Cách mạng Tháng Tám, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Khởi nghĩa vũ trang toàn dân


                  Duyệt đội quân du kích ở các chiến khu về Hà Nội ngày 30/8/1945 (Ảnh TL).

          Sau hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước; Nguyễn Ái Quốc luôn tâm niệm giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phong áp bức bóc lột cho nhân dân; phải đánh thức lòng yêu nước thương nòi thành động lực to lớn của toàn dân đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành độc lập. Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều trào lưu cách mạng và kế thừa di sản quân sự của dân tộc, đặc biệt là Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Cách mạng tháng Mười Nga. Người nói: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lê Nin, tin theo Quốc tế thứ III”. Năm 1924, trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng, chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị từ trong quần chúng”.

          Lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Ái Quốc được hình thành, hoàn thiện và phát triển là cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Nhân dân Việt Nam khi có thời cơ có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một luận điểm đặc biệt sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh quan điểm của Người là hoàn toàn đúng đắn. Nếu cách mạng Việt Nam ỉ nại, trông chờ vào thành công của cách mạng vô sản Pháp mới giành độc lập thì chưa thể có ngày ấy.

          Về nước tháng 1-1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đến tháng 5, tại hang Pác Bó (Cao Bằng) Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 – Một Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt là quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đồng thời, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh – một tổ chức có vai trò to lớn, để động viên và tập hợp lực lượng cách mạng trong cả nước, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Người viết thư kêu gọi đồng bào cả nước có đoạn: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.

          Hồ Chí Minh chủ trương tập trung vào quần chúng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, để phát triển lực lượng chính trị, trên cơ sở đó mà xây dựng lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 7-1945, phát xít Đức, Ý bại trận, phát xít Nhật chuẩn bị đầu hàng quân đồng minh. Dù đang phải điều trị bệnh, Hồ Chí Minh xác định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

          Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân, là linh hồn của văn hóa quân sự Việt Nam và còn đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

                            Tô Trúc Phương