CHUYỆN TÌNH HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

Liều mình đi tìm hạnh phúc đích thực.

Chuyện xảy ra vào năm 1251 lúc này Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (con thứ của Trần Liễu) mới khoảng 20 - 21 tuổi. Ông yêu Công chúa Thiên Thành con gái út của Thượng hoàng Trần Thừa (cháu yêu cô ruột). Nhà Trần thời đó có quy định bắt buộc anh em trong họ phải lấy nhau để giữ gìn ngôi báu quyền lực. Nên việc Trần Quốc Tuấn yêu Công chúa Thiên Thành là hợp pháp. Tuy nhiên khi đó Công chúa Thiên Thành đã được Thượng hoàng Trần Thừa và vua Trần Thái Tông đã gả cho Trung Thành Vương là con trai của Nhân Đạo Vương một vị vương gia trong họ Trần. Sử ghi “Trước đó vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong tư dinh của Nhân Đạo Vương tức là đã về nhà chồng. Quốc Tuấn muốn lấy công chúa nhưng không làm thế nào được nên ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa”.

Sự việc vỡ lở công chúa Thụy Bà (Chị ruột của vua Thái Tông - cô ruột của Trần Quốc Tuấn nuôi Quốc Tuấn làm con) mới ra tay trợ giúp bằng cách  dâng 10 mâm vàng sống làm sinh lễ để hỏi công chúa cho Quốc Tuấn, còn vua Thái Tông phải cắt 2000 mẫu ruộng ở phủ Ứng Thiên để trả lại sính lễ cho nhà Nhân Đạo Vương. Sau đó Công chúa Thiên Thành đã trở thành vợ của Quốc Tuấn.

Mối tình đẹp có hậu

Mối tình của Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa đã nở hoa kết trái. Họ sinh hạ được 4 người con trai đều là những tướng lĩnh tài ba, có công lớn trong công cuộc chống Nguyên Mông vì đều được phong đến chức Tước Vương. Đó là các tướng: Hưng Vũ Vương, Hưng Trí Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Hiến Vương và hai người con gái Khâm Từ Hoàng Hậu (vợ vua Trần Nhân Tông), Anh Nguyên Quận chúa (vợ danh tướng Phạm Ngũ Lão). Trong khi chồng xông pha nơi trận mạc bà lo toan công việc hậu cần ở hậu phương. Bà được triều đình phong là Quốc Mẫu: Nguyên từ Quốc Mẫu. Bà đã cùng với linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung vợ Thái sư Trần Thủ Độ là 2 phụ nữ có đức độ, có uy tín, có công lao to lớn đối với triều đình nhà Trần và được phong đến bậc Quốc Mẫu. Nguyên Từ Quốc Mẫu mất tháng 9 năm 1288 sau 37 năm sống bên chồng vị tướng tài ba thao lược của Quân dân Đại Việt.

Bài học về mối tình của hai ông bà đó là sự quyết tâm bảo vệ tình yêu, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi của mình mà khong một trở lực nào có thể ngăn cản được. Từ xưa đến nay khi viết về Trần Hưng Đạo chúng ta chỉ ca ngợi võ công hiển hách tài thao lược, đức độ một lòng vì dân Đại Việt của ông mà quên mất hoặc không nhắc đến câu chuyện tình có một không hai này. Đó thật sự là một điều thiếu sót.

 
Theo bí sử hậu cung - NXB Thanh Hóa 2010
Tô Văn Thặm sưu tầm