giàu: Anh là trí thức lớn,học trò của anh nhiều người cũng là trí thức lớn, anh thường xuyên làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với họ, tôi muốn anh và họ nên làm như anh Ngô Gia Tự ngày trước đã làm, cần thường xuyên đi cơ sở, vào nhà máy, xưởng thợ, gặp công nhân nghe họ nói, thâm nhập vào công việc thực, đời sống thực, những yêu cầu thực của họ. Đi nhiều hơn về nông thôn làng xã, xóm ấp, gặp gỡ nông dân, tìm hiểu các vấn đề bức xúc về dân chủ, dân sinh nhứt là về ruộng đất. Đi vào các khu chợ gặp các tiểu thương, thậm chí cả người bán hàng rong, dân nghèo thành thị, người ăn xin, thăm bộ đội, công an, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cháu thiếu niên nhi đồng để nắm bắt những vấn đề bức xúc về công việc làm, đời sống thực, tâm tư nguyện vọng thực của họ. Trước đây anh đã viết quyển sách đồ sộ về giai cấp công nhân Việt Nam thì theo tôi, nay anh cũng nên viết tiếp tiếp quyển sách đầy đủ, đồ sộ về nông dân Việt Nam mà trước Cách mạng tháng 8, anh Trường Chinh, anh Võ Nguyên Giáp có nghiên cứu viết đôi phần. Vì nước ta là nước nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Anh và tôi gốc cũng từ nông thôn mà ra. Ba mặt này to lớn vô cùng. Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn đã nói “kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, năm vững nguyên tắc liên minh công nông thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”. Trong dịp kỷ niệm Sài Gòn 300 năm Thiếu tướng Tô Ký cũng bức xúc, trao đổi với giáo sư Trần Văn Giàu về một vài suy nghĩ của mình: vì sao không có một bài phát biểu nào nói về vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chính trong 300 năm ấy Nguyễn Huệ đã đặt nền móng đầu tiên cho cuộc thống nhứt nước ta mà sau này Gia Long thừa kế. Nguyễn Ánh rước voi dày mồ cầu viện quân Xiêm La, rước hàng vạn lính Xiêm vào đất nước ta, Nguyễn Huệ đã đánh tan quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện đó diễn ra trong khoảng thời gian 300 năm lịch sử đó sao không nhắc lại để nâng cao lòng tự hào dân tộc. Trong khi đó lại nói quá nhiều về Nguyễn Hữu Cảnh người vâng lệnh chúa Nguyễn vào lập phủ Gia Định, sao người ra lệnh không được nhắc để tri ân.
Mối quan hệ tình cảm, tình bạn của Giáo sư Trần Văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký rất đa dạng và phong phú, chân thành và thủy chung từ việc nhỏ đến việc lớn, việc riêng đến việc chung, luôn luôn sâu đậm tình người, tình đất nước. Ngày nay Giáo sư Trần Văn Giàu và Thiếu tướng Tô Ký đã đi xa nhưng tình cảm, tình bạn ấy, tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lòng nhân ái ấy vẫn còn sống mãi.
Tô Dùng
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
- Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng
- Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
- Đang còn tới 2.805 công trình dự án có nguy cơ gây lãng phí
- Tô Thị Yến Trinh - Người cán bộ Mặt trận khu phố tâm huyết
- TS. Tô Văn Trường: Cần có khung pháp lý kiểm soát và định hướng phát triển AI
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Binh chủng Tăng thiết giáp
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Sáp nhập tỉnh không phải "2 cộng 2 bằng 4" mà "2 cộng 2 lớn hơn 4"
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



