
Yên Khê là một trong bốn làng của xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, nằm ven đường liên huyện mang tên người anh hùng của dân tộc Nguyễn Văn Trỗi.
Yên Khê là một vùng đất cổ. Khai quật của giới khảo cổ học tại gò đồng Dền từ đầu những năm 60 thế kỷ trước cho thấy nhiều hiện vật của người Việt cổ còn lưu tích tại đây. Đình Yên Khê thờ đức Lý Lang Công - một danh tướng thời vua Lý Công Uẩn đánh giặc qua đây và dừng chân dạy dân lập ấp cấy cày. Yên Khê cũng chính là vùng đất mà Đại đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng quân tài ba của vua Quang Trung Nguyễn Huệ ém quân đánh phơi thây mười vạn giặc Minh trong trận chiến Chúc Động - Tốt Động, cuối thế kỷ 18.
Cụ Tô Văn Nhậm là lão ông thọ nhất làng, dù ngày ấy đã 93 tuổi, nhưng vẫn còn khang kiện. Cụ cho biết, trước đây có thể hình dung Yên Khê là một doi đất nổi giữa ba bề, bốn bên đều là đồng trắng nước trong. Làng Yên Khê là cộng đồng quần cư thống nhất của trên một chục dòng họ. Người họ Tô có mặt lâu đời nhất chiếm khoảng 80% số dân của toàn thôn. Tiếp đó là họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Trần, họ Đặng…Người Yên Khê có một nếp sống bình dị, chân thành; luôn phát huy được truyền thống đoàn kết tương thân tương ái. Đói no, gian khổ người dân Yên Khê vẫn tự bảo nhau: Dựa vào nhau mà sống.
Ông Tô Văn Luật - Trưởng thôn cho biết: Đổi thay mạnh mẽ của Yên Khê những năm vừa qua chính là những bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Là người am hiểu đồng ruộng và nắm vững những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Luật cho rằng, tính chủ động ở mỗi thôn xóm mang tính quyết định rất lớn. Người dân phải coi xây dựng nông thôn mới là việc của chính gia đình mình, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho gia đình và cộng đồng làng xã. Có nhận thức được như vậy thì nông thôn mới là của dân, vì dân và sẽ trở thành hiện thực.
Yên Khê hiện có 286 hộ, 1288 nhân khẩu (năm 2014). Trong đó có 34 hộ thuộc gia đình chính sách - xã hội. Điều phấn khởi là có tới 1/3 số lao động của thôn luôn “ly nông nhưng không ly hương”. Yên Khê có trên 55,8 ha đất gieo trồng. Năm 2013 Yên Khê hoàn thành cuộc cách mạng dồn đổi nhiều ô thửa nhỏ thành 1 hoặc 2 ô thửa lớn. Tích tụ được ruộng đất là điều kiện căn bản để người dân tâm huyết đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà cấy lúa, trồng màu cho năng suất, giá trị thu nhập cao. Đồng ruộng của Yên Khê sản xuất được cả ba vụ/năm, vụ đông chiếm khoảng 1/3 diện tích. Cây vụ đông của Yên Khê cũng thường là dưa chuột và một số rau màu khác. Nhiều gia đình như nhà ông Thạch, ông Năm, ông Sự, ông Chuẩn, ông Thao, ông Thuấn, ông Tuyến… đều có những ruộng dưa chuột đông có giá trị gấp 3-4 lần trồng lúa. Việc cấy lúa của người dân Yên Khê cũng có nhiều đổi khác, từ khâu chọn giống, gieo trồng theo hướng cấy mạ non, sử dụng phân vi sinh và quy trình kỹ thuật IPM, giảm chi phí đầu vào, đem lại năng suất, giá trị thu nhập cao.
Người dân Yên Khê rất năng động, trong sản xuất luôn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, làm ăn phát đạt. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp của bà Nguyễn Thị Thao. Bà Thao thường nuôi 8.000 gà/lứa và mỗi năm xuất bán 4 lứa, cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Cùng với đó, người dân Yên Khê còn tập trung cải tạo vườn tạp, làm vườn theo mô hình bền vững VAC; phát triển chăn nuôi trâu, bò. Theo báo cáo của thôn, đời sống của nhân dân trong làng luôn được cải thiện. Riêng năm 2013 bình quân thu nhập đạt 19,3 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã kích thích và tạo đà để kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Ngược lại, kinh tế càng phát triển người dân lại càng có điều kiện để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Ông Tô Văn Lãi - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Yên Khê đã bê tông hóa được trên 90% đường làng. Trong kiến thiết đường làng, một điều rất đáng ghi nhận là Chi bộ cùng các đoàn thể trong thôn đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động nên nhiều nhà dân tự nguyện hiến từ một đến hai cho đến cả chục mét vuông đất để làng có ngõ đi thẳng, hoặc những đoạn cong được mở rộng ra làm cho đường ngõ khang trang, sạch đẹp và an toàn giao thông. Thêm nữa đã có 6 gia đình mua ô tô tải, ô tô con; 4 nhà sắm công nông phục vụ vận chuyển, chuyên chở trong làng; 99% số hộ có ti vi màu; nhà tầng, nhà mái bằng chiếm gần 1/3 số hộ. Không những vậy, Yên Khê còn đầu tư hàng tỷ đồng cho việc xây mới, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, công trình phúc lợi của làng. Cụ thể như xây tường bao làm sạch khuôn viên, cổng đình; làm cổng và nhà tiền tế chùa Nghiêm Kính tự; xây mới chùa ngoài (Chùa Con); xây dựng sân vận động của thôn, nhằm thu hút tạo điều kiện cho thanh thiếu niên có chỗ vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao. Đặc biệt, năm 2013 được sự trợ giúp kinh phí của Trung tâm huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ - Cục Cảnh sát Bảo vệ (Bộ Công an) đứng chân trên địa bàn, cùng với sự đóng góp của nhân dân, một số người con thành đạt của quê hương Yên khê, làng đã xây dựng và hoàn thiện cổng tam quan của làng thật bề thế, khang trang vừa có nét cổ kính vừa mang nét hiện đại. Cổng làng Yên Khê ghi một dấu ấn nỗ lực thời đổi mới và quyết tâm xây dựng nông thôn mới của bà con nơi đây. Theo chủ trương của Chi bộ, của nhân dân là phải xây dựng Yên Khê vững về chính trị, giàu về kinh tế. Các đảng viên đều được phân công trách nhiệm cụ thể, trong sinh hoạt, công tác và cuộc sống đều có tác phong nói đi đôi với làm. Các gia đình đảng viên, đa số là những gia đình biết làm giàu một cách chính đáng. Nhiều đảng viên của Chi bộ Yên Khê đã trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh được Đảng bộ và nhân dân xã Đại Yên bầu giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của xã. Liên tục nhiều năm liền Chi bộ Yên Khê được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh. Cùng với đó, hệ thống chính trị Đảng, chính quyền, Mặt trận và các Chi đoàn, chi Hội vững mạnh. Yên Khê là một trong những điểm sáng trong hoạt động đoàn thể của toàn xã.
Có thể nói, Yên Khê đã có cuộc chuyển mình, sự lớn mạnh, đa dạng trong phát triển kinh tế đã làm đổi thay cả tập quán, nếp nghĩ, cách làm của những người nông dân chân chất một nắng hai sương. Bộ mặt thôn làng ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp, càng làm cho cái đích cuộc sống của người dân ngày càng no đủ, sung túc hơn. Trong đó có những gia đình họ Tô, người họ Tô ở Yên Khê.
Theo: TT Chương Mỹ
- Linh hoạt gỡ vướng để nhiều hộ nghèo có ngôi nhà “kín trên bền dưới”
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên bang Nga
- Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam - Azerbaijan
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan kiêm Chủ tịch Đảng Amanat
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần thúc đẩy 5 "kết nối" trong hợp tác giữa Việt Nam - Kazakhstan
- Đưa quan hệ Việt Nam - Kazakhstan phát triển thực chất, hiệu quả
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
- Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng
- Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



